Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí: Đột phá hợp tác Việt - Mỹ

Tuyên bố của Tổng thống Obama về gỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí sát thương đã xoá đi rào cản cuối cùng trong quan hệ Việt - Mỹ để được "bình thường hoá" thật sự.

Trước khi Tổng thống Obama tuyên bố dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam ngày 23/5, chủ đề này đã là một trong những tâm điểm được báo chí Mỹ nhắc đến nhiều nhất về chuyến thăm của ông Obama. Trao đổi với Zing.vn, các chuyên gia đều đồng tình rằng quyết định này giúp bồi đắp thêm lòng tin giữa 2 nước, xoá bỏ những nghi kỵ còn tồn đọng trong quan hệ song phương, đồng thời mở ra những cơ hội hợp tác mới.

Quan hệ bình thường hoá hoàn toàn

Thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an) khẳng định việc bỏ cấm vận mang một ý nghĩa biểu tượng to lớn. “Điều này chứng tỏ rằng Mỹ đã không còn vướng mắc nào đối với Việt Nam, khiến quan hệ Việt - Mỹ đã hoàn toàn được bình thường hoá. Việt Nam không phải là đối thủ mà Mỹ cần phải đề phòng về an ninh, quốc phòng, nên lệnh cấm vận không còn nhiều ý nghĩa. Ngay cả tại Thượng viện và Hạ viện Mỹ đã có nhiều nghị sĩ ủng hộ việc bãi bỏ này”, ông nói với Zing.vn.

My do bo cam van vu khi Viet Nam anh 1
Thiếu tướng Lê Văn Cương. Ảnh: Công Khanh

Trong khi đó, theo Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore), ngoài ý nghĩa về quân sự, việc dỡ bỏ cấm vận còn mang tính chất chính trị với hàm ý chiến lược quan trọng. “Sau quyết định này, hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Mỹ được thắt chặt hơn, các rào cản được dỡ bỏ hoàn toàn, sự tin cậy chiến lược giữa hai nước được nâng cao". 

Giáo sư Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Australia) không tỏ ra ngạc nhiên trước quyết định của ông Obama. “Tổng thống Obama đã có nhiều hành động để cải thiện quan hệ với Iran và Cuba. Do vậy, ông chắc chắn sẽ có nghĩa cử để thắt chặt quan hệ với Việt Nam vì quan hệ song phương Mỹ - Việt vốn đã đạt mức tiến bộ cao hơn nhiều”, ông nói.

Ông Thayer tin tưởng rằng Thượng viện hiện tại do đảng Cộng hoà kiểm soát sẽ không có hành động đảo ngược việc dỡ bỏ cấm vận. Ông cho biết một số nghị sĩ cao cấp của đảng này đã bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ việc bỏ cấm vận. Trong số này bao gồm Thượng nghị sĩ John McCain, người đang giữ chức chủ tịch Uỷ ban Quân vụ quan trọng ở Thượng viện.

Theo giáo sư Thayer, 2016 là năm bầu cử tổng thống của Mỹ, nên Quốc hội không muốn tỏ ra lấn át các quyết định của tổng thống vào thời điểm này.

My do bo cam van vu khi Viet Nam anh 2
Máy bay trinh sát P3C Orion của Mỹ, một trong những vũ khí mà Việt Nam được cho là đang quan tâm. Ảnh: Airliners.net

Nhu cầu tất yếu

Các chuyên gia cho rằng một số nước có thể không hài lòng với quyết định dỡ bỏ cấm vận vũ khí cho Việt Nam. Tuy nhiên, tướng Lê Văn Cương khẳng định nhu cầu đa dạng hoá "nguồn thu mua vũ khí là nguyện vọng chính đáng và bình thường của mỗi nước”. 

"Không chỉ Việt Nam mà cả Trung Quốc cũng mua rất nhiều từ Nga. Hoặc như Ấn Độ đã bao thập kỷ mua vũ khí từ Liên Xô và Nga, thì từ năm 2014 đã bắt đầu tìm kiếm đối tác cung cấp mới là Mỹ. Do vậy, tìm kiếm những nguồn cung cấp mới là nhu cầu tất yếu của mỗi nước”, ông Cương nói.

Thiếu tướng Cương cũng nhấn mạnh chính sách quốc phòng của Việt Nam luôn là nâng cao năng lực phòng thủ chứ không bao giờ thể hiện ý định nhằm vào một nước nào khác. "Tuy nhiên, ngay cả khi phòng thủ thì kho vũ khí đa dạng vẫn tốt hơn là một loại vũ khí”.

Theo báo New York Times, giới chức Mỹ đang hy vọng quyết định dỡ bỏ cấm vận vũ khí cho Việt Nam có thể giúp những tàu chiến của họ được thuận lợi hơn trong việc tiếp cận quân cảng Cam Ranh của Việt Nam trong tương lai.

Theo tướng Lê Văn Cương, Mỹ đã nhiều lần bày tỏ nguyện vọng này với phía Việt Nam. “Đây cũng có thể là một trong những chủ đề hội đàm của Tổng thống Obama khi sang Việt Nam lần này”.

My do bo cam van vu khi Viet Nam anh 3
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp. Ảnh: Hồng Duy

Theo Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, Việt Nam từng tuyên bố mở cửa cảng Cam Ranh với tất cả các nước có nhu cầu. "Cho nên, trong tương lai, việc tàu chiến Mỹ được vào cảng là điều bình thường”, ông nói. "Điều cần chú ý là thời điểm, loại tàu (như việc đưa hàng không mẫu hạm được vào cảng lại mang ý nghĩa khác so với tàu chiến nhỏ), thời gian và dịch vụ sử dụng cảng". 

Mở ra những cơ hội hợp tác mới

Theo Giáo sư Thayer, một trong những “chìa khoá” quan trọng cho các hợp tác tương lai đã được thể hiện trong Tuyên bố Tầm nhìn chung do Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam khi đó là ông Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cùng đưa ra vào tháng 6/2015. Tuyên bố này nhắc đến khả năng mở rộng giao thương vũ khí trong tương lai, và triển vọng “hợp tác sản xuất những công nghệ, thiết bị mới”.

“Thời gian qua, Việt Nam đã đón ít nhất hai phái đoàn doanh nghiệp quốc phòng Mỹ trong thời gian qua, bao gồm Boeing và Lockeed. Việc hợp tác sản xuất sẽ diễn ra khi hai bên xây dựng đủ lòng tin chiến lược với nhau”, ông nói.

My do bo cam van vu khi Viet Nam anh 4
Giáo sư Carl Thayer. Ảnh: Hải An

Ngoài ra, việc dỡ bỏ cấm vận cũng tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp xúc với các thị trường là đồng minh của Mỹ dễ dàng hơn. Trước đây, mọi đồng minh của Mỹ nếu muốn bán vũ khí hoặc thiết bị quân sự có sử dụng công nghệ Mỹ cho Việt Nam thì cần được Washington cho phép. 

“Việc dỡ bỏ lệnh cấm cho phép các đồng minh Mỹ buôn bán thuận lợi hơn với Việt Nam do những hạn chế này không còn nữa. Nói cách khác, nếu Mỹ đã đạt được lòng tin chiến lược với Việt Nam thì điều này cũng khuyến khích những đồng minh của Mỹ thực hiện tương tự”, ông Thayer nói với Zing.vn.

Sẽ tăng cường hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực quân sự trên biển

Thời gian qua, Mỹ đã thực hiện sáng kiến an ninh hàng hải Đông Nam Á để giúp các nước ASEAN xây dựng và nâng cao năng lực các lực lượng chấp pháp trên biển. 

Theo tướng Lê Văn Cương, đây là một chính sách đúng đắn và được không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trong khu vực hoan nghênh. 

"Quan điểm của Mỹ là các nước ASEAN như Việt Nam và Philippines cần đạt một năng lực quân sự, đặc biệt là trên biển, ở mức độ và khả năng răn đe nhất định, qua đó đủ khả năng đối phó với những tình huống bất ngờ trên biển. Chúng ta có thể đề nghị Mỹ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về trang thiết bị, như hệ thống radar cảnh báo sớm trên biển, tàu thuyền để lực lượng chấp pháp thực hiện việc bảo vệ chủ quyền trên biển”, ông Cương nói. 

Theo Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, trong năm tài chính vừa qua, Mỹ tập trung hỗ trợ Philippines do đây là nước đồng minh hiệp ước với Mỹ nên Washington cần ưu tiên. "Trong tương lai gần, sau khi đã hiểu rõ cơ chế làm việc của Việt Nam và tập hợp đủ nguồn lực cần thiết, tôi nghĩ Mỹ sẽ tăng những khoản hỗ trợ cho Việt Nam”.

“Thời gian qua, Trung Quốc áp dụng chiến lược là sử dụng những tàu vỏ trắng (bán quân sự, như lực lượng hải cảnh, kiểm ngư)… Các nước trong khu vực không có nhiều năng lực đối phó với chiến thuật này của Trung Quốc. Do Mỹ không thể can dự trực tiếp, nên muốn giúp đỡ các nước ASEAN đủ năng lực để đối đầu với các áp lực. Những tính toán này của Mỹ phù hợp với mong muốn của các nước Đông Nam Á, nên được nhiều nước hoan nghênh”, ông Hiệp nhận định.

Mỹ gỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí với Việt Nam

Trong buổi họp báo chung với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Barack Obama tuyên bố Mỹ gỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí đối với Việt Nam.

Cảng Cam Ranh và gỡ bỏ cấm vận vũ khí cho Việt Nam

Theo các chuyên gia, việc gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí có thể xóa nhòa “bóng ma cuối cùng” của cuộc chiến tranh Việt Nam. Đổi lại, cảng Cam Ranh cũng có thể được mở cửa...

Việt Nam: điểm nhấn trong Tái cân bằng châu Á của Mỹ

Trong bàn tròn trực tuyến với Zing.vn, ba nhà quan sát hàng đầu nhận định chuyến thăm của Tổng thống Obama khẳng định tầm quan trọng của VN trong chính sách Tái cân bằng của Mỹ.

Cảnh Toàn - Hà Hương - Thanh Tuấn

Bạn có thể quan tâm