Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đang là một trong những đầu mối đào tạo nhân lực ngành bán dẫn. Ảnh: iStock. |
Ngày 2/10/2019, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) được thành lập theo Quyết định số 1269 của Thủ tướng với chức năng hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên phát triển khoa học và công nghệ.
Sự ra đời của NIC thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc đưa đổi mới sáng tạo trở thành một trong các động lực tăng trưởng của Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
Sau 5 năm, trung tâm đã trở thành đầu mối quốc gia về đổi mới sáng tạo, là đơn vị dẫn dắt kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hoàn chỉnh cho Việt Nam.
Vườn ươm startup
Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC, cho biết đến nay, trung tâm đã triển khai nhiều chương trình hợp tác, đào tạo, ươm tạo startup phối hợp với những "ông lớn" công nghệ quốc tế lớn như Google hay Meta.
“Chúng tôi phối hợp cùng các trung tâm đổi mới sáng tạo trên thế giới để đưa, gửi các nhóm startup sang nước ngoài như Hàn Quốc, Bỉ tham gia vào chương trình ươm tạo, đào tạo”, ông Huy nêu thêm.
3 năm gần đây, NIC đều cử startup sang nước ngoài giao lưu mỗi năm 2 lần, mỗi đợt khoảng 20 startup.
Dù chưa có startup nào trở thành “kỳ lân” (định giá 1 tỷ USD), ông Huy vẫn tin rằng nhiều startup nhân cơ hội này đã tìm thấy đối tác phù hợp.
Ông Vũ Quốc Huy - Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia. Ảnh: NIC. |
Hiện nay, các startup Việt Nam được NIC hỗ trợ đều cần đáp ứng bộ tiêu chí riêng, quan trọng nhất là hoạt động trong lĩnh vực đáp ứng xu thế hiện nay như an ninh mạng, sản xuất thông minh, đô thị thông minh, công nghệ môi trường… Ngoài ra, trung tâm còn đánh giá năng lực của đội ngũ sáng lập về kỹ năng quản lý, quản trị kinh doanh.
Đối với Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam, Giám đốc NIC cho biết đây là sáng kiến khởi nguồn từ Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Hiện nay, mạng lưới đã phát triển đến hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng Việt Nam đóng góp hơn 2.000 chuyên gia chính thức.
“Rất nhiều chuyên gia mạng lưới trong lĩnh vực trọng tâm của NIC như bán dẫn, AI đã đóng góp rất lớn trong quá trình nghiên cứu và xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực bán dẫn mà Chính phủ vừa ban hành”, ông Vũ Quốc Huy thông tin.
Hỗ trợ phát triển ngành bán dẫn
Về ý tưởng thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn, đại diện NIC cho biết đây cũng là đề xuất của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng.
Bộ trưởng đã giao trung tâm xây dựng báo cáo đầu tiên gửi Thủ tướng để đề xuất những lĩnh vực mang tính đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới. Trong đó, NIC đề xuất 2 lĩnh vực là bán dẫn và công nghệ hydrogen.
Từ báo cáo này, Thủ tướng đã chỉ đạo xây dựng thông tư, các chương trình thu hút đầu tư thúc đẩy ngành công nghệp bán dẫn tại Việt Nam.
Chúng tôi xác định việc phát triển nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn là nhiệm vụ cốt yếu
Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC
“Chúng tôi xác định việc phát triển nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn là nhiệm vụ cốt yếu. Vì lĩnh vực này đã được các quốc gia phát triển từ lâu, khó cạnh tranh và bắt kịp. Chỉ có nguồn nhân lực Việt Nam với trình độ, sáng tạo mới là yếu tố có thể khai thác”, ông Huy lý giải.
Việc khai thác nguồn nhân lực Việt Nam đáp ứng yêu cầu của ngành bán dẫn có thể thành động lực thu hút doanh nghiệp bán dẫn nước ngoài vào Việt Nam hoặc doanh nghiệp nước ngoài thu hút nhân lực Việt Nam sang đầu quân.
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hợp tác với nhiều doanh nghiệp bán dẫn tại Mỹ để triển khai các chương trình đào tạo nguồn nhân lực tại Việt Nam. Các doanh nghiệp đã cung cấp hơn 1.000 tư liệu phục vụ đào tạo, thiết kế vi mạch.
Nguồn tư liệu này được phân bổ tới các trường đại học để tiến hành đào tạo, giảng dạy chính quy. NIC cũng phối hợp với các trường tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn cho giảng viên và sinh viên, kỹ sư trong các ngành liên quan đến bán dẫn. Riêng về chương trình ngắn hạn tại NIC, trung tâm đã đào tạo hơn 1.000 giảng viên và kỹ sư, chưa tính đến số lượng đào tạo chính quy tại các trường.
Trao đổi với Tri Thức - Znews, ông Vũ Quốc Huy cho biết trong 5 năm hoạt động, trung tâm đã tham gia đề xuất các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế chính sách liên quan đến đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, điển hình như chính sách ưu đãi đối với NIC tại Nghị định 94/2020.
“Chúng tôi cũng đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cơ quan có thẩm quyền trình Quốc hội ban hành Luật Đầu tư cũng như Nghị định 31 hướng dẫn Luật Đầu tư bổ sung các chính sách ưu đãi với các dự án đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Không riêng NIC, chúng tôi đề xuất các trung tâm đổi mới sáng tạo trên cả nước đều là đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư”, lãnh đạo NIC chia sẻ.
Sau Luật Đầu tư, NIC cũng tham gia đề xuất Luật Thủ đô (sửa đổi) để xây dựng cơ chế sử dụng, quản lý, vận hành tài sản của đơn vị sự nghiệp trên địa bàn Hà Nội, qua đó tạo điều kiện thực hiện sử dụng tài sản cho thuê, công vụ cho hoạt động đổi mới sáng tạo.
Thời gian tới, NIC sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như Bộ Thông tin và Truyền thông sửa đổi Nghị định 94 để hoàn thiện thêm cơ chế đối với NIC cũng như cơ chế với hoạt động đổi mới sáng tạo trong Luật Khoa học công nghệ và Luật Công nghệ thông tin.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.