Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Muốn khỏe hơn đừng ăn quá nhanh

Vì công việc bận rộn, chúng ta buộc lòng phải ăn những bữa trưa vội vàng trong vòng 15 phút. Nếu có điều kiện, hãy ăn chậm, nhai kỹ để dạ dày không phải làm việc quá sức.

An uong lanh manh anh 1

Ăn chậm, nhai kỹ giúp bạn cảm nhận rõ hơn vị ngon của thức ăn. Ảnh: Amoon.

Thật nản lòng khi nhận thức được ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa ăn nhanh đối với cuộc sống của chúng ta. Nhưng nhận thức ấy cũng là một lời kêu gọi phải hành động quyết liệt. May mắn thay, có một lựa chọn khác, một phản lực vốn đã sớm tồn tại. Tôi gọi phản lực này là văn hóa ăn chậm.

Văn hóa ăn chậm đâu phải mới mẻ gì. Nó chính là nền văn minh đã dẫn dắt chúng ta từ thuở ban sơ của nhân loại, với những phong tục và thói quen gần gũi với tự nhiên. Nhiều người trong chúng ta cảm thấy lạ lẫm với ngôn ngữ của văn hóa ăn chậm. Những từ ngữ định nghĩa nên các tôn chỉ của nó - cộng đồng, hào phóng, hợp tác - đã và đang bị lạm dụng để tiếp thị tới chúng ta quá nhiều trong những năm gần đây khiến cho ta không còn nghiêm túc đón nhận chúng nữa. Dù vậy thì những tôn chỉ đó thực sự có sức mạnh phổ quát.

Nếu không thì sao chúng có thể dẫn dắt vô vàn nền văn minh trên thế giới qua hàng trăm thế hệ được? Và tại sao giờ đây chúng lại kết nối với ta? Tin tốt là các tôn chỉ của văn hóa ăn chậm đều rất gần gũi với ta. Tất cả chúng ta đều là một phần của tự nhiên, bởi thế nên các tôn chỉ của văn hóa ăn chậm đã luôn sẵn có trong mỗi chúng ta.

Khi ta nấu, ăn và phục vụ thực phẩm được nuôi trồng đúng cách, ta không chỉ đang dung dưỡng bản thân mà còn đang dung hòa những tôn chỉ của văn hóa ăn chậm - những tôn chỉ sẽ dẫn dắt ta mở ra một cuộc sống hài hòa với sinh thái.

[...]

Cái đẹp thường dễ bị coi thường. Nhưng đối với tôi, nó là tôn chỉ quan trọng nhất - nó bao trọn tất cả các phát biểu khác của văn hóa ăn chậm. Tôi rất buồn vì người ta không nhận thức được đúng về sức mạnh của nó. Nhưng ta có thể nói gì về cái đẹp ngoài những gì người ta đã từng nói đây? “Cái đẹp là chân lý, chân lý là cái đẹp”, “Cái đẹp nằm trong mắt của kẻ si tình”, “Cái đẹp là niềm vui vĩnh hằng”.

Ta đã nghe hoài những định đề ấy, chính là bởi vì cái đẹp là trung tâm của hiện sinh, dù cho ta có phủ nhận thế nào chăng nữa. Nó nắm giữ sức mạnh. Tôi cho rằng cái đẹp là một động lực sống thiết yếu mà bất cứ ai đều có khả năng khám phá ra được. Ta thèm khát nó – đôi khi thèm khát mà chẳng có được nó.

An uong lanh manh anh 2

Cuốn sách Ta chính là những thứ ta ăn của tác giả Alice Waters. Ảnh: H.H.

Tôi đã có nhận thức về cái đẹp khi từ còn bé. Tôi yêu những chiều hoàng hôn, những hàng cây thay lá mùa thu, những viên đá cuội bóng láng nhặt bên bờ suối, mùi hoa tử đinh hương vào màu xuân. Nhưng tôi không cho rằng những điều ấy là quan trọng trong cuộc sống thường ngày.

Có thể tôi đã coi những điều ấy là lẽ đương nhiên, trẻ con thường như thế. Điều ấy thay đổi khi tôi đi du học ở Pháp. Văn hóa và thẩm mỹ của tôi được thức tỉnh ở đó, giống như rất nhiều du học sinh khác: Đi thăm nhà thờ Sainte-Chapell, đọc thơ của Verlaine, nghe David Oistrakh chơi nhạc Beethoven ở nhà hát Palais Garnier. Nhưng khi tôi hồi tưởng lại, điều đáng nhớ nhất lại là hương vị của trái dâu tây rừng trên đĩa. Tôi chưa từng trải nghiệm thứ gì tương tự.

Khi nghĩ về cái đẹp, phần lớn mọi người nghĩ tới thứ gì đó có thể nhìn hoặc nghe được. Nhưng tôi tin rằng hương thơm, cảm giác và mùi vị mới thực sự gần gũi. Những trái dâu rừng nhỏ xíu mà thơm lừng, tươi mới đó đã ở bên trong tôi, được tiêu hóa, trở thành một phần của tôi. Chúng mở ra cho tôi một chân trời trải nghiệm mới. Tôi bắt đầu một sứ mệnh đi khám phá những hương vị đậm đà ở mọi nơi, chính nó đã mở rộng trải nghiệm về cái đẹp của tôi ra khắp thế giới.

Khi tôi trở về Berkeley năm 1966, nền văn hóa ăn nhanh đang lớn mạnh ở đây là một trải nghiệm cực kỳ đối lập dành cho tôi. Tôi đã thực sự bị sốc văn hóa. Tôi đã có một năm sống trong nền văn hóa ăn chậm của Pháp, hòa mình trong sự đa dạng trong ẩm thực, kiến trúc và nghệ thuật.

Và giờ thì tôi trở về nơi này. Cách mà người Mỹ khi ấy mua thực phẩm và ăn uống thật tệ, chẳng hề có những quán cà phê nhỏ xinh hay những nhà hàng với thức ăn ngon và không gian đẹp; không có những chợ họp trên phố bày đầy rau quả chín muồi vừa mới thu hái; và hoàn toàn vắng bóng những người nuôi trồng thực phẩm.

Đúng là thực phẩm hữu cơ có được bày bán ở hợp tác xã Berkeley, nhưng chúng chẳng bao giờ được trưng bày bắt mắt. Tôi ủng hộ những nông trại hữu cơ, nhưng trong những cửa hàng thực dưỡng của thập niên 1960 thì các sản phẩm trông thật bừa bộn và thiếu sự chăm nom. Tôi từng không chấp nhận rằng thức ăn ngon và đẹp chỉ dành cho những người giàu có. Giờ tôi vẫn nghĩ thế!

Ở Pháp, hầu hết người dân đều có thể mua được rau quả tươi ngon khi vào đúng vụ mùa, đơn giản bởi đó là cách người thời ấy trồng cây và cũng là cách mà người thời ấy mua sắm. Cái đẹp của thực phẩm được lồng ghép vào trong cuộc sống hàng ngày. Sự nhận thức về cái đẹp ấy được thức tỉnh trong tôi từ khi ở Pháp, và chẳng thể nào dập tắt được. Tôi bắt đầu nấu ăn bởi vì tôi muốn mình được kết nối với thế giới ấy và cả những giá trị cốt lõi của nó.

Alice Waters/Huy Hoàng Books

SÁCH HAY