Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Fed sẽ ra sao khi ông Trump trở lại cùng Elon Musk?

Cuộc chiến giữa ông chủ Nhà Trắng và lãnh đạo Fed đang được chú ý hơn với sự tham gia của Elon Musk. Ông Powell có thể chiến thắng về pháp lý, nhưng khó đảm bảo tính độc lập của Fed.

Theo New York Times, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đe dọa sự độc lập của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) với Nhà Trắng, thậm chí muốn sa thải Chủ tịch Fed Jerome Powell. Điều này khiến một số chuyên gia Phố Wall lo ngại.

Những ngày qua, lời đe dọa của ông chủ Nhà Trắng đã có thêm sức nặng. Elon Musk, tỷ phú giàu nhất thế giới và là một người ủng hộ lớn của ông Trump, đăng lại bài viết của Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mike Lee với biểu tượng "100%", ủng hộ ý tưởng xóa sổ Fed.

Tương lai của Fed vẫn là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu sau khi ông Trump đắc cử.

Fed là ai?

Fed đã giám sát hệ thống tài chính của Mỹ trong hơn một thế kỷ.

Trước khi Fed được thành lập, sự sụp đổ của một ngân hàng địa phương cũng có thể dẫn đến tình trạng hoảng loạn trên toàn quốc. Những vụ rút tiền hàng loạt khỏi ngân hàng (bank run) diễn ra thường xuyên và để lại hậu quả lâu dài. Dĩ nhiên, các chủ ngân hàng Mỹ đã nhận thấy vấn đề này.

Trong cuộc khủng hoảng hệ thống ngân hàng năm 1907, các chủ nhà băng ở Mỹ đã tìm đến người duy nhất có thể cứu họ. Đó là JP Morgan. Thời điểm đó, ông là ông vua của Phố Wall. Và ngày nay, ngân hàng do ông thành lập cũng là nhà băng lớn nhất nước Mỹ (JP Morgan Chase).

Tháng 10/1907, Morgan triệu tập các chủ ngân hàng lớn nhất thời điểm bấy giờ đến văn phòng của ông ở số 23 Phố Wall. Với nguồn vốn từ những nhà băng này, ông đã giải cứu các ngân hàng khỏe mạnh nhưng vẫn đứng trước rủi ro sụp đổ.

Nếu tổng thống thành công (trong việc ảnh hưởng lên Fed), điều này đồng nghĩa với việc trong tương lai, mọi chủ tịch Fed đều có thể bị bãi nhiệm theo ý muốn của tổng thống

Ông Scott Alvarez, cựu cố vấn của Fed

Đến năm 1913, luật mới được thông qua, và Fed được coi là phép màu của sự thỏa hiệp, với khả năng đáp ứng mọi lợi ích khác nhau của các bên liên quan.

Nhiệm kỳ của Chủ tịch Fed là 4 năm. Mỗi năm 2 lần, vị chủ tịch này phải điều trần trước Quốc hội Mỹ về các vấn đề liên quan đến chính sách tiền tệ.

Fed không giống với bất cứ ngân hàng trung ương nào khác trên thế giới. Đây là một mạng lưới gồm 12 ngân hàng khu vực, mỗi ngân hàng do các chủ ngân hàng và doanh nhân địa phương điều hành.

Điều đặc biệt nhất ở cấu trúc của Fed là mỗi ngân hàng dự trữ khu vực được cấu trúc như một tập đoàn tư nhân, với cổ phiếu riêng.

Theo luật, mọi ngân hàng ở Mỹ đều phải giữ cổ phần của ngân hàng dự trữ khu vực. Đó là điều kiện để trở thành ngân hàng thành viên. Đổi lại, ngân hàng tư nhân đó nhận được lượng cổ phần tương đương trong ngân hàng dự trữ khu vực.

Ông Trump sẽ chấm dứt tính độc lập của Fed?

Nhưng sau hơn một thế kỷ, tính độc lập của Fed đã bị lung lay. Mới đây, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mike Lee cáo buộc ngân hàng trung ương Mỹ "thao túng kinh tế", "trực tiếp góp phần gây ra tình trạng bất ổn kinh tế đang đè nặng lên những người Mỹ ngày nay".

Trên nền tảng X, ông nhấn mạnh muốn Fed được tổng thống kiểm soát. Đó cũng là quan điểm mà Musk, tỷ phú giàu nhất thế giới, ủng hộ.

Theo cây bút Nick Timiraos của tờ Wall Street Journal, nếu Nhà Trắng muốn tăng cường kiểm soát đối với Fed, ông Powell hoàn toàn có thể khởi kiện. Ông Trump đã bổ nhiệm ông Powell hồi năm 2017 nhưng có ý định cách chức ông sau đó không lâu.

"Chủ tịch Fed vẫn giữ được ghế của mình, nhưng đã sẵn sàng phản đối nếu ông Trump có thêm động thái", nhà báo Timiraos viết.

Theo ông Timiraos, Tổng thống Trump đã rất tức giận khi Fed tăng lãi suất trái với mong muốn của ông. Còn về phía mình, việc ông Powell tham gia vào một cuộc chiến pháp lý là điều bắt buộc, nếu không muốn các chủ tịch Fed tương lai bị đe dọa cách chức vì mâu thuẫn về quyết định chính sách.

Trên thực tế, ông Powell đã nhiều lần nhấn mạnh rằng tổng thống không có quyền cách chức chủ tịch Fed. Tuần trước, ông khẳng định sẽ không từ chức nếu ông Trump yêu cầu ông làm vậy, và khẳng định việc cách chức ông là "không được phép theo luật".

Tong thong Trump anh 1

Tổng thống Trump tức giận khi Fed đưa ra những quyết định chính sách trái với mong muốn của ông. Ảnh: Reuters.

Các chuyên gia Phố Wall cũng bày tỏ lo ngại với bất cứ nỗ lực nào nhằm gây suy yếu tính độc lập của Fed, bởi điều này có thể làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư vào các thị trường chứng khoán và trái phiếu.

Theo Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng, tính độc lập là một trong những yếu tố quan trọng trong cuộc chiến lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

"Nếu tổng thống thành công (trong việc ảnh hưởng lên Fed - PV), điều này đồng nghĩa với việc trong tương lai, mọi chủ tịch Fed đều có thể bị bãi nhiệm theo ý muốn của tổng thống", New York Times dẫn lời ông Scott Alvarez, cựu cố vấn của Fed.

"Tôi tin rằng ông Powell sẽ không muốn điều này xảy ra. Đó là một bước ngoặt", ông nhấn mạnh.

"Sai lầm lớn nhất của Fed trong 40 năm qua"

Thực tế, trong những năm qua, ông Powell đã bị chỉ trích vì vào cuộc quá muộn trong trận chiến với lạm phát. Điều đó gây ra những đợt tăng lãi suất dồn dập và tạo nên sự bất ổn trong hệ thống ngân hàng.

Năm ngoái, ông Mohamed El-Erian - Cố vấn kinh tế trưởng tại Allianz - nhấn mạnh rằng Chủ tịch Fed Powell đã "mắc phải sai lầm lớn nhất trong vòng 40 năm qua".

"Họ phải cùng lúc hạ nhiệt lạm phát, giảm thiểu những căng thẳng trong ngành ngân hàng và tránh một cuộc suy thoái kinh tế. Rất khó để đạt được điểm cân bằng vì Fed đã vào cuộc quá muộn trong việc tăng lãi suất", ông lập luận, đề cập đến phản ứng chậm chạp của Fed khi bóng ma lạm phát đè nặng lên nền kinh tế Mỹ do những biện pháp kích thích kinh tế trong thời kỳ đại dịch.

Tong thong Trump anh 2

Ông Powell bị chỉ trích vì phản ứng chính sách chậm chạp khi kinh tế Mỹ phục hồi sau khủng hoảng Covid-19. Ảnh: Reuters.

"Có lẽ ông Powell đã mắc sai lầm lớn nhất trong 40 năm qua: Phản ứng không đủ nhanh với lạm phát và kết quả là đẩy hệ thống ngân hàng vào tình trạng bất ổn", vị chuyên gia lập luận.

"Ông ấy sẽ được nhớ đến vì phản ứng thiếu quyết liệt với lạm phát và không giám sát sát sao hệ thống ngân hàng", ông El-Erian nói thêm.

Năm ngoái, sự sụp đổ của các ngân hàng khu vực tại Mỹ được cho là một phần do các đợt tăng lãi suất dồn dập của Fed. Lãi suất tăng lên kéo tụt giá trị của những trái phiếu kho bạc dài hạn. Do đó, các nhà băng gặp khó trong việc huy động tiền mặt để trả cho người gửi.

Kết quả cuộc chiến sẽ ra sao?

Với sự ủng hộ của đa số đảng Cộng hòa trong Thượng viện và Tối cao Pháp viện, ông Trump có thể thử thách quyền lực của Fed vào năm 2025.

Những thách thức pháp lý vẫn tồn tại. Ông Powell có thể bỏ tiền túi để tham gia vào cuộc chiến pháp lý. Gần đây, Tòa án Tối cao Mỹ đã từ chối xét xử một vụ án đe dọa đến sự độc lập của Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng.

Ở chiều ngược lại, theo ông Benn Stell - Giám đốc Kinh tế Quốc tế tại Viện Quan hệ Đối ngoại, ngay cả khi ông Powell giành chiến thắng trong cuộc chiến với ông Trump, ông vẫn không thể đảm bảo được sự độc lập của Fed dưới nhiệm kỳ của ông Trump.

Tổng thống có nhiều cách để tác động lên các quyết định chính sách, trong đó có việc thông qua Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), vốn có thẩm quyền thực hiện chính sách tiền tệ.

5 trong số 12 thành viên FOMC là chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang và nằm ngoài tầm kiểm soát của Nhà Trắng.

Nhưng tổng thống vẫn có thể tác động đến chính sách tiền tệ thông qua một nhóm nhỏ thành viên FOMC. 7 thành viên của Hội đồng Thống đốc Fed do tổng thống Mỹ bổ nhiệm. Và đây là nơi ông Trump có thể tác động vào.

Elon Musk lại đứng về phe ông Trump

Động thái mới của tỷ phú Elon Musk cho thấy trong nhiệm kỳ tới đây của ông Trump, có thể xuất hiện một chiến dịch rộng rãi nhằm gây sức ép để giảm bớt sự độc lập của Fed.

Quan chức Fed cảnh báo về các chính sách kinh tế của ông Trump

Chủ tịch Fed bang Minneapolis cho biết việc trục xuất lao động nhập cư có thể gây xáo trộn một số doanh nghiệp và chính sách thuế quan mới có thể kích hoạt trả đũa thương mại.

Ông Trump đắc cử thách thức sự độc lập của Fed

Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Donald Trump từng gây "khó dễ" với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Sự đối đầu này nhằm thúc đẩy Fed cắt giảm lãi suất.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

Huy Hoàng

Bạn có thể quan tâm