Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đua bán thực phẩm tươi sống trên chợ mạng

Sau vài tháng ra mắt, ngành hàng thực phẩm tươi sống trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) đều ghi nhận tăng trưởng vượt bậc.

Theo ông Võ Thanh Lộc, CEO chuỗi cửa hàng thực phẩm Farmers’ Market, lượng đơn hàng thu được từ Tiki hiện chiếm hơn 20% tổng đơn hàng online của doanh nghiệp, dù chuỗi mới có mặt trên sàn TMĐT này được một tháng.

"Con số này vẫn đang tăng trưởng tích cực. Điều đặc biệt là không chỉ trong khung giờ ưu đãi, mà tỷ lệ khách hàng quay lại hàng ngày vẫn rất tốt", ông nói thêm.

Tăng trưởng đến 200% chỉ trong 3 tháng

Xác nhận những kết quả tích cực của ngành hàng TikiNGON sau 4 tháng thử nghiệm trong khu vực TP.HCM, đại diện Tiki cho biết gần 60% đơn hàng thực phẩm tươi sống được thanh toán trực tuyến, trong khi tỷ lệ trên toàn sàn là 40%.

Vị này nhận định, đây là tín hiệu tích cực so với mặt bằng chung các nền tảng mua sắm online, chứng tỏ khách hàng tin tưởng vào chất lượng sản phẩm.

Trong đó, những mặt hàng được quan tâm nhất là hải sản cao cấp (tôm hùm, tôm sú, hàu sữa), trái cây (nho, cherry, cam vàng, táo) và thịt tươi sống.

Thuc pham tuoi song dat hang tren cho mang anh 1

Rau, củ, thịt, cá... bán "đắt hàng" trên các sàn TMĐT. Ảnh: Phan Nhật.

Chia sẻ với Zing, đại diện Lazada cũng cho biết, sau 3 tháng vận hành, tính đến tháng 7 vừa qua, doanh thu ngành hàng thực phẩm tươi sống đã tăng trưởng 200%. Song song đó, số lượng nhà bán hàng tăng gấp 6 lần.

Thậm chí, khi dịch bệnh đã dần ổn định, nhu cầu mua sắm những mặt hàng này vẫn giữ mức tăng trưởng tốt. Đơn cử, trong giai đoạn khuyến mãi hồi tháng 6, gian hàng thực phẩm tươi sống của thương hiệu Sagrifood tăng gấp 40 lần đơn hàng so với ngày thường.

Một doanh nghiệp khác cũng sớm nắm bắt cơ hội với ngành hàng tươi sống giai đoạn dịch bệnh là Grab. Từ ngày 24/7 đến nay, dịch vụ đi chợ hộ GrabMart của nền tảng này ghi nhận các mặt hàng tươi sống như rau củ quả, thịt, cá tươi được đặt mua nhiều nhất. Thức ăn nấu sẵn cũng được thống kê trong top 10 sản phẩm bán chạy.

Hiện GrabMart duy trì tốc độ tăng trưởng theo tuần ở mức 2 chữ số, với lượng đơn hàng bình quân hàng ngày hồi cuối tháng 7 tăng gấp 10 lần so với 3 tháng trước đó. Số lượng đối tác kinh doanh cũng được mở rộng gấp 10 lần, từ các chuỗi siêu thị, cửa hàng lớn đến siêu thị tiện lợi, cửa hàng vừa và nhỏ.

Bước đi dài hạn

Tính chung toàn thị trường, sau 6 tháng đầu năm, lượng truy cập vào các trang web ngành hàng bách hóa tăng hơn 41%, theo số liệu thống kê từ iPrice Group và SimilarWeb.

IPrice nhận định, tỷ lệ tăng trưởng này không thay đổi nhiều so với 45% của quý I, cho thấy nhu cầu mua sắm bách hóa online vẫn liên tục tăng nhanh và vững chắc, kể cả khi tình hình dịch bệnh không còn quá nặng nề.

"Các sàn TMĐT dường như đã xác định được bách hóa và thực phẩm tươi sống là một hướng cạnh tranh dài hạn, dẫn đến những bước đi cụ thể, quyết đoán hơn", báo cáo Bản đồ thương mại điện tử quý II/2020 của iPrice nhấn mạnh.

Thực tế, trả lời Zing, các nền tảng đều khẳng định đây là dự án kinh doanh dài hạn và có tiềm năng phát triển tốt trong tương lai, kể cả khi dịch Covid-19 đã đi qua.

"Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực phát triển ngành hàng thực phẩm tươi sống, bởi điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu mua sắm thiết yếu của người tiêu dùng, mà còn hỗ trợ các thương hiệu và nhà bán hàng chuyển đổi số", đại diện Lazada chia sẻ.

Cùng chung quan điểm này, Tiki cho biết sẽ tiếp tục hợp tác với các đơn vị kinh doanh thực phẩm tươi sống và thực phẩm nấu sẵn, giúp họ mở rộng kênh phân phối trực tuyến, từ đó tiếp cận thêm khách hàng mới và tăng sức cạnh tranh trong thời gian nhiều thử thách sau đại dịch.

Theo bà Vũ Thị Nhật Linh, Phó tổng giám đốc quản lý sàn thương mại tại Tiki, ngành hàng tươi sống dự kiến ra mắt tại Hà Nội vào đầu tháng 10. Đồng thời, những đối tác là các chuỗi siêu thị cũng sẽ lên sàn trong thời gian tới.

Bên cạnh yếu tố chất lượng và đa dạng hàng hóa, các đơn vị cũng tìm cách chiếm cảm tình khách hàng thông qua thời gian giao hàng. Vì không giống thực phẩm khô hay sản phẩm thông thường, hàng tươi sống là nhu cầu hàng ngày của người tiêu dùng.

Hiện nay, GrabMart cam kết giao nhanh trong 1 giờ, Lazada đặt mốc 2 giờ, còn TikiNGON tối đa 3 giờ. Phía Tiki cho biết đang đẩy mạnh tốc độ giao hàng và chất lượng sản phẩm thông qua việc người bán trực tiếp giao hàng. Tuy nhiên, trong tương lai, sàn này sẽ sử dụng dịch vụ vận chuyển của đội ngũ và đối tác vận chuyển bên thứ ba.

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm