Báo cáo Bản đồ thương mại điện tử quý II/2020 của iPrice Group phối hợp thực hiện cùng SimilarWeb và App Annie chỉ ra mức chi tiêu của người Việt trong mua sắm trực tuyến đã có sự tăng trưởng so với năm 2019.
Ghi nhận trên website iprice.vn, giá trị trung bình một đơn hàng trong 6 tháng đầu năm đạt 344.000 đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đơn vị nghiên cứu này đánh giá, đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy có sự chuyển dịch trong hoạt động mua sắm của người Việt từ kênh offline sang online. Tuy vậy, mỗi doanh nghiệp trong ngành có một chiến lược khác nhau để nắm bắt cơ hội này.
Tiki, Lazada, Sendo sụt giảm lượng truy cập
Trong quý II, Shopee đạt gần 52,5 triệu lượt truy cập website mỗi tháng, tăng thêm 9,3 triệu lượt/tháng so với quý trước đó. Với kết quả này, sàn TMĐT của SEA tiếp tục dẫn đầu thị trường và bỏ xa các đối thủ.
Cụ thể, lượng truy cập vào website của Tiki, Lazada Việt Nam và Sendo trong cùng kỳ lần lượt giảm 2,9 triệu lượt/tháng, 1,3 triệu lượt/tháng và 3 triệu lượt/tháng.
Tổng lượng truy cập bình quân hàng tháng của 3 sàn TMĐT này trong quý II là khoảng 54,2 triệu lượt, không nhỉnh hơn nhiều so với chỉ số của website Shopee.
Đồ họa: Việt Đức - Lan Anh. |
Thực tế, xu hướng này đã được nhìn thấy từ quý I/2020. Khi đó, đại diện iPrice lý giải một phần nguyên nhân là các sàn tiết chế hoạt động quảng cáo và khuyến mãi trong mùa dịch.
Thay vào đó, họ đẩy mạnh livestream và game trên ứng dụng và mạng xã hội, nhằm gia tăng tương tác và lượng người dùng ứng dụng, tranh thủ quãng thời gian giãn cách xã hội.
Quý II/2020, tổng lượt truy cập vào các ứng dụng mua sắm online đạt mức cao kỷ lục 12,7 tỷ, chiếm 19,5% thị phần và xếp thứ 3 tại Đông Nam Á.
Đáng chú ý, chỉ số này tăng 43% so với quý I, vượt xa hầu hết quốc gia khác trong khu vực, chỉ xếp sau Philippines (53%) và Thái Lan (50%). Bình quân toàn khu vực Đông Nam Á trong quý II ghi nhận tăng trưởng 39% về lượng truy cập ứng dụng TMĐT.
Đại diện iPrice đánh giá, Covid-19 chính là bước ngoặt cụ thể đẩy nhanh tốc độ phát triển của các ứng dụng này. Bởi lẽ, đây là giai đoạn lý tưởng để áp dụng các tính năng như livestream và game đã được thử nghiệm từ cuối năm 2019, khi người dân ở nhà nhiều hơn, nhu cầu giải trí online tăng cao.
Ngành hàng bách hóa tăng trưởng vững chắc
Báo cáo của iPrice cũng khẳng định, cú hích từ Covid-19 không chỉ tạo ra những nhu cầu nhất thời, mà đã thực sự mang đến thói quen mua sắm online mới. Đó là động lực tăng trưởng lâu dài cho các ngành hàng trước đây vốn không phải trọng tâm của TMĐT.
Tiêu biểu, sau 6 tháng đầu năm, lượng truy cập vào các website trong ngành hàng bách hóa tăng hơn 41%. Tỷ lệ tăng trưởng này không thay đổi nhiều so với 45% của quý I, chứng tỏ nhu cầu mua sắm bách hóa online vẫn liên tục tăng nhanh và vững chắc, kể cả khi tình hình dịch bệnh không còn quá nặng nề.
Đồ họa: Lan Anh. |
Trước những số liệu thực tế này, iPrice cho rằng các sàn TMĐT đã xác định bách hóa và thực phẩm tươi sống là hướng cạnh tranh dài hạn. Từ đó, các doanh nghiệp có những chiến lược cụ thể và quyết đoán hơn, đặc biệt là về hậu cần giao vận.
"Cuộc đua bách hóa trực tuyến đang nóng hơn bao giờ hết", iPrice đánh giá.
Từ giữa tháng 4, Lazada triển khai cung cấp thực phẩm tươi sống với cam kết giao hàng nhanh trong 2 giờ. Sang tháng 5, Tiki cũng bước vào cuộc đua với thử nghiệm dịch vụ bán hàng tươi sống TikiNGON tại TP.HCM. Thời gian giao hàng tối đa là 3 giờ.
Chia sẻ với Zing, các doanh nghiệp đều xác định đây là dự án kinh doanh dài hạn, do đó sẽ đầu tư nhiều nguồn lực hơn để hoàn thiện và mở rộng quy mô của hình thức dịch vụ này.
Tuy vậy, trước tác động của Covid-19, một bộ phận người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm và cắt giảm chi tiêu cho các ngành hàng thiết yếu. Điều này đẩy ngành hàng thời trang trên môi trường TMĐT vào một quý kinh doanh ảm đạm, khi tổng lượng truy cập website giảm sâu 29% so với 3 tháng đầu năm.