Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Việt Nam sẽ ra sao khi kinh tế thế giới ốm yếu đi

Với độ mở lớn, kinh tế Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi những thách thức bên ngoài. Nhưng chuyên gia quốc tế cho rằng cơ hội kinh tế của Việt Nam vẫn vượt xa các đối thủ cạnh tranh.

Bước sang năm 2023, tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới bị điều chỉnh giảm hàng loạt. Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo toàn cầu có thể rơi vào suy thoái lần thứ 2 trong một thập kỷ. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), dù tăng trưởng hơn 8% trong năm 2022, kinh tế Việt Nam cũng khó miễn nhiễm với những "cơn gió ngược" từ bên ngoài.

Năm 2023, Quốc hội đặt mục tiêu GDP tăng khoảng 6,5%, giảm so với năm 2022 và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4,5%, tăng so với năm 2022.

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu mới nhất, WB nhận định tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại đáng kể do lạm phát tăng cao, lãi suất tăng, đầu tư giảm và gián đoạn do xung đột Nga - Ukraine. Nền kinh tế toàn cầu được dự báo tăng trưởng 1,7% vào năm 2023 và 2,7% trong năm 2024.

Mây đen phủ bóng kinh tế thế giới

"Tăng trưởng toàn cầu chậm lại tới mức nền kinh tế gần như rơi vào suy thoái", WB cảnh báo. Tổ chức này cho biết nguyên nhân nằm ở các chính sách thắt chặt tiền tệ trên thế giới "nhanh chóng và đồng bộ hơn dự kiến".

Do điều kiện kinh tế mong manh, bất kỳ diễn biến bất lợi mới nào - chẳng hạn lạm phát cao hơn dự kiến, lãi suất tăng đột ngột để kiềm chế lạm phát, sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19 hoặc căng thẳng địa chính trị leo thang - có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái.

Đây sẽ là lần đầu tiên sau hơn 80 năm xảy ra 2 cuộc suy thoái toàn cầu trong cùng một thập kỷ.

"Việc thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới có thể là cần thiết để kìm hãm lạm phát, nhưng chúng góp phần khiến những điều kiện tài chính toàn cầu xấu đi. Điều này đang gây ra lực cản lớn với các hoạt động kinh tế", WB cảnh báo.

Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Nguồn dữ liệu: IMF, Fitch Ratings, OECD, WB và EU
NhãnIMFEUOECDWBFitch Ratings

% 2.72.52.21.71.4

"Mỹ, khu vực đồng euro và Trung Quốc đều đang trải qua thời kỳ suy yếu rõ rệt. Các tác động lan tỏa đang khiến những thách thức đối với các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi ngày càng trầm trọng", WB nói thêm.

WB dự báo sau khi phục hồi mạnh mẽ vào năm 2022, tốc độ tăng trưởng ở Việt Nam sẽ giảm còn 6,3% do tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang những thị trường lớn chậm lại.

Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2022, Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 109,1 tỷ USD. WB dự báo Mỹ chỉ tăng trưởng 0,5% trong năm 2023.

IMF, ADB và FR lần lượt dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong năm sau là 1%, 0,4% và 0,2%.

Việt Nam khó miễn nhiễm

"Tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo giảm tốc, hoạt động của các đối tác thương mại chính của Việt Nam như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đều có khả năng suy yếu trong năm nay", bà Antoinette Sayeh - Phó tổng giám đốc điều hành IMF - bình luận với Zing.

"Dĩ nhiên, điều đó sẽ giáng đòn lên xuất khẩu và hoạt động sản xuất của các nhà máy tại Việt Nam", bà nói thêm.

Fitch Ratings (FR) cũng điều chỉnh giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 từ mức 1,7% xuống 1,4%. Còn trong Báo cáo Triển vọng kinh tế tháng 11/2022, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nhận định nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng lớn và sẽ tăng trưởng chậm lại ở mức 2,2% năm nay.

IMF cũng vừa hạ 0,2 điểm phần trăm đối với dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống 2,7%.

"Chúng tôi tin rằng các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ thắt chặt hơn nữa, và điều đó đè nặng lên tăng trưởng kinh tế. Các chính sách thắt chặt có thể được đẩy nhanh và duy trì lâu hơn những gì chúng tôi dự báo trước đó", bà Sayeh giải thích với Zing.

Mức giảm dự báo trong tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam so với năm 2022
Ảnh: WB, IMF, ADB
NhãnWBADBIMF

điểm % 1.721.722.22

Theo WB, cả hai động lực tăng trưởng của Việt Nam là xuất khẩu và nhu cầu trong nước đều đang chững lại.

Bên cạnh đó, điều kiện huy động tài chính bị thắt chặt hơn và lạm phát gia tăng có thể ảnh hưởng đến nhu cầu trong nước trong thời gian tới. Còn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ mở rộng 6,3% vào năm 2023.

"Việt Nam đang bước vào một năm 2023 đầy thử thách. Chúng tôi cho rằng tăng trưởng GDP của đất nước sẽ giảm còn 5,8% trong năm nay. Còn lạm phát vào khoảng 4,5-5%", phó tổng giám đốc IMF nhận định.

Theo Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI) do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố, niềm tin của doanh nghiệp châu Âu vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã rơi xuống 48 điểm trong quý IV/2022.

Đây là mức giảm 14,2 điểm so với 3 tháng trước và 25 điểm so với quý đầu tiên của năm.

Kết quả BCI cũng cho thấy sự lạc quan đã giảm sút. Chỉ 27% doanh nghiệp được hỏi dự đoán sự ổn định hoặc cải thiện kinh tế trong quý I/2023, giảm từ 42% của quý trước đó.

Viet Nam anh 1

Bà Antoinette Sayeh - Phó tổng giám đốc điều hành IMF. Ảnh: Thành Đông.

Theo Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Trong nước, sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng; sản xuất kinh doanh tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam bị thu hẹp.

"Quy mô nền kinh tế nước ta còn khiêm tốn nhưng độ mở lại lớn, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài hạn chế", dự thảo nêu.

Những yếu tố đột xuất, bất ngờ vẫn tiềm ẩn rủi ro, khó dự báo. Dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, bão lũ tiếp tục diễn biến bất thường, ảnh hưởng nặng nề hơn…

Dự thảo xác định 11 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu, bao gồm tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Cơ hội kinh tế vẫn lớn

Dù triển vọng của kinh tế thế giới và trong nước ảm đạm hơn, Việt Nam vẫn là điểm sáng đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài. 41% doanh nghiệp châu Âu được hỏi cho biết công ty của họ đang chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam, tăng từ 13% trong quý III/2022.

Ngoài ra, khoảng 35% số người được hỏi cho rằng Việt Nam thuộc top 5 điểm đến đầu tư toàn cầu hàng đầu, với 12% cho rằng Việt Nam là điểm đầu tư quốc tế hàng đầu của công ty họ.

“Mọi thứ chắc chắn kém tích cực hơn trong quý IV/2022 so với đầu năm. Tình hình rất có thể sẽ tiếp tục theo hướng này vào năm 2023, nhưng điều này không nên được coi là nguyên nhân gây lo ngại", Chủ tịch EuroCham Alain Cany bình luận

"Trên thực tế, cơ hội kinh tế của Việt Nam tiếp tục vượt xa các đối thủ cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Điều này thể hiện rõ qua việc rất nhiều thành viên của EuroCham coi Việt Nam là trung tâm trong chiến lược đầu tư toàn cầu của họ", ông nhấn mạnh.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Giá dầu thế giới tăng mạnh

Giá dầu thế giới vọt lên gần 84 USD/thùng trước báo cáo lạm phát quan trọng của Mỹ. Đà tăng được dự báo còn kéo dài.

Phó tổng IMF: 'Việt Nam đã làm tốt, nhưng thách thức vẫn ở phía trước'

Nói với Zing trong chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam, phó tổng giám đốc IMF cho rằng Việt Nam bước vào năm 2023 đầy thử thách, tăng trưởng GDP sẽ đi xuống, còn lạm phát đi lên.

Thu nhập tháng của người lao động tăng gần 1 triệu đồng

Năm 2022, thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng 927.000 đồng so với năm trước và 759.000 đồng so với cùng kỳ năm 2019.

Thảo Cao

Bạn có thể quan tâm