Kết thúc tuần thứ hai của tháng 1, giá vàng thế giới tăng 23,9 USD/ounce so với ngày trước đó lên 1.920,6 USD/ounce, đánh dấu mức cao nhất trong vòng gần 9 tháng. Nói với Zing, ông Edward Moya - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) - cho rằng Phố Wall đang ngày càng tự tin về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sắp hoàn thành chu kỳ tăng lãi suất.
Ông trích dẫn khảo sát của Đại học Michigan, cho thấy dự báo của người Mỹ về lạm phát hàng năm đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021.
"Việc giá vàng chốt phiên giao dịch ở mức hơn 1.900 USD/ounce là tín hiệu rất lạc quan trong phần còn lại của tháng", ông dự báo. Vị chuyên gia cho rằng ngưỡng kháng cự của vàng là 1.950 USD/ounce.
Giá vàng vừa trải qua tuần tăng mạnh. Ảnh: Trading Economics. |
Hướng tới mức đỉnh
Theo tính toán của Zing dựa trên dữ liệu của Trading Economics, với mức giá 1.920,3 USD/ounce, giá của mỗi ounce vàng chỉ cần tăng 134,1 USD để trở lại ngưỡng kỷ lục được thiết lập cách đây gần một năm.
Thời điểm đó, kim loại quý chỉ cần vỏn vẹn một tuần để đạt được mức tăng này.
Theo báo cáo được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 12/1, trong tháng 12/2022, CPI tại Mỹ đã ghi nhận mức giảm hàng tháng mạnh nhất kể từ đầu đại dịch, và mức tăng hàng năm thấp nhất trong hơn một năm.
Các dữ liệu trước đó cũng chỉ ra tăng trưởng kinh tế và lạm phát tại Mỹ đang hạ nhiệt. Theo báo cáo vừa được Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố, số việc làm trong tháng 12 của Mỹ ghi nhận tốc độ tăng hàng tháng thấp nhất trong vòng 2 năm. Thu nhập của người Mỹ cũng giảm tốc tăng trưởng.
Giá vàng vọt lên mức cao nhất gần 9 tháng. Ảnh: Trading Economics. |
Hơn nữa, chỉ số quản lý thu mua (PMI) từ Viện Quản lý Nguồn cung Mỹ (ISM) chỉ ra các hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ của Mỹ đã lao dốc bất ngờ trong tháng 12. Đây là mức giảm lớn nhất trong vòng 2 năm rưỡi do nhu cầu suy yếu.
"Xu hướng lạm phát rõ ràng vẫn còn nguyên vẹn. Chi phí nhiên liệu lao dốc đã mang lại đợt sụt giảm sau 2 năm rưỡi", ông Moya nhận định.
Theo ông, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dường như đã sẵn sàng giảm tốc độ tăng lãi suất còn 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp ngày 1/2, sau đó tiếp tục theo dõi các dữ liệu kinh tế đưa ra quyết định trong cuộc họp tháng 2 và 3.
Bà Susan M. Collins - Chủ tịch Fed chi nhánh Boston - tiết lộ bà nghiêng về khả năng tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm. "Điều này rất có thể sẽ được các quan chức FOMC - cơ quan hoạch định chính sách của Fed - đồng tình", ông Moya nhận định.
Chạm mốc 4.000 USD/thùng?
Việc Fed giảm tốc độ tăng lãi suất sẽ thúc đẩy giá vàng. Bởi kim loại quý sẽ trở nên kém hấp dẫn khi lãi suất tăng cao, vốn làm tăng chi phí cơ hội của vàng.
Ngoài vàng, dầu cũng hưởng lợi từ các tín hiệu về xu hướng hạ nhiệt của lạm phát. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu Brent chuẩn toàn cầu tăng 1,61% so với ngày trước đó lên 85,38 USD/thùng.
Ông Juerg Kiener - CEO kiêm Giám đốc đầu tư của Swiss Asia Capital - nhận định giá vàng có thể chạm mốc 4.000 USD/ounce trong năm nay.
Ông cho rằng trong quý I, nhiều nền kinh tế có thể đối mặt với một đợt suy thoái nhẹ. Các ngân hàng trung ương do đó sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất. Còn vàng trở thành một kênh trú ẩn hấp dẫn trong thời kỳ biến động.
Nhưng công ty nghiên cứu CRU tin rằng giá vàng sẽ không tăng mạnh vào năm 2023. "Dự báo về kim loại quý của chúng tôi vừa phải hơn nhiều", ông Kirill Kirilenko, nhà phân tích cấp cao tại CRU, bình luận.
"Việc Fed nhẹ tay hơn sẽ dẫn tới sự suy yếu của đồng USD. Điều đó có thể tiếp nhiệt lượng cho đà tăng của giá vàng", ông Kirilenko dự báo.
Nhưng ông nhấn mạnh rằng tất cả sẽ phụ thuộc vào những động thái tiếp theo của Fed. "Bất cứ dấu hiệu nào cho thấy Fed sẽ tiếp tục giữ quan điểm 'diều hâu' cũng có thể đè nặng lên giá kim loại quý", vị chuyên gia cảnh báo.
Mời độc giả đón đọc gợi ý về các cuốn sách kinh tế thế giới tại Tủ sách kinh tế thế giới. Các cuốn sách cung cấp các thông tin hấp dẫn về các doanh nhân, triết lý kinh doanh, quy luật kinh tế, khủng hoảng tài chính, tiêu dùng cá nhân...