Lãnh đạo 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp tại Brussels ngày 24/6 để chuẩn bị cho tương lai không còn sử dụng khí đốt từ Nga, hạn chế tác động của lạm phát và tìm kiếm nguồn cung năng lượng thay thế, Reuters đưa tin.
"Không còn khái niệm năng lượng giá rẻ, không còn lệ thuộc vào năng lượng Nga, tất cả chúng ta giờ bước vào lộ trình tìm kiếm nguồn cung năng lượng thay thế", Thủ tướng Latvia Krisjanis Karins nói.
Một quan chức cấp cao của EU cho biết sẽ chỉ còn là thời gian cho đến khi Nga cắt đứt hoàn toàn cung cấp khí đốt cho EU.
Bảng điện tử hiển thị giá các loại xăng, dầu hôm 19/6 ở Berlin, Đức. Ảnh: AP. |
Trong dự thảo tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo cáo buộc chiến dịch quân sự Nga phát động tại Ukraine đã khiến giá năng lượng và nhiều loại hàng hóa khác tăng cao, gây ra khó khăn cho nền kinh tế châu Âu cũng như phần còn lại của thế giới.
"Chúng ta cần bắt đầu cùng nhau mua năng lượng, cần áp đặt mức giá trần cho nguyên liệu, lập kế hoạch để cùng nhau vượt qua mùa đông tới. Nếu không cẩn thận, toàn bộ nền kinh tế EU sẽ rơi vào suy thoái", Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cảnh báo.
Các nước EU đã chi hàng tỷ USD để cắt giảm thuế, hỗ trợ người dân vượt qua tác động từ tình trạng giá nhiên liệu tăng cao. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa tạo ra thêm gánh nặng cho ngân sách vốn đã không còn nhiều dư địa của các nước thành viên.
EU đến nay vẫn chưa đạt được nhất trí về một giải pháp chung để ứng phó với tình trạng giá cả leo thang.
Trong tháng 6, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã áp đặt giá trần cho nhiên liệu bán tại thị trường điện trong nước. Tuy nhiên, một số nước khác cảnh báo áp giá trần cho nhiên liệu sẽ làm gián đoạn thị trường năng lượng, khiến ngân sách các chính phủ càng thêm thâm thủng vì phải trả tiền bù vào mức chênh lệch giữa giá trần và giá thị trường.