Trước chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Việt Nam, Zing.vn có cuộc trao đổi bàn tròn về tầm quan trọng của sự kiện này với 3 nhà quan sát Việt Nam hàng đầu, gồm Tiến sĩ Murray Hiebert, phó giám đốc chương trình nghiên cứu Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) ở Washington DC; Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học George Mason (Mỹ), nghiên cứu viên cao cấp không thường trú của CSIS; Giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm Nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương ở Hawaii thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ.
Từ trái qua: Tiến sĩ Murray Hiebert, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, Giáo sư Alexander Vuving |
Nhìn chung, các chuyên gia đều khẳng định vai trò quan trọng của Việt Nam trong chính sách Tái cân bằng về châu Á của Mỹ, tin tưởng rằng chuyến thăm là cột mốc để 2 nước thắt chặt, tăng cường quan hệ song phương, củng cố lòng tin chiến lược.
Gỡ bỏ cấm vận vũ khí, tăng cường quan hệ
- Phía Mỹ và Việt Nam kỳ vọng thế nào về chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Tổng thống Obama?
- TS Murray Hiebert: Tôi cho rằng, cả Mỹ và Việt Nam đều xem chuyến thăm của Tổng thống Obama là cơ hội để làm sâu sắc thêm mối quan hệ song phương, đặt nền tảng cho những hợp tác và gắn kết mới trong tương lai.
Như đã được thông báo, một trong những nội dung hội đàm giữa tổng thống và các nhà lãnh đạo Việt Nam là về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư.
Hai bên cũng sẽ thảo luận về tăng cường hợp tác trong giáo dục. Tổng thống Obama hoặc một quan chức cao cấp Mỹ sẽ dự lễ khởi công Đại học Fulbright ở TP HCM.
Tiến sĩ Murray Hiebert. Ảnh: Minh Anh |
Các nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận về tình hình biến đổi khí hậu, vấn đề về môi trường và đặc biệt là hạn mặn nghiêm trọng ở đồng bằng sông Cửu Long. Tổng thống Obama cũng sẽ trao đổi về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
- GS Alexander Vuving: Chuyến thăm của Tổng thống Obama sẽ tiếp tục tăng cường và nâng cao quan hệ 2 nước. Nhiệm kỳ của Tổng thống Obama đã chứng kiến nhiều tiến bộ trong quan hệ Mỹ - Việt Nam, mà một cột mốc rất quan trọng chính là chuyến đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ hồi năm ngoái. Sự kiện này đã xoá bỏ đáng kể những nghi kỵ giữa 2 nước.
Cũng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Obama, năm 2014, Mỹ đã gỡ bỏ một phần cấm vận vũ khí cho Việt Nam. Với xu thế này, lãnh đạo Việt Nam có thể kỳ vọng đạt được bãi bỏ toàn bộ cấm vận vũ khí với Việt Nam trong năm cuối của nhiệm kỳ của Tổng thống Obama, qua đó hoàn toàn bình thường hoá quan hệ 2 nước.
Giáo sư Alexander Vuving trao đổi với Zing.vn về chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Obama. |
Xây dựng lòng tin, xoá dần nghi kỵ
- GS Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi cho rằng các lãnh đạo mới của Việt Nam có dịp được giới thiệu hình ảnh ra quốc tế. Đây là dịp để họ thể hiện phong thái tự tin và gần gũi khi tiếp đón nguyên thủ Mỹ.
Kế đến, khi hai bên hội đàm với nhau là cơ hội để tìm hiểu lẫn nhau. Những cuộc hội đàm giữa những người đứng đầu nhà nước đều rất quan trọng. Nếu họ có thể thiết lập ấn tượng, tình cảm tốt thì sẽ có lợi đối với chính sách về sau.
Đây là lần đầu tiên những lãnh đạo mới của Việt Nam gặp gỡ trực diện tổng thống Mỹ. Thông qua các cuộc hội đàm, 2 bên sẽ nhận ra những điểm tương đồng và những điểm còn khúc mắc trong quan điểm về các vấn đề quan trọng, điển hình như tình hình Biển Đông.
Phái đoàn tháp tùng ông Obama sang Việt Nam lần này rất hùng hậu. Cho dù sau này một số người có thể rời chính quyền, họ vẫn có thể tham gia một số hoạt động và có tiếng nói có lợi cho Việt Nam. Do vậy, tôi nghĩ Hà Nội cũng muốn tạo ấn tượng tốt với những người bạn từ Mỹ, giảm thiểu các ấn tượng xấu.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Hải An |
- Trong hơn 20 năm qua, cả 2 phía đã nỗ lực xây dựng lòng tin chiến lược với nhau như thế nào?
- GS Alexander Vuving: Những nghi kỵ có nhiều nguyên nhân, một phần do yếu tố lịch sử, khi Việt Nam lo ngại Mỹ muốn thay đổi chế độ hoặc chống phá Việt Nam.
Tuy nhiên, chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giải quyết đáng kể những hoài nghi này. Tuyên bố chung giữa 2 lãnh đạo Mỹ - Việt thể hiện rõ ràng rằng Mỹ tôn trọng thể chế, chế độ chính trị của Việt Nam.
Mỹ mong muốn Việt Nam đạt nhiều tiến bộ hơn về nhân quyền và dân chủ. Hai yếu tố này là điểm cốt lõi trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
Nhiều ý kiến từ Việt Nam cũng cho rằng, những đề nghị này hoàn toàn không mâu thuẫn với chính sách của Việt Nam. Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam đã đưa vấn đề nhân quyền lên rất cao, chú trọng nâng cao và cải thiện quyền con người.
- GS Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi tin rằng Mỹ hoàn toàn không muốn những diễn biến chính trị bất lợi xảy ra với Việt Nam. Nếu đặt vào vị trí hoạch định quyền lợi chiến lược cho Mỹ, Mỹ muốn Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong cán cân lực lượng châu Á.
Do vậy, nếu thay đổi, rắc rối phát sinh có thể tạo ra những khoảng trống đi kèm với hậu quả không thể lường hết được. Đó là những trường hợp đã xảy ra ở Libya (sau khi nhà lãnh đạo Gaddafi bị lật đổ) và Iraq (lật đổ Saddam Hussein) và để lại bài học cho nước Mỹ.
Trong chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Obama đã khẳng định Mỹ tôn trọng sự khác biệt về chế độ chính trị giữa 2 nước. Ảnh: AFP |
Mỹ chỉ mong muốn Việt Nam đạt nhiều tiến bộ về nhân quyền, từ đó giúp các chính sách hỗ trợ cho Việt Nam sẽ ít gặp rào cản hơn ở quốc hội. Tôi nghĩ ngày càng nhiều quan chức Việt Nam đã hiểu về việc này, không còn mang nặng hoài nghi Mỹ như trong quá khứ nữa.
Trong chuyến thăm Mỹ năm ngoái, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã khẳng định, Mỹ là địa bàn rất quan trọng của ngoại giao Việt Nam.
Mỹ sẵn sàng cho tập trận chung
- Hai bên cần tiếp tục tăng cường xây dựng lòng tin chiến lược ở những lĩnh vực nào?
- TS Murray Hiebert: Lĩnh vực quan trọng đầu tiên chính là hợp tác quân sự, quốc phòng. Theo quan sát của tôi, Bộ Quốc phòng Mỹ dường như đã sẵn sàng cho tập trận chung với quân đội Việt Nam.
Bên cạnh đó, chúng ta có thể kỳ vọng Washington sẽ tuyên bố tăng ngân sách trong việc làm sạch các vùng nhiễm chất độc da cam ở Biên Hòa. Đây là một trong những hậu quả chiến tranh trong mối quan hệ Việt - Mỹ.
- GS Alexander Vuving: Nếu Mỹ muốn tiếp tục xoá đi đáng kể những ngờ vực vẫn còn tồn đọng, điều mà Washington cần thực hiện là nỗ lực tăng cường giải quyết những hậu quả chiến tranh, và bãi bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí đối với Việt Nam. Việc bỏ cấm vận không chỉ giúp Việt Nam nâng cao năng lực quốc phòng, mà còn chứng tỏ Mỹ không còn điểm khúc mắc hoặc hoài nghi đối với Việt Nam.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và Đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius, cùng cầm đất từng nhiễm dioxin đã qua xử lý. Ảnh: ĐSQ Mỹ |
- Việc ông Obama chọn thăm Việt Nam vào năm cuối của nhiệm kỳ có làm giảm tầm quan trọng của chuyến thăm?
- TS Murray Hiebert: Đây đúng là năm cuối cùng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Obama, nhưng ông vẫn là tổng thống của nước Mỹ. Chuyến thăm của tổng thống tiếp nối hàng loạt chuyến thăm cấp cao những năm qua giữa 2 bên, bao gồm lần công du Mỹ của Chủ tịch nước và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (lần lượt diễn ra vào năm 2013 và 2015).
Cho nên, chuyến thăm của Tổng thống Obama sẽ tiếp tục dựa trên những tuyên bố và thỏa thuận hợp tác trước đó. Sự kiện này sẽ giúp cả 2 nước tăng cường quan hệ hơn nữa trong tương lai.
- GS Nguyễn Mạnh Hùng: Mọi chuyến công du của tổng thống Mỹ đều có mục đích quan trọng. Theo tôi được biết, Mỹ từng sắp xếp để chuyến thăm này có thể diễn ra sớm hơn.
Dù chuyến thăm diễn ra ở năm cuối nhiệm kỳ của ông Obama, một tổng thống Mỹ vẫn nắm trong tay nhiều quyền lực. Một trong những quyền đó là ban hành các executive order (pháp lệnh hành pháp) ảnh hưởng đến chính sách của Mỹ rất nhiều mà quốc hội không thể ngăn cản.
Về đối ngoại, tổng thống cũng có thể ký kết với các nước thỏa ước hành pháp (executive agreement) và cũng không cần quốc hội phê chuẩn. Khi một tổng thống mới đắc cử, họ có thể thay đổi các thỏa thuận, nhưng theo quan sát của tôi thì việc này ít khi diễn ra.
Một thỏa thuận như vậy thường đã cân nhắc rất nhiều quyền lợi và thể hiện cam kết của nước Mỹ, nên tân tổng thống thường sẽ duy trì nó.
Tổng thống còn là tổng tư lệnh của nước Mỹ. Tôi giả sử rằng, trong chuyến thăm Việt Nam, nếu cảm thấy cần thiết thì Tổng thống Obama có thể tuyên bố bỏ cấm vận vũ khí hoàn toàn. Quốc hội cũng không thể đảo ngược quyết định này nếu tổng thống viện dẫn lý do vì tình hình chiến lược.
Ngoài ra, tổng thống Mỹ có quyền tăng cường binh sĩ, cử nhiều tàu hơn, thực hiện những cuộc tuần tra quyết liệt hơn ở Biển Đông, hoặc tuyên bố tăng viện trợ cho Việt Nam.
- GS Alexander Vuving: Tôi cho rằng thời điểm ông Obama sang Việt Nam vào năm cuối nhiệm kỳ nói lên tương đối chính xác vị trí của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
Mối quan tâm của một cường quốc như Mỹ là toàn cầu. Trong khi đó, mối quan tâm của Việt Nam chủ yếu tập trung ở khu vực Đông Á. Do vậy, việc Tổng thống Obama quyết định thăm Việt Nam đã cho thấy Mỹ thực sự coi trọng mối quan hệ này.
Tầm quan trọng của Việt Nam trong chính sách châu Á của Mỹ
- Vai trò Việt Nam trong chính sách châu Á của Mỹ như thế nào?
- GS Alexander Vuving: Trước hết cần khẳng định Việt Nam là một đối tác quan trọng trong chiến lược tái cân bằng của Mỹ. Trong khu vực, quan trọng nhất đối với Mỹ chính là Trung Quốc, Nhật Bản; rồi đến nhóm nước như Hàn Quốc, Australia; và sau đó là các nhóm nước như Singapore, Philippines, Việt Nam, Malaysia...
Tuy nhiên, chiến lược của Mỹ là đã và tiếp tục được triển khai. Tầm quan trọng của Việt Nam đối với Mỹ cũng cần sự chủ động từ Việt Nam để hình thành vai trò của mình.
Nhìn chung, có thể khẳng định Việt Nam chiếm vị trí quan trọng trong chính sách xoay trục của Mỹ, nhưng mức độ cao hay thấp còn tuỳ thuộc vào nỗ lực của cả 2 bên. Về danh nghĩa, quan hệ Việt Nam và Mỹ là đối tác toàn diện, nhưng về cơ bản đã mang tính đối tác chiến lược.
Tàu khu trục USS Fitzgerald (DDG 62)của Mỹ cùng các sỹ quan và thủy thủ đoàn cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, tháng 4/2015. Ảnh: TTXVN |
- GS Nguyễn Mạnh Hùng: Việt Nam là một phần quan trọng trong chính sách của Mỹ để xây dựng tương quan lực lượng khiến Trung Quốc không thể nắm thế độc siêu.
Trong quá khứ, Việt Nam đã chứng tỏ mình là đất nước có tiềm lực sức mạnh và lòng quyết tâm lớn. Do vậy, Việt nam là một cực trong chính sách đa cực của Mỹ hướng đến cân bằng quyền lực ở châu Á, bên cạnh các cực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ...
- Dịp này, Tổng thống Obama và các lãnh đạo Việt Nam có thể thảo luận nội dung gì về tình hình Biển Đông?
- GS Alexander Vuving: Biển Đông sẽ là chủ đề nghị sự quan trọng khi Tổng thống Obama đến Việt Nam. Ông có thể lặp lại những lập trường của Mỹ về Biển Đông, như đứng trung lập trong tranh chấp lãnh thổ, nhưng Mỹ có lợi ích lớn trong việc bảo đảm tự do hàng hải, tôn trọng luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp hoà bình...
Tổng thống Obama cũng có thể tuyên bố nước lớn không nên ỷ mạnh để chèn ép nước khác, ý nhằm trực tiếp vào Trung Quốc, đồng thời đề nghị các nước không quân sự hoá.
- GS Nguyễn Mạnh Hùng: Bên cạnh việc nhắc lại những lập trường của Mỹ tôi nghĩ nghĩ Tổng thống Obama có thể đề cập những nét mới như tuyên bố tăng cường thêm lực lượng đến khu vực này, tăng tần suất các cuộc tuần tra khẳng định quyền tự do hàng hải; hoặc những biện pháp cụ thể hơn để giúp Việt Nam gia tăng năng lực quốc phòng...
Bãi bỏ ngay cấm vận vũ khí với Việt Nam
- Liệu Tổng thống Obama có thể tuyên bố bãi bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí đối với Việt Nam trong chuyến thăm lần này?
- TS Murray Hiebert: Khả năng Tổng thống Obama sẽ công bố dỡ bỏ cấm vận vũ khí hoàn toàn đối với Việt Nam vẫn là điều chưa chắc chắn, do nội bộ chính quyền Mỹ vẫn tranh luận về vấn đề này.
Nhiều ý kiến lập luận rằng, cần phải bãi bỏ cấm vận để thực thi bình thường hóa đầy đủ với Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh tình hình Biển Đông phức tạp. Một số khác viện dẫn nhiều khúc mắc được cho là rào cản trong việc bỏ cấm vận.
Theo quan điểm của tôi, Tổng thống Obama sẽ đề cập đến chuyện này trong chuyến thăm, nhưng sẽ ra quyết định sau khi kết thúc cuộc công du.
- GS Alexander Vuving: Vẫn có khả năng này, nhưng cá nhân tôi cho rằng nó không cao lắm. Như đã nói, chuyến đi sẽ cung cấp cho Tổng thống Obama thông tin, để khi kết thúc chuyến thăm ông có đủ cơ sở để ra quyết định.
Trong những tháng tới, vào cuối nhiệm kỳ, nếu Washington thấy rằng Hà Nội đã thực hiện đầy đủ những yêu cầu và cam kết thì việc bỏ cấm vận là điều có thể.
- GS Nguyễn Mạnh Hùng: Tại Mỹ, theo tôi, số người ủng hộ việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí rất nhiều. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn băn khoăn nên các bên vẫn còn đang tranh luận về điều này.
Do vậy, trong trường hợp chưa quyết định bãi bỏ hoàn toàn, Tổng thống Obama có thể tuyên bố tiếp tục nới lỏng đến mức tối đa, 90%. Đây là điều hoàn toàn có thể làm được.
Tổng thống Obama tiếp đón ông Nguyễn Tấn Dũng khi còn giữ chức Thủ tướng Việt Nam dự họp cấp cao Mỹ - ASEAN hồi tháng 2. Ảnh: AP |
- Việt Nam quan tâm mua vũ khí gì từ Mỹ?
- TS Murray Hiebert: Mọi thương vụ buôn bán vũ khí với Mỹ đều phải tuân thủ luật chuyển giao vũ khí và cần được Quốc hội Mỹ phê chuẩn, dù là người mua là Đài Loan (Trung Quốc), nước đồng minh Saudi Arabia hay chính Việt Nam trong tương lai. Theo tôi, Việt Nam trước mắt sẽ quan tâm đến những thiết bị như radar hoặc các loại tàu, nhằm tăng cường việc bảo vệ lãnh thổ trên Biển Đông.
- GS Alexander Vuving: Giới quan sát cho rằng, với nhu cầu nâng cao năng lực quản lý vùng biển và quốc phòng biển của Việt Nam, thì Hà Nội có thể quan tâm những vũ khí như máy bay tuần tra, các loại tàu, radar...
- Quy trình Mỹ bán vũ khí cho các nước như thế nào?
- GS Alexander Vuving: Đây là một quy trình rất phức tạp. Trong quá trình này, Bộ Ngoại giao Mỹ có tiếng nói rất lớn. Nếu Việt Nam muốn mua vũ khí của Mỹ thì Mỹ có những chương trình trợ giúp tài chính.
Mua vũ khí là đặt đơn hàng với các công ty quốc phòng tư nhân. Tuy nhiên, phía duyệt các khoản viện trợ tài chính là chính phủ. Hơn nữa, các công ty Mỹ không được quyền tự do bán vũ khí cho ai, hoặc bán như thế nào mà cần có sự cấp phép của cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là Bộ Ngoại giao.
- GS Nguyễn Mạnh Hùng: Rất nhiều thủ tục phải hoàn thiện và liên quan tới nhiều cơ quan nhưng Bộ Ngoại giao là quan trọng nhất. Chẳng hạn, nếu muốn xuất cảng cần có ý kiến của Bộ Quốc phòng. Lầu Năm Góc sẽ xem xét trên yếu tố chiến lược, trong khi Bộ Ngoại giao cân nhắc các yếu tố về chính trị.
- Ông đánh giá thế nào về các hợp tác quân sự Việt - Mỹ thời gian qua?
- GS Alexander Vuving: Theo tôi, phía Mỹ đã mong muốn thúc đẩy hơn nữa việc hợp tác trong lĩnh vực này. Tôi đánh giá mức độ hợp tác hiện tại đã có nhiều tiến triển đáng kể nhưng ở mức độ chưa xứng đáng như kỳ vọng của nhiều người. Điều này có thể xuất phát một phần từ nhu cầu của Việt Nam. Đối với Việt Nam, an ninh, quốc phòng không chỉ là tình hình Biển Đông, dù đây là tâm điểm được giới quan sát chú ý nhất.
Mỹ sẽ tiếp tục chính sách tái cân bằng
- Liệu sau khi Mỹ có tổng thống mới vào năm 2017, chính sách xoay trục hướng về châu Á sẽ tiếp tục được thực hiện?
- GS Alexander Vuving: Bà Hillary Clinton chính là kiến trúc sư của chính sách xoay trục. Từ này cũng do bà đặt ra, sau đó Tổng thống Obama mới đặt ra từ “tái cân bằng”. Nếu bà Clinton đắc cử tổng thống thì việc xoay trục tiếp tục thực hiện là điều đương nhiên.
Nếu ông Trump chiến thắng, bằng cách này hay cách khác, về cơ bản thì Mỹ vẫn phải hướng sự quan tâm về châu Á nhiều hơn. Ông Trump vốn là một doanh nhân thì họ luôn quan tâm khu vực nào có thể mang lại nhiều lợi ích, và đó chính là châu Á. Ông ta có thể không dùng những từ “xoay trục” hay “tái cân bằng” mà tự sáng tạo ra từ khác.
Có thể khẳng định, dù Trump hay Clinton thắng cử, thì Mỹ cũng sẽ tiếp tục xoay trục về châu Á.
- GS Nguyễn Mạnh Hùng: Chính sách xoay trục sẽ được tiếp tục, vì nó liên quan đến quyền lợi quốc gia của nước Mỹ. Khi ta quan sát lối hành động của Trung Quốc sẽ thấy cách Bắc Kinh là từng bước lấn dần, tạo thế dần dần rồi sẽ đẩy Mỹ ra khỏi khu vực.
Mỹ sẽ không bao giờ chấp nhận việc này, ít nhất là trong giai đoạn hiện nay. Sức mạnh của Hải quân Mỹ vẫn là vô địch. Với vị thế này, Mỹ phải có mặt ở tất cả những vùng biển quan trọng trên thế giới, mà Biển Đông là một trong số đó.