"Chúng tôi hoan nghênh việc Mỹ thúc đẩy quá trình dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam. Điều này phù hợp với xu hướng phát triển quan hệ đối tác toàn diện, thể hiện sự tin tưởng giữa hai nước", Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 12/5 trả lời câu hỏi của Reuters.
Theo đó, Việt Nam hoan nghênh "những tiếng nói ủng hộ" trong nội bộ nước Mỹ, những người đã kêu gọi dỡ bỏ lệnh cấm vận kéo dài nhiều năm qua.
Đoàn diễu binh trong ngày kỷ niệm Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước 30/4/2015. Ảnh: Reuters |
Theo hãng thông tấn Anh, Việt Nam từng đàm phán với các nhà sản xuất vũ khí của Mỹ và phương Tây nhằm tăng cường sức mạnh của chiến đấu cơ, máy bay trực thăng, máy bay tuần tra. Tuy nhiên, Nga vẫn là nhà cung cấp vũ khí truyền thống của Việt Nam.
Bộ Ngoại giao khẳng định Việt Nam không có ý định thành lập liên minh quân sự để đối đầu với các nước khác và duy trì chính sách tự vệ.
"Việc Việt Nam mua các thiết bị quốc phòng từ các nước đối tác là điều hoàn toàn bình thường, phù hợp với chính sách quốc phòng hoà bình. Chúng tôi không phải đồng minh hoặc liên kết quân sự với bất kỳ quốc gia nào nhằm chống lại các nước khác", Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.
Vấn đề dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam là nguồn cơn gây tranh cãi trong nội bộ Mỹ trong thời gian gần đây khi Tổng thống Barack Obama sắp có chuyến thăm Việt Nam cuối tháng này.
Một số trợ lý của Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định có thể chưa đến lúc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam. Trong khi đó, phía bên kia, bao gồm nhiều quan chức của Lầu Năm Góc, lập luận rằng việc giúp Việt Nam tăng cường khả năng đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc nên là vấn đề ưu tiên.
Ngày 3/10/2014, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo Washington đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí mà họ áp đặt đối với Việt Nam. Giới quan sát cho rằng việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vũ khí có thể xoá đi những vết tích còn sót lại sau Chiến tranh Việt Nam và tăng cường mối quan hệ bình thường hoá 21 năm qua.