Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

The Poem

Em đã chờ anh từ thuở xa nào

“Ký ức” là một bài thơ mang đầy nỗi nhớ của Hoàng Ý Nhi, một nỗi nhớ miệt mài, âm thầm mà da diết.

1.

Cho đến buổi chiều đầy hoa cúc và gió may

Khi chờ anh

Giữa phố phường Hà Nội

Em mới hiểu rằng em đã chờ anh tự thuở xa nào.

***

Thuở mặc áo rộng thùng thình

Tết tóc đuôi sam

Qua phà Bính

Đi xe ngựa về Thủy Nguyên

Hát bài hát buồn

Khi chưa biết nỗi buồn

Lòng thầm ước được ra đi

Ra đi mãi

Về phía dãy núi màu lam sẫm.

***

Thuở yêu lần đầu

Người vừa ra trận

Thắp ngọn đèn qua đêm chiến tranh

Như thắp một nén hương.

***

Thuở qua cửa ô chiều đông cây vừa trút lá

Sương phủ kín mặt hồ

Nắng hoe lòng phố

Nghe hồn rêu phong.

***

Thuở em mở trang sách như mở từng cánh cửa

Về miền tuyết

Về miền hoa bách hợp

Miền thảo nguyên, miền mịt mù hoang mạc

Miền gặp gỡ lớn lao

Chia cách lớn lao.

***

Thuở em đi hết con đường, về đến biển

Gấp một con thuyền

Có cánh buồm đỏ thắm

Rồi thả trôi vào chốn khôn cùng.

***

Thuở em đi một mình

Trên chuyến tàu đêm

Qua những nhà ga hoang lạnh

Không ai tiễn đưa

Không ai chờ đón

Lòng vỡ òa

Gặp ngôi sao sáng xanh ngoài ô cửa.

***

Thuở em khóc cho một mối tình tan vỡ

Rồi lại khóc khi hiểu rằng

Mọi mối tình đều sẽ đến ngày khô tạnh

Khóc cho đến khi

Nước mắt chan hòa trong mạch đập.

***

Ôi tự thuở nào, tự thuở nào

Em đã mơ thấy buổi chiều nay

Mơ thấy anh về.

2.

Bấy giờ

Em băng qua ngã tư đèn đỏ

Để kịp đến nơi anh.

***

Bấy giờ

Cây cối

Cửa nhà

Xe cộ

Cuồn cuộn chảy một dòng ngũ sắc.

***

Bấy giờ

Những khuôn mặt

Thảy đều thơ dại.

***

Bấy giờ

Cỏ xanh

Trời xanh

Áo người rực rỡ.

***

Bấy giờ

Em gầy hao, đầy đặn

Hân hoan, buồn khổ

Dưới một ánh nhìn.

3.

Sao em nhớ buổi chiều đứng chờ anh

Dưới vòm cây lớn

Tim thắt lại

Trước mỗi chuyến xe

Trước mỗi bóng người.

***

Sao em nhớ căn phòng đầy tranh

Đầy áo quần

Đầy sách

Tưởng như không còn chỗ cho con người

Mà may sao

Vẫn còn chỗ cho chúng ta

Cho hạnh phúc

Cho đớn đau.

***

Sao em nhớ buổi trưa làng gốm Bát Tràng

Ngôi làng bên sông Hồng

Ngôi nhà có mái ngói nâu

Có rặng xoan

Có những đường lát gạch

Ngôi làng còn giữ kín niềm bí ẩn

Của phút giây chiếc bình đất nâu chợt sáng xanh màu ngọc.

***

Sao em nhớ những đêm Hồ Gươm

Hơi thu len trong cỏ cây, trong sóng nước

Len trong ánh đèn mờ sương Tháp Rùa

Len trong làn tóc, trong tiếng cười, trong tấm áo những người thiếu nữ

Len trong nỗi ngậm ngùi hai ta.

***

Sao em nhớ buổi sáng ngày chạy từ phố đông trở về để kịp nghe anh

Tiếng tắt lặng qua hàng ngàn cây số.

***

Sao em nhớ quán cà phê

Dưới giàn hoa giấy

Cô chủ quán thờ ơ bỏ mặc chúng ta

Bỏ mặc phút chia tay

Bỏ mặc lời hẹn gặp.

***

Em nhớ anh

Ngày tháng

Âm thầm.

Lời bình

Điều gì chứng thực cho nỗi nhớ âm thầm, da diết trong bài thơ Ký ức của Ý Nhi? Hai từ khóa: “Thuở ấy” và “Bấy giờ” mở ra những hoài niệm không nguôi.

Thơ Ý Nhi là những tỏ bày nén lặng của một tâm tình “xao xác giữa ngày yên” (Chu Văn Sơn). Không bay bổng mượt mà hay miên man xúc cảm lãng mạn, Ký ức lặng thầm sống lại trong nhịp điệu của trái tim đã đi qua nhiều năm tháng. Thế nên, ký ức thẳm sâu và day dứt âm thầm.

Quá khứ như tấm áo dệt từ những đường kim ký ức, mà đường kim nào cũng chầm chậm trĩu vào nhung nhớ, trĩu vào suy tư. Từ những gặp gỡ lớn lao, những chia cách lớn lao đến những nỗi buồn riêng lẻ mặn mòi như nước mắt trong mạch đập; từ những ngôi sao xanh ngoài ô cửa đến căn phòng chật chội đớn đau và hạnh phúc; từ nỗi hân hoan tràn ngập đến nỗi niềm tắt lặng giữa hai ta… ký ức đầy lên làm trái tim thắt lại.

Bài thơ Ký ức của Ý Nhi gợi lại miền suy tưởng đã xa nhưng hẳn sẽ thân quen với nhiều người, sau những tháng năm dài đi qua bao biến cố. Cấu trúc hoài niệm - suy tưởng duy trì khả năng tiết chế cảm xúc để lời thơ, hình ảnh thơ đằm lặng và nhẫn nại. Chiều sâu của bài thơ là hơi thở nén vào âm thầm, nhẫn nại ấy.

Nỗi nhớ bay theo sợi nắng

Nỗi nhớ bay theo sợi nắng là tứ thơ của bài “Bóng ngày” - một sáng tác của Từ Kế Tường. Sợi nắng chia hai thế giới, nhưng chỉ một dòng tâm trạng.

Em vẫn đợi anh về

Bài thơ “Em vẫn đợi anh về” của Nghiêm Thị Hằng là nỗi nhớ thầm thì mang âm điệu của một thời thủy chung, đam mê và lãng mạn.

Ý Nhi

Bạn có thể quan tâm