Phong trào #MeToo đang thúc đẩy một làn sóng giành quyền lợi cho phụ nữ lớn chưa từng có tại Hàn Quốc. Ngày 4/8, bất chấp nắng nóng kỷ lục, Claire Lee, sinh viên 21 tuổi, cùng hàng chục nghìn phụ nữ xuống đường biểu tình chống nạn quay lén.
Các cuộc biểu tình nổ ra từ tháng 5 và đã biến thành sự kiện hàng tháng.
Nỗi sợ thường trực ở mọi nơi
Nạn quay lén, còn gọi là “molka”, phổ biến tới mức nó xuất hiện trên báo hàng ngày. Phụ nữ là nạn nhân chủ yếu của những chiếc máy quay giấu kín do đàn ông đặt ở trường học, văn phòng, nhà vệ sinh, phòng thay đồ và trên tàu xe.
“Ngày nay, việc vào nhà vệ sinh công cộng trở thành một trải nghiệm đáng sợ”, Lee chia sẻ, cho biết thêm cô luôn phải quan sát các bức tường để phát hiện “những cái lỗ đáng nghi”.
“Bạn sẽ không bao giờ biết được rằng có thể camera được giấu trong đó và quay lại cảnh bạn đi vệ sinh”. Lee kể rằng đôi khi cô nhét giấy ăn vào các lỗ trên tường để đề phòng, thậm chí còn dùng bút chọc vào để làm vỡ ống kính nếu có.
Cuộc biểu tình tháng 7 đã thu hút hơn 55.000 người. Ảnh: AFP. |
Những con số không nói dối và số liệu thống kê về nạn quay lén phản ánh rõ mức độ nghiêm trọng tới sửng sốt của tình trạng này. Năm 2010, tổng số vụ quay lén được báo cảnh sát là khoảng 1.100 vụ. Tuy nhiên, năm 2017, con số này tăng gấp 6 lần, lên tới hơn 6.500 vụ.
Những kẻ phạm tội bao gồm cả giáo viên, bác sĩ, mục sư, quan chức nhà nước, cảnh sát và thậm chí là thẩm phán. Trong một vài trường hợp, chính bạn trai hoặc người thân của nạn nhân là thủ phạm. AFP nhận định điều này phần nào nói lên truyền thống gia trưởng "thâm căn cố đế" trong xã hội Hàn Quốc.
Tuy nhiên, phụ nữ đã mệt mỏi với việc sống trong sợ hãi và đang từng bước đứng lên đấu tranh. Theo nhóm tổ chức, hơn 55.000 người đã tham gia vào cuộc biểu tình hồi tháng 7 tại Seoul, dù cảnh sát cho rằng con số này rơi vào khoảng 20.000.
“Nỗi tức giận chồng chất của nữ giới cuối cùng đã sôi sục”, một trong những người tổ chức biểu tình xưng là Ellin nói với AFP.
Công nghệ hiện đại được sử dụng sai mục đích
Hàn Quốc tự hào là nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á với năng lực công nghệ cao, từ mạng Internet siêu tốc tới những chiếc điện thoại thông minh.
Tuy nhiên, tiến bộ kỹ thuật đã vẽ đường cho “đội quân” quay lén am hiểu công nghệ. Những đoạn video bất hợp pháp được lan truyền rộng rãi trong các phòng chat, trên diễn đàn và những trang mạng cho phép chia sẻ, tải xuống dữ liệu. Chúng thậm chí còn được dùng để quảng cáo cho các trang web khiêu dâm, mại dâm.
Chính phủ cố giảm thiểu tệ nạn bằng cách yêu cầu các nhà sản xuất điện thoại thông minh tích hợp tiếng kêu to báo hiệu máy đang chụp ảnh. Dù vậy, nhiều kẻ đã sử dụng ứng dụng đặc biệt để tắt tiếng, hoặc thậm chí là chuyển sang dùng các loại camera công nghệ cao ngụy trang trong mắt kính, bật lửa, đồng hồ, chìa khóa xe và cà vạt.
Tháng trước, một người đàn ông 43 tuổi bị bắt vì bí mật quay khách thuê phòng tại nhiều nhà nghỉ ở Seoul trong 4 năm qua. Thủ phạm giả làm khách để vào phòng khách sạn và lắp ống kính siêu nhỏ trong loa TV cùng nhiều thiết bị khác. Qua khám xét nhà của người này, cảnh sát phát hiện hơn 20.000 đoạn video quay lén.
Hồi tháng 6, cảnh sát cũng đã bắt một người đàn ông 34 tuổi, sau khi người này quay lén phụ nữ trong nhà vệ sinh và bán hàng nghìn đoạn video trên mạng với giá 100.000 won/clip, tương đương 90 USD.
Nhân viên sử dụng máy quét để phát hiện camera bí mật trong nhà vệ sinh nữ tại bảo tàng ở Seoul. Ảnh: VCG. |
Dù vậy, hầu hết tội phạm quay lén cũng chỉ bị phạt tiền hoặc kết án treo. Nhiều nhóm hoạt động vì nữ quyền lên tiếng, mạnh mẽ chỉ trích hình phạt như vậy là quá nhẹ. Trong khi đó, khi thủ phạm là nữ giới thì tình huống lại khác hẳn.
“Khi vô số nạn nhân nữ yêu cầu bắt thủ phạm, thì cảnh sát ít khi phản hồi”, Seo Seung Hui, chủ tịch Trung tâm Phản ứng Bạo lực Tình dục Mạng nói với AFP.
Tuy nhiên, hồi tháng 5, khi một người phụ nữ đăng đoạn phim bí mật quay người mẫu nam khỏa thân ở một trường đại học mỹ thuật tại Seoul lên mạng, cảnh sát đã nhanh chóng tới khám xét nhà cô. Không những thế, hình ảnh của người phụ nữ cũng xuất hiện tràn lan trước ống kính truyền thông. Giới chức thậm chí còn tiến hành điều tra những người xúc phạm người mẫu nam trên mạng.
Chính vụ việc này là một trong những chất xúc tác cho hàng loạt cuộc biểu tình lớn chưa từng có tại Hàn Quốc vào mùa hè này.
“Phụ nữ nhìn thấy tốc độ phản ứng mau chóng hiếm có của cảnh sát trong những vụ việc mà nạn nhân là nam giới. Cách đối xử không công bằng như vậy đã đổ thêm dầu vào ngọn lửa giận dữ gần đây”, Seo nhận định.
Cùng nhau tạo thay đổi
Các nhà hoạt động xã hội đang kêu gọi sự trừng phạt nặng hơn đối với những cá nhân quay lén, phát tán và cả những người xem các đoạn video này. Họ cũng yêu cầu chính phủ có những quy định chặt chẽ hơn nhằm kiểm soát hoạt động buôn bán thiết bị camera ẩn công nghệ cao.
Biểu ngữ đề dòng chữ "Cuộc sống của tôi không phải phim khiêu dâm của bạn". Ảnh: AFP. |
Tuy nhiên, cuộc đấu tranh phía trước vẫn còn dài. Trong cuộc tuần hành gần đây, nhiều người che mặt và từ chối chụp ảnh vì lo ngại cho an toàn của bản thân. Trước đó, một số phụ nữ tham gia biểu tình đã trở thành mục tiêu của nạn bắt nạt tàn nhẫn trên mạng.
Dù sao thì bất chấp nỗi sợ, những người phụ nữ này vẫn không chùn bước.
“Chứng kiến phụ nữ tập hợp lại và cùng nhau lên tiếng đã truyền sức mạnh cho tôi. Chúng ta có sức mạnh. Cùng nhau, chúng ta có thể tạo thay đổi”, Ellin nói.