Quá trình làm việc và giao tiếp cùng đồng nghiệp mang lại cho chúng ta nguồn năng lượng tích cực. Ảnh: Pexels. |
Khi nghe thấy từ lao động, hầu hết chúng ta đều ngay lập tức có phản ứng tiêu cực. Ta đã bị các tôn chỉ của văn hóa ăn nhanh như tốc độ, tiện lợi và đồng nhất tẩy não rằng lao động là gánh nặng, là thứ gì đó mà bất kể có hại thế nào tới tinh thần, sức khỏe và môi trường thì ta cũng phải chịu đựng, một thứ hoàn toàn tách rời khỏi những khía cạnh khác của cuộc sống thường ngày.
Niềm vui trong lao động là một trong những tôn chỉ khó nói đến nhất, bởi vì nó liên quan tới cảm nhận của chúng ta về công việc và ngành nghề mà ta đã chọn. Sâu thẳm trong nhiều người chúng ta là cảm giác phải hy sinh để có thể kiếm tiền và có đủ ăn, và nếu ta phải hy sinh hạnh phúc thường nhật ở nơi làm việc thì ta đành chấp nhận. Nhưng đó không phải là con đường duy nhất.
Tư tưởng coi lao động như niềm vui là điều tôi được tiếp thu trong những ngày đầu được đào tạo trở thành giáo viên Montessori, và đó cũng là một trong những điều quan trọng nhất tôi học được từ triết lý của Maria Montessori.
“Đôi khi ta sẽ bắt gặp một đứa trẻ có hứng thú sâu sắc với một công việc nào đó,” Montessori viết trong cuốn sách The Discovery of the Child (đã xuất bản tại Việt Nam với tên Khám phá Trẻ thơ).
“Ta nhìn thấy sự hứng thú đó qua biểu cảm trên gương mặt bé, qua sự tập trung cao độ, sự tận tâm trong lao động”. Cô giải thích rằng lao động có đôi khi khó khăn và đôi khi dễ dàng. Đó là một quá trình có thăng và có trầm. Nhưng nhìn chung, ta nên cảm thấy mình có thành tựu trong công việc. Không nên có sự phân cách giữa lao động và niềm vui.
Cuốn sách Ta chính là những thứ ta ăn của tác giả Alice Waters. Ảnh: H.H. |
Trong một lớp học Montessori, mọi hoạt động mà con trẻ lựa chọn để tham gia đều được gọi là “công việc”, nhưng chẳng có gì là gánh nặng cả. Trẻ nhỏ có thể tự rót nước uống, học cách cắt trái cây, trải khăn cho bàn ăn, gấp gọn chăn gối và quét dọn sàn nhà.
Chúng thực hiện những công việc thực tiễn đó một cách tự hào và quyết tâm: chúng học được cách làm chủ cơ thể và môi trường xung quanh, lắng nghe bản năng của mình và làm những gì khơi gợi sự hứng thú trong chúng. Quan trọng nhất là chúng được các giáo viên tin tưởng và tôn trọng rằng chúng có thể làm được những việc đó.
Phần lớn những “công việc” này là những việc nhà, những tác vụ thiết yếu trong cuộc sống. Và ta đã bị nền công nghiệp ăn nhanh truyền bá cách nhìn nhận những việc này là tầm thường và phiền phức, trong khi thực tế chúng còn có thể được sử dụng để trị liệu và truyền cảm hứng.
Tưới cây trong vườn. Nấu một bữa ăn. Gấp gọn quần áo. Thực hiện những việc vặt trong nhà đó cũng đầy ý nghĩa. Tìm kiếm niềm vui trong lao động chính là tập trung vào công việc mình đang làm và thực sự cảm nhận nó. Những việc vặt như vậy giúp ta nhận ra những điều mà bình thường ta không để ý, chúng kết nối ta tới gia đình, cộng đồng và thậm chí là cả chu kỳ của tự nhiên.
Tôi chưa từng coi những việc tôi làm như là “lao động”, theo cách mà xã hội định nghĩa; tôi thường nhìn nhận chúng theo khuôn khổ của Montessori. Có thể cách nghĩ đó là xa xỉ, nhưng nấu ăn là đam mê của tôi. Khi chúng tôi mở nhà hàng, tôi cá rằng không ai trong chúng tôi nghĩ việc nấu nướng đó là cực nhọc. Không có nghĩa việc ấy không khó khăn vất vả, nấu ăn cũng mệt lắm chứ.
Nhưng chúng tôi không cho rằng đó là kiểu làm công ăn lương. Bởi vì chúng tôi vẫn nấu hệt như cách chúng tôi nấu ở nhà. Nấu ăn là sáng tạo, và sẽ vui hơn vì được làm điều đó cùng nhau. Chúng tôi đâu có học theo mô hình của những nhà hàng công nghiệp hiện đại; chưa ai trong số chúng tôi từng làm việc trong nhà hàng. Chẳng có thứ bậc gì hết.
Chúng tôi không thuê phụ bếp tới vào sáng sớm để sơ chế thực phẩm, chúng tôi tự làm tất cả từ đầu tới cuối. Tôi luôn cảm thấy vui vẻ khi được tiếp xúc với thực phẩm. Và nhà hàng chúng tôi luôn đề cao sứ mệnh: chúng tôi muốn giới thiệu các hương vị và cái đẹp tới thực khách theo những cách độc đáo và phóng khoáng.
Lý tưởng về việc đem trao tặng cho người khác một điều gì đó khiến cho công việc trở nên đầy hứng khởi. Sứ mệnh ban sơ đó lớn dần lên theo thời gian để ủng hộ cho nông nghiệp hữu cơ, và mỗi lần sứ mệnh được mở rộng, chúng tôi lại có thêm niềm vui và động lực mới.
Ở Chez Panisse không có khái niệm Hậu sảnh. Trong kinh doanh nhà hàng, cách nói “hậu sảnh” ám chỉ những nhân lực vô hình làm việc ở ngoài tầm mắt thực khách: nấu ăn, dọn dẹp, rửa chén đĩa, giặt giũ, xếp kho. Hậu sảnh là khu vực thường bị giấu khỏi khách hàng.
Điều đó ám chỉ rằng những công việc ở đó thường không được sạch sẽ ngon mắt. Tôi không bao giờ muốn có bất cứ một phần nào trong nhà hàng của mình bị che giấu đi hoặc không đẹp. Mọi thứ diễn ra trong quá trình vận hành của một nhà hàng đều cần được kiểm soát: rác thải, bữa ăn của nhân viên, phòng thay đồ và các văn phòng.
Mọi không gian và mọi công việc đều nên được xem xét trong tương quan với tổng thể của cả nhà hàng. Trước hết là cân nhắc về mặt thẩm mỹ nhưng cuối cùng cũng phải cân nhắc cả về tính chất xã hội và môi trường nữa. Nếu mọi thứ và mọi người đều ở ngay trước mắt thì ta buộc phải xem xét toàn bộ.
Ta phải chấp nhận rằng những yếu tố “bị ẩn giấu” đó là một phần của quy trình, và phải luôn tìm cách để cải tiến những yếu tố ấy, vì lợi ích của mọi người làm việc ở đây cũng như của cả thực khách.