Ngành công nghiệp công nghệ của Trung Quốc đã thay đổi hoàn toàn sau bài phát biểu của tỷ phú Jack Ma cách đây hơn 2 năm. Ảnh: Reuters. |
Theo Bloomberg, giá cổ phiếu của Alibaba và Tencent đều lao dốc trong phiên giao dịch ngày 13/1. Nguyên nhân là một báo cáo cho thấy các cơ quan quản lý của Trung Quốc sẽ nắm giữ "cổ phiếu vàng" trong những đơn vị kinh doanh của 2 công ty Internet lớn nhất đất nước.
Động thái này cho thấy Bắc Kinh đang tiến tới tăng cường kiểm soát trong lĩnh vực này.
Tăng cường sức ảnh hưởng
Theo công ty dữ liệu Qichacha, một bộ phận của Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) đã nắm 1% cổ phần tại công ty truyền thông số của Alibaba tại Quảng Châu.
Doanh nghiệp này quản lý các nền tảng như Youku và trình duyệt di động UC Web. Một giám đốc mới đã được bổ nhiệm cùng ngày. Đáng nói, người này trùng tên với một quan chức của CAC.
Đối với cả Tencent và Alibaba, việc Chính phủ nắm giữ cổ phần sẽ bật đèn xanh cho các hoạt động kinh doanh trong những mảng mới, và giảm nguy cơ bị kiểm soát chặt chẽ hơn
Ông Banny Lam - Trưởng bộ phận nghiên cứu của Ceb International Inv Corp
Các quỹ mua cổ phần tại Alibaba được rót vốn bởi CAC và những doanh nghiệp quốc doanh tên tuổi như CITIC, China Post và China Mobile. Theo nguồn tin của Financial Times, các bên liên quan đang thảo luận về việc một tổ chức chính phủ sẽ nắm giữ cổ phần trong Tencent.
Các cuộc thảo luận diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh sắp nới lỏng kiểm soát đối với ngành công nghiệp Internet tại đất nước 1,4 tỷ dân. Chính phủ Trung Quốc đã chấn chỉnh lĩnh vực này trong vòng hơn một năm. Cuộc trấn áp tác động tới gần như mọi ngõ ngách của ngành.
"Tôi cho rằng đây là một thông tin khá tích cực", Bloomberg dẫn lời ông Banny Lam - Trưởng bộ phận nghiên cứu của Ceb International Inv Corp - nhận định.
"Cả 2 tập đoàn đều đã chật vật vì cuộc trấn áp trong những năm qua. Đối với cả Tencent và Alibaba, việc Chính phủ nắm giữ cổ phần sẽ bật đèn xanh cho các hoạt động kinh doanh trong những mảng mới, và giảm nguy cơ bị kiểm soát chặt chẽ hơn", ông lập luận.
Trên sàn Hong Kong, cổ phiếu của Tencent đã mất hơn 2% giá trị, còn giá cổ phiếu của Alibaba lao dốc 1,6%. Trong khi đó, thị trường nói chung gần như không biến động.
"Cổ phần vàng"
Vài năm qua, các cơ quan nhà nước Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD vào các startup tư nhân nổi tiếng, từ hãng gọi xe Didi Global đến gã khổng lồ fintech (công nghệ tài chính) Ant Group của Jack Ma.
Mức nắm giữ thường là 1%, vốn được coi là "cổ phần vàng". Bởi theo lý thuyết, nó cho phép Bắc Kinh chỉ định các giám đốc, gây ảnh hưởng hoặc phủ quyết những quyết định quan trọng trong công ty.
Mới đây, CNBC đưa tin Jack Ma - doanh nhân nổi tiếng nhất Trung Quốc, tỷ phú sáng lập Ant Group - sẽ từ bỏ quyền kiểm soát tại gã khổng lồ fintech.
Quyết định đó được đưa ra sau 25 tháng ẩn dật của vị doanh nhân từng có sức ảnh hưởng nhất nhì Trung Quốc. Ông Ma từng sở hữu hơn 50% quyền biểu quyết tại Ant Group. Nhưng theo tính toán của Reuters, tỷ lệ này giảm còn 6,2% sau thay đổi.
Việc ông Ma từ bỏ quyền lực tại Ant Group diễn ra sau khi tập đoàn fintech này sắp hoàn thành quá trình tái cấu trúc kéo dài 2 năm. Tháng 11, Reuters đưa tin Bắc Kinh sẵn sàng phạt công ty hơn 1 tỷ USD.
Alibaba và Ant Group rơi vào tầm ngắm của Bắc Kinh sau bài phát biểu của ông Ma vào cuối tháng 10/2020. Trong bài phát biểu dài 21 phút, ông chỉ trích các cơ quan quản lý "chỉ tập trung vào rủi ro mà bỏ qua sự phát triển". Tỷ phú Ma cáo buộc các ngân hàng lớn nuôi dưỡng "tâm lý tiệm cầm đồ" và làm tổn thương nhiều doanh nhân.
Ngày 3/11/2020, Sàn giao dịch Thượng Hải đình chỉ đợt IPO của Ant Group với lý do "những thay đổi về quy định". Đến tháng 4/2021, Cục Quản lý thị trường Trung Quốc (SAMR) thông báo phạt Alibaba 18 tỷ nhân dân tệ, tương đương 2,75 tỷ USD vì vi phạm các quy định về chống độc quyền. Đây là mức phạt kỷ lục đối với một công ty Trung Quốc.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế.