Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

IMF chỉ ra cú hích với kinh tế châu Á hậu đại dịch

IMF nhận định châu Á là đầu tàu trong "lãnh địa số". Đây được coi là con đường đầy hứa hẹn để thúc đẩy năng suất tại châu Á sau đại dịch.

Năm 2020, doanh thu thương mại điện tử ở Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ tăng 40-50% - tốc độ vượt trội so với phần lớn quốc gia khác trên thế giới. Ảnh: Việt Đức.

Đó là những nhận định được nêu trong báo cáo mới được công bố của bà Antoinette Sayeh - Phó tổng giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Era Dabla-Norris - Trưởng phái đoàn IMF tại Việt Nam và ông Tidiane Kinda chuyên gia kinh tế cao cấp tại Vụ châu Á - Thái Bình Dương IMF.

Theo các chuyên gia IMF, sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của châu Á sau đại dịch đang dần mất đà do những yếu tố như điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt, cầu xuất khẩu giảm, sự giảm tốc sâu và bất thường ở Trung Quốc khiến triển vọng kinh tế trở nên u ám.

"Nhìn chung, những vết sẹo sâu về kinh tế do đại dịch gây ra cũng như sự tăng trưởng năng suất mờ nhạt trong giai đoạn trước đại dịch đang đè nặng lên triển vọng tăng trưởng dài hạn của khu vực này", nhóm chuyên gia nhận xét.

Nhưng bất chấp những thách thức, các chuyên gia tại IMF vẫn nhận thấy "con đường đầy hứa hẹn để thúc đẩy năng suất tại châu Á". "Con đường này chạy qua lãnh địa mà châu lục vốn đã giữ vị trí tiên phong. Đó là số hóa", nhóm chuyên gia viết.

Vai trò đầu tàu

Lãnh địa số của châu Á đã nhanh chóng mở rộng trong những năm trở lại đây, bao trùm hàng loạt công nghệ mới đa dạng, từ tự động hóa trong sản xuất chế tạo đến các nền tảng thương mại điện tử, thanh toán số.

Từ con số 40% cách đây 2 thập kỷ, châu lục này đã vươn lên nắm giữ 60% bằng sáng chế về công nghệ số và máy tính trong giai đoạn trước đại dịch.

Theo các chuyên gia IMF, với vai trò đầu tàu sản xuất chế tạo, châu Á giữ vị thế tiên phong toàn cầu trong lắp đặt robot công nghiệp.

Trung Quốc là quốc gia sử dụng robot nhiều nhất, chiếm khoảng 30% toàn thị trường.

thuong mai dien tu anh 3

Cuộc cách mạng robot trên toàn cầu. Ảnh: Báo cáo của IMF.

thuong mai dien tu anh 4

Xu hướng số hóa trên toàn cầu trong năm 2020. Ảnh: Báo cáo của IMF.

Các tập đoàn Rakuten (Nhật Bản), Alibaba (Trung Quốc) và GoTo (Indonesia) là những ông lớn trong thương mại điện tử. Doanh thu của các công ty này sánh ngang với Amazon và Walmart của Mỹ.

Sự tiên phong của Ấn Độ trong giải pháp hạ tầng số stacks (xếp lớp) đã biến quốc gia này thành hình mẫu về cách thức kết hợp công nghệ thanh toán số và định danh để mở rộng tiếp cận tài chính.

Tầng lớp dân số trẻ đang gia tăng ở Bangladesh, Indonesia và Việt Nam đã nhanh chóng tiếp thu các công nghệ mới và trở thành tập khách hàng tiềm năng đáng kể cho kinh tế số.

Theo tính toán của cán bộ IMF, năm 2020, doanh thu thương mại điện tử ở Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ tăng 40-50% - tốc độ lớn hơn phần lớn quốc gia khác trên thế giới.

Khoảng cách số

Các chuyên gia IMF cũng chỉ ra khoảng cách số kìm hãm sự gia tăng năng suất.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đối mặt với nhiều rào cản đáng kể trong tiếp cận, sử dụng công nghệ số. Theo nghiên cứu mới của IMF, gần 1/2 doanh nghiệp vừa và nhỏ và khoảng 1/3 doanh nghiệp lớn ở những nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi của châu Á cho biết khó khăn về nguồn vốn là rào cản chính trong áp dụng công nghệ.

Con đường này chạy qua lãnh địa mà châu Á vốn đã giữ vị trí tiên phong. Đó là số hóa

Các cán bộ IMF

Tốc độ lan tỏa công nghệ chậm chạp giữa những doanh nghiệp tiên phong với những doanh nghiệp đi sau cũng làm sâu thêm khoảng cách công nghệ.

Các hạn chế bao gồm khan hiếm lao động tinh thông công nghệ số, khả năng tiếp cận hạ tầng số không bình đẳng, các bất cập trong môi trường pháp lý (bao gồm cả việc thiếu vắng những quy định pháp luật về bảo mật dữ liệu và bảo hộ sở hữu trí tuệ).

Tại Việt Nam, dù chi phí truy cập Internet chỉ ở vừa phải, tốc độ kết nối Internet lại thường chậm.

Việc tiếp tục nâng cao trình độ hiểu biết về công nghệ số, rút ngắn khoảng cách số giữa các doanh nghiệp, ngành nghề và những người lao động sẽ giúp thu hẹp khoảng cách về năng suất.

Các chuyên gia IMF chỉ ra những ưu tiên cải cách bao gồm tăng cường hạ tầng số quốc gia; nâng cao trình độ hiểu biết công nghệ số, nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động trẻ; khắc phục các hạn chế về nguồn vốn mà doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải đối mặt khi áp dụng công nghệ mới.

Cùng với đó là tạo thuận lợi cho việc áp dụng các công nghệ mới thông qua đơn giản hóa quy định quản lý nhà nước, cải thiện môi trường pháp lý (trong đó có những quy định về bảo mật dữ liệu và bảo hộ sở hữu trí tuệ) và tạo thuận lợi cho thương mại số.

Lễ công bố báo cáo của IMF được IMF phối hợp cùng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức, với sự tham gia của ông Trần Duy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Antoinette M. Sayeh, bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và ông Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch FPT Telecom.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về doanh nhân, câu chuyện kinh doanh, khởi nghiệp, vượt qua khó khăn, kinh nghiệm quản trị... tại Tủ sách doanh nhân. Những cuốn sách được chia sẻ bởi các doanh nhân nổi tiếng thế giới như Bill Gate, Warren Buffett, Elon Musk...

Đại diện IMF: Việt Nam cần tính đến rủi ro khi kinh tế tăng trưởng cao

IMF đã nâng đáng kể dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay. Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng đà phục hồi kinh tế vẫn bị ảnh hưởng bởi môi trường kinh tế bấp bênh toàn cầu.

Thảo Cao

Bạn có thể quan tâm