Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Phó tổng IMF: 'Việt Nam đã làm tốt, nhưng thách thức vẫn ở phía trước'

Nói với Zing trong chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam, phó tổng giám đốc IMF cho rằng Việt Nam bước vào năm 2023 đầy thử thách, tăng trưởng GDP sẽ đi xuống, còn lạm phát đi lên.

Zing có cuộc phỏng vấn với bà Antoinette Sayeh - Phó tổng giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - trong chuyến thăm đầu tiên của bà tới Việt Nam. Vị phó tổng giám đốc IMF chia sẻ "rất phấn khích khi được gặp mặt Chính phủ, bạn bè, các sinh viên tại Việt Nam và đã học hỏi được rất nhiều trong những ngày qua".

Bà khẳng định Việt Nam đã làm rất tốt trong cả tăng trưởng kinh tế lẫn ổn định lạm phát vào năm 2022.

Nhưng bước sang năm 2023, nền kinh tế sẽ đối mặt với nhiều thách thức từ cả bên ngoài lẫn nội tại, trong đó, tiêu dùng và đầu tư trong nước không thể bù đắp sự sụt giảm của xuất khẩu. Các động lực tăng trưởng kinh tế cũng có khả năng chịu sức ép từ lạm phát và những biện pháp kiểm soát lạm phát.

Năm 2023 nhiều thách thức

- Bà đánh giá thế nào về triển vọng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023. Theo bà, yếu tố nào sẽ là động lực chính của đà tăng trưởng kinh tế?

- Dĩ nhiên, tôi sẽ mở đầu với việc Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất trong khu vực vào năm 2022. Tốc độ tăng trưởng lên tới 8%, và lạm phát thấp hơn đáng kể mục tiêu 4% của đất nước.

Chúng tôi tin rằng một phần trong số những tin tốt đó sẽ kéo dài sang năm nay. Nhưng dĩ nhiên, Việt Nam vẫn phải đối mặt với các "cơn gió ngược" từ cả bên ngoài lẫn nội tại.

Xét từ khía cạnh bên ngoài, tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo giảm tốc, hoạt động của các đối tác thương mại chính của Việt Nam như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đều có khả năng suy yếu trong năm nay.

Dĩ nhiên, điều đó sẽ giáng đòn lên xuất khẩu và hoạt động sản xuất của các nhà máy tại Việt Nam.

kinh te Viet Nam anh 1

Bà Antoinette Sayeh - Phó tổng giám đốc điều hành IMF trong cuộc phỏng vấn với Zing tại Hà Nội.

Thêm vào đó, chúng tôi tin rằng những điều kiện tài chính trên toàn cầu sẽ tiếp tục được thắt chặt. Bởi các ngân hàng trung ương trên thế giới đang nỗ lực kìm hãm lạm phát.

Các thị trường tài chính bị thắt chặt sẽ tác động tiêu cực lên hoạt động sản xuất nói chung và xuất khẩu tại Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, thách thức sẽ nằm ở các khu vực dễ tổn thương trong hệ thống tài chính. Bởi khi nền kinh tế lao dốc, hoạt động sản xuất chậm lại và lạm phát leo thang, lĩnh vực tài chính có thể hứng chịu những tác động bất lợi.

Chúng tôi tin rằng tiêu dùng và đầu tư sẽ không đủ để bù đắp hoàn toàn cho sự sụt giảm trong cầu quốc tế, vốn đè nặng lên xuất khẩu của Việt Nam.

Như vậy, Việt Nam đang bước vào một năm 2023 đầy thử thách. Chúng tôi cho rằng tăng trưởng GDP của đất nước sẽ giảm còn 5,8% trong năm nay. Còn lạm phát vào khoảng 4,5-5%

Bà Antoinette Sayeh - Phó tổng giám đốc điều hành IMF

Hơn nữa, khi lạm phát đi lên, Ngân hàng Nhà nước có thể buộc phải phản ứng bằng cách tiếp tục thắt chặt lãi suất. Đó sẽ là tin xấu đối với tiêu dùng và đầu tư.

Như vậy, Việt Nam đang bước vào một năm 2023 đầy thử thách. Chúng tôi cho rằng tăng trưởng GDP của đất nước sẽ giảm còn 5,8% trong năm nay. Còn lạm phát vào khoảng 4,5-5%.

- Tác động của các chính sách thắt chặt tiền tệ trên toàn cầu sẽ được thể hiện rõ ràng trong năm nay. Bà dự đoán thế nào về triển vọng của nền kinh tế toàn cầu?

- Chúng tôi dự đoán tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế thế giới sẽ giảm xuống còn 2,7% trong năm nay.

Chúng tôi tin rằng các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ thắt chặt hơn nữa, và điều đó đè nặng lên tăng trưởng kinh tế. Các chính sách thắt chặt có thể được đẩy nhanh và duy trì lâu hơn những gì chúng tôi dự báo trước đó.

- Như vậy, đà tăng của USD - do các chính sách thắt chặt - sẽ tác động thế nào tới Việt Nam, thưa bà?

- Tất nhiên, chúng ta đã chứng kiến một số tác động đối với Việt Nam vào năm ngoái do đồng USD mạnh lên. Các chính sách tiền tệ có thể được thắt chặt hơn nữa, nhưng Việt Nam cũng ứng phó với biến động tỷ giá một cách linh hoạt.

Chúng tôi tin rằng các cơ quan quản lý của Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo hướng này nếu sức ép lạm phát gia tăng vào năm nay. Và điều đó có thể giảm bớt tác động từ đà tăng của đồng bạc xanh.

Cú hích của nền kinh tế

- Bà đánh giá thế nào về tác động của quá trình chuyển đổi số trong việc thúc đẩy năng suất và sản lượng kinh tế tại Việt Nam?

- Chúng tôi tin rằng số hóa có tác động lớn tới đà tăng trưởng trong tương lai của Việt Nam. Việc thúc đẩy chuyển đổi số sẽ tăng cường hiệu quả của cả khu vực công lẫn tư nhân, hỗ trợ tài chính bao trùm (financial inclusion), thúc đẩy thương mại điện tử, nhất là trong thời kỳ đại dịch.

Như các bạn đã biết, số hóa cũng hỗ trợ sinh viên, người lao động và những doanh nghiệp sản xuất.

Chúng ta đã nhìn thấy tiềm năng to lớn của số hóa trong thời kỳ đại dịch và chắc chắn nó còn làm được nhiều hơn nữa. Trong cuộc thảo luận tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân sáng 10/1, chúng tôi đã bàn về báo cáo được IMF thực hiện ở Việt Nam và những quốc gia khác trong khu vực.

Quá trình số hóa, hay đổi mới, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhưng vẫn có một vấn đề ở Việt Nam và các nước khu vực khác.

kinh te Viet Nam anh 2

Bà Antoinette Sayeh tin rằng số hóa có tác động lớn tới tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam.

Đó là thành công trong số hóa chưa chắc đã chuyển thành sự gia tăng về năng suất, từ đó giúp các nền kinh tế đạt được tốc độ tăng trưởng tiềm năng.

Nguyên nhân nằm ở việc sự phổ biến của công nghệ chỉ nằm gọn trong một nhóm nhỏ doanh nghiệp, thay vì toàn bộ nền kinh tế, nhất là đối với những công ty vừa và nhỏ. Do đó, họ không thể hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi số.

Để giải quyết vấn đề đó, các nhà chức trách cần hỗ trợ về cơ sở hạ tầng kỹ thuật số hơn nữa, đồng thời nâng cao kỹ năng của người lao động nhằm đảm bảo rằng họ có thể thích nghi với những lĩnh vực, công nghệ mới.

Hơn nữa, để đẩy mạnh số hóa, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần được tiếp cận với nhiều nguồn vốn hơn, giảm bớt những thủ tục và quy định trong các hoạt động, đồng thời tăng cường chuyển giao công nghệ giữa những doanh nghiệp FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) và công ty trong nước.

Điều đó đòi hỏi đất nước giảm bớt các rào cản thương mại và pháp lý nhằm thúc đẩy sự gắn kết giữa các doanh nghiệp nội địa và khu vực FDI.

Chúng ta đã nhìn thấy tiềm năng to lớn của số hóa trong thời kỳ đại dịch và chắc chắn nó còn làm được nhiều hơn nữa

Bà Antoinette Sayeh - Phó tổng giám đốc điều hành IMF

- Theo bà, Việt Nam nên làm gì để thúc đẩy số hóa trong bối cảnh lãi suất tăng cao và làn sóng sa thải trong lĩnh vực công nghệ ở khu vực và trên thế giới?

- Tôi tin rằng quá trình chuyển đổi số cần được nhìn vào dài hạn. Nếu coi kỹ thuật số như khí hậu, đó không phải là những thứ chỉ ảnh hưởng đến chúng ta trong nay mai, một hay 2 năm sau, mà sẽ tác động lâu dài.

Số hóa ảnh hưởng tới cách chúng ta học tập, làm việc, mua sắm hay sản xuất. Đó là sự chuyển đổi của mọi hoạt động cơ bản trong cuộc sống chúng ta.

Do đó, quá trình chuyển đổi số không chậm lại chỉ vì người lao động ở một công ty hay một lĩnh vực mất việc làm. Chúng ta có thể hỗ trợ có mục tiêu cho những lao động chưa có kỹ năng hay đứng trước nguy cơ thất nghiệp cao.

Hơn nữa, Chính phủ có thể đưa ra các giải pháp để quá trình số hóa không tác động tiêu cực tới người lao động. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp cắt giảm việc làm không đồng nghĩa rằng toàn bộ quá trình chuyển đổi số sẽ dừng lại, nhất là khi một nền kinh tế như Việt Nam có thể chịu tổn thất lớn nếu không tận dụng cơ hội từ số hóa.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về doanh nhân, câu chuyện kinh doanh, khởi nghiệp, vượt qua khó khăn, kinh nghiệm quản trị... tại Tủ sách doanh nhân. Những cuốn sách được chia sẻ bởi các doanh nhân nổi tiếng thế giới như Bill Gate, Warren Buffett, Elon Musk...

IMF chỉ ra cú hích với kinh tế châu Á hậu đại dịch

IMF nhận định châu Á là đầu tàu trong "lãnh địa số". Đây được coi là con đường đầy hứa hẹn để thúc đẩy năng suất tại châu Á sau đại dịch.

Đại diện IMF: Việt Nam cần tính đến rủi ro khi kinh tế tăng trưởng cao

IMF đã nâng đáng kể dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay. Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng đà phục hồi kinh tế vẫn bị ảnh hưởng bởi môi trường kinh tế bấp bênh toàn cầu.

Thảo Cao

Ảnh: Thành Đông

Bạn có thể quan tâm