Phó thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết các giao dịch có xác thực dữ liệu sinh trắc học chỉ tốn thêm 3 giây. Ảnh: SBV. |
Sáng 4/7, tại Hội thảo Giải pháp bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức, Phó thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết tính đến 17h ngày 3/7, toàn hệ thống ngân hàng đã ghi nhận 16,6 triệu khách hàng đối chiếu thông tin sinh trắc học. Trong đó, 90% người làm xác thực online và 10% khách hàng thực hiện tại quầy ngân hàng.
Ông Dũng cũng cho biết tính riêng ngày 3/7, hệ thống ngân hàng đã ghi nhận 23 triệu giao dịch trên 10 triệu đồng và không phát sinh vướng mắc nào. "Mỗi giao dịch chỉ tốn thêm 3 giây để thực hiện, nhưng đảm bảo xác thực đúng khách hàng thực hiện giao dịch", ông nói.
Chia sẻ về một số vướng mắc khách hàng gặp phải trong việc thực hiện xác thực dữ liệu sinh trắc học những ngày qua, ông Dũng cho rằng vướng mắc phổ biến nhất là việc quét NFC (kết nối không dây). Về vấn đề này, các ngân hàng đã hỗ trợ tích cực.
"Điện thoại không hỗ trợ kết nối NFC thì khách hàng có thể ra ngân hàng. Trong 2 ngày qua, 4 ngân hàng quốc doanh Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank đã hỗ trợ khách hàng 24/24 tại tất cả chi nhánh. Đến hôm qua, số lượng khách hàng ra quầy ngân hàng nhờ hỗ trợ đã giảm nhiều", ông Dũng nói.
Tuy vậy, Phó thống đốc NHNN cũng cho biết trong ngày đầu áp dụng công nghệ xác thực dữ liệu sinh trắc học có hiện tượng một số giao dịch không thực hiện được, nhưng hiện tượng này chỉ xảy ra cục bộ ở một vài ngân hàng, đến ngày 2/7 đã được khắc phục.
Một vướng mắc khác liên quan việc xác thực dữ liệu là khách hàng không có căn cước công dân (CCCD) gắn chip, chỉ có chứng minh nhân dân (CMND) hoặc CCCD không gắn chip. Theo lãnh đạo NHNN, nhóm khách hàng này chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ và đến nay hầu hết đã được hỗ trợ tại quầy. Trong thời gian tới, ngân hàng sẽ mời tất cả khách hàng còn lại ra quầy để hỗ trợ xác thực thông tin sinh trắc học.
Về phản ánh có tình trạng dùng ảnh tĩnh quét vào xác thực khuôn mặt để thực hiện giao dịch, lãnh đạo NHNN cho biết do trong ngày đầu áp dụng một số ngân hàng phát sinh lượng giao dịch quá lớn nên đã tắt tính năng này để giao dịch diễn ra thông suốt.
"Quan điểm của tôi trong những ngày đầu cũng là ưu tiên giao dịch thông suốt. Khi các ngân hàng áp dụng giải pháp mới để tăng bảo mật, không có nghĩa là loại bỏ các tính năng bảo mật trước đó", ông Dũng nói và cho biết trong thời gian tới sẽ yêu cầu các ngân hàng làm chặt chẽ công nghệ EKYC về chống giả mạo, ảnh tĩnh, deepfake... để đảm bảo giao dịch an toàn.
Phó thống đốc Phạm Tiến Dũng cũng nhấn mạnh việc áp dụng các công nghệ mới này là để hạn chế giao dịch lừa đảo, giảm thiểu sử dụng tài khoản ngân hàng chứa tiền lừa đảo. "Ngân hàng nào chứa tiền lừa đảo mà không truy vết được thì đó là ngân hàng có công nghệ kém, khách hàng sẽ rời bỏ", ông nói.
"Một số vướng mắc có thể là hệ thống cập nhật, giao dịch chưa mượt nhưng cơ bản sẽ được xử lý trong thời gian tới", ông Dũng khẳng định.
Lý giải vì sao ngành ngân hàng không triển khai công nghệ này trong 2-3 năm trước mà lại thực hiện từ 1/7 năm nay, ông Dũng cho biết 3 năm trước ngành ngân hàng "có muốn cũng không làm được" do không có cơ sở dữ liệu.
Đến nay, nhờ sự hỗ trợ của Bộ Công an về dữ liệu dân cư, ngành ngân hàng mới có thể triển khai giải pháp này.
"Chiều 1/7, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên ký với Bộ Công an về việc xác thực thông tin khách hàng từ VNeID mà không cần kết nối NFC hay ra quầy giao dịch. Trong ngày đầu triển khai đã có 100.000 khách hàng Vietcombank xác thực thông tin từ VNeID", ông Dũng nói.
Lãnh đạo NHNN cũng nhấn mạnh mục đích cao nhất của việc áp dụng xác thực dữ liệu sinh trắc học trong giao dịch ngân hàng vẫn là phòng chống lừa đảo trên không gian mạng, đảm bảo an toàn cho người dân, doanh nghiệp.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.