Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hai anh bạn John và quan hệ Việt - Mỹ

Ngoại trưởng John Kerry bay từ Myanmar sang VN chiều nay để tháp tùng tổng thống Mỹ Obama thăm VN. Cùng với John McCain, ông đóng vai trò đặc biệt trong quan hệ Việt - Mỹ.

Khi ngoại trưởng Mỹ John Kerry đặt chân xuống sân bay Nội Bài chiều tối 22/5, ông trở lại mảnh đất mà sự nghiệp của ông định hình. Quan hệ Việt - Mỹ cũng bị lèo lái nhất định bởi những bước đường đó.

Trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama, một người bạn của ông Kerry, TNS John McCain hôm 18/5 cũng ra một tuyên bố quan trọng để ủng hộ việc Mỹ gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với VN. Ông ủng hộ việc dùng gần 500 triệu USD của Sáng kiến An ninh Hàng hải (MSI) để ủng hộ các đối tác như VN và Philippines.

John Kerry va Viet Nam anh 1
TNS John Kerry và TNS John McCain tại bảo tàng lịch sử quân sự VN ở Hà Nội năm 1993. Ảnh: Boston Globe

“Ngày nay, VN là đối tác ngày càng quan trọng ở khu vực mà cam kết duy trì các nguyên tắc để đảm bảo trật tự theo luật lệ ở châu Á-TBD: tự do trên biển, thương mại cởi mở, giải quyết hoà bình các tranh chấp,” ông lý giải nguyên nhân ủng hộ Việt Nam. Trong tuyên bố, ông cũng lên tiếng ủng hộ việc thành lập ĐH Fulbright và coi đó sẽ là “chất xúc tác” giúp cho giáo dục ĐH của VN.

Hai anh bạn đặc biệt

“Trong bình thường hoá, chúng ta may mắn có hai anh bạn John. Đó là Thượng nghị sĩ John Kerry và Thượng nghị sĩ John McCain - một người là phe Cộng hoà, một người là phe Dân chủ. Chúng ta có sự ủng hộ quan trọng từ cả lưỡng đảng.” - bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại Quốc hội và là nhà ngoại giao lâu năm của VN thường nói về quá trình bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ.

“Nói một cách khác thì ông Kerry giống như cựu binh của bình thường hoá,” bà Ninh nói khi so sánh ông cùng với những Virginia Foote, Bob Schiffer, Pete Peterson và một loạt nhân vật khác từng thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình hoà giải quan hệ hai nước cách đây hơn 20 năm.

Năm 1991, khi John Kerry bắt đầu nhiệm kỳ 2 ở thượng viện Mỹ, ông bắt đầu một việc được coi là đánh bạc với sinh mạng chính trị của mình: đứng đầu uỷ ban về vấn đề tù nhân chiến tranh và người Mỹ mất tích (POW/MIA).

Cần nhớ lúc đó vấn đề Việt Nam, nơi duy nhất siêu cường Mỹ từng thất bại trong lịch sử, vẫn còn là nỗi đau khôn nguôi, xã hội nước Mỹ vẫn vật lộn trong “hội chứng Việt Nam.”

Một số nghị sĩ hay cựu binh muốn thúc đẩy bình thường hoá hay cải thiện quan hệ với VN ngay lập tức sẽ bị chỉ trích là phản quốc. Các cố vấn của Kerry khi đó đều khuyên ông nên tránh nhiệm vụ này.

John Kerry va Viet Nam anh 2
TNS John Kerry và TNS John McCain trong một phiên điều trần về VN tại Quốc hội năm 1992. Ảnh: AP

Còn TNS John McCain khi đó bị các nhóm làm về POW/MIA trực tiếp gọi là phản quốc. “Những thứ nói về ông ấy lúc đó là trên cả tàn nhẫn,” Kerry kể lại.

Tờ Boston Globe, trong bài hồ sơ dài về chân dung ông Kerry khi ông ra tranh cử năm 2004 đã gọi bước đi này của Kerry là đầy “mạo hiểm về chính trị.” Còn ông Kerry thì thừa nhận đó là “nhiệm vụ không vinh quang gì và chẳng ai muốn.”

“Lúc đó rất nhiều lời đồn về các nhà tù bí mật nổi lên của một số nhóm nhỏ các doanh nghiệp và các tổ chức NGO với hi vọng kiếm lợi trên “hy vọng” của các gia đình cựu binh. “Các bức ảnh giả về tù nhân Mỹ xuất hiện, kể cả trên báo chí chính thống,” tờ báo viết.

Năm 2010, khi tổng kết lại 15 năm bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ, TNS Kerry viết, “mọi người dễ quên rằng bình thường hoá không hề đến nhanh hay dễ dàng. Đó là tiến trình gian nan đòi hỏi tầm nhìn, sự nỗ lực và nhượng bộ. Những người ủng hộ bình thường hoá có thể bị gán cho là phản quốc ở cả hai nước.

Điều nghịch lý là thúc đẩy hoà bình và hoà giải giữa hai nước lại được dẫn dắt bởi những người tham chiến nhiều nhất – những cựu binh. Đặc biệt ở Mỹ, các tổ chức và các gia đình cựu chiến binh... đã cung cấp sự ủng hộ chính trị quan trọng cho tiến trình bình thường hoá.”

TNS Kerry từ năm 1991 cho đến khi bình thường hoá năm 1995 đã liên tục có 14 chuyến thăm VN để xem xét hàng ngàn tài liệu, bức ảnh, các lời khai từ thân nhân, các nhóm cựu chiến binh, cựu quan chức tình báo và nhà ngoại giao, các báo cáo để khẳng định rằng không còn nhà tù bí mật nào tại VN.

Khi nhắc lại việc này ông nói công việc POW/MIA đã “dần giúp gây dựng niềm tin và tạo thói quen hợp tác để dọn đường cho bình thường hoá.” Và chính những gia đình của các cựu binh đã “giúp xây dựng sự đồng thuận.”

Tình bạn đặc biệt

Cũng trong quá trình này, John Kerry đã có thêm một người bạn mà sau này trở thành đồng minh chính trị quan trọng ở phía bên kia của đảng Cộng hoà.

Thời điểm năm 1991, Kerry bị coi là cái gai trong mắt nhiều Thượng nghị sĩ với phong thái nhanh nhạy, cởi mở với đám phóng viên trong khi ở thượng viện Mỹ chuyện vai vế, tuổi tác vẫn đóng vai trò quan trọng.

Một trong những người rất kình Kerry khi đó chính là TNS John McCain của phe Cộng hoà, một trong những cựu binh từng chiến đấu tại VN. Hai người đã có những bất đồng ngay từ trong phong trào phản chiến.

Mùa xuân năm 1991, McCain ngồi đối diện Kerry trên chiếc máy bay vận tải quân sự trong một chuyến công tác tới Trung Đông. Ở Thượng viện, hai người thường dè chừng vờn vờn nhau. Giờ, khi ngồi trên máy bay, hai người bắt đầu nói chuyện và theo tự nhiên bắt đầu nhắc về VN, cuộc chiến mà cả hai ông từng tham gia một thời tuổi trẻ.

John Kerry va Viet Nam anh 3
Hai thượng nghị sĩ ở hai đảng khác nhau đã nhanh chóng trở thành bạn thân và cùng thúc đẩy mạnh mẽ việc bình thường hoá với Việt Nam. Ảnh: AP 

McCain nhớ lại rằng khi chiếc máy bay bắt đầu bay qua Đại Tây Dương, Kerry và McCain kể lại những ký ức của đời mình. Kerry thì nói, “Tôi hỏi ông ta rất nhiều câu hỏi, ông ta cũng hỏi tôi, rồi chúng tôi nói về cảm xúc của nhau về cuộc chiến.”

Sau chuyến đi và một lần trò chuyện, hai người trở thành bạn thân của nhau.

Và bốn năm sau, tháng 7-1995, Kerry và McCain đứng cạnh nhau ở phòng phía Đông của Nhà Trắng khi tổng thống Clinton tuyên bố Mỹ sẽ bình thường hoá quan hệ với VN.

Giai đoạn cấm vận, căng thẳng sau chiến tranh đã bước sang một trang mới của hợp tác. Việc bình thường hoá quan hệ với Mỹ cũng là tiền đề để VN vào ASEAN và ký thoả thuận hợp tác với EU trong cùng năm này.

Năm 2012, ông McCain cũng là một trong những người ủng hộ quyết liệt nhất cho ứng viên Kerry cho chức ngoại trưởng.  Thúc đẩy bình thường hoá quan hệ với VN được coi là bước ngoặt của cuộc đời cũng như sự nghiệp chính trị của TNS Kerry.

TNS Edward M. Kennedy (mất năm 2009), em trai của JFK và từng làm tại Thượng viện từ năm 1962 sau này đánh giá, “Công việc mà John Kerry và John McCain làm thật sự là một trong những việc ấn tượng nhất chúng ta từng có suốt 50 năm qua.”

Cảm nhận của người Việt Nam về Tổng thống Obama Người dân Việt Nam chào đón chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Họ mong ông thăm nhiều nơi và hỗ trợ quá trình phát triển của đất nước.
Obama gần gũi và hài hước trong các chuyến công du Là người quyền lực bậc nhất hành tinh, Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn có nhiều khoảnh khắc hài hước, thân thiện trong khi đi công du hoặc phát biểu trước các quan chức, người dân.

Nhà Trắng công bố lịch trình của Tổng thống Obama tại VN

Nhà Trắng ngày 21/5 công bố lịch trình của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Việt Nam.

Cảnh Toàn - Hà Hương - Thanh Tuấn

Bạn có thể quan tâm