Ngày 10/6, Saigon Co.op bắt đầu triển khai chương trình "Ủng hộ nông sản Việt" trên ví điện tử MoMo. Chia sẻ với Zing, ông Đỗ Quốc Huy - Giám đốc marketing của Saigon Co.op cho hay, tính đến sáng 24/6 đã bán được khoảng 57 tấn vải và 3 tấn gạo ST Xuân Hồng.
Trước đó, trong 3 tiếng mở bán đầu tiên, mỗi đơn hàng khách đặt mua trung bình từ 5-10 kg vải, sau đó đồng loạt tăng mạnh đến 30-50 kg, cá biệt có đơn hàng lên đến 90 kg.
"Người dân phản ứng rất tích cực, còn chúng tôi có thể hỗ trợ đầu ra nông sản ổn định cho bà con nông dân. Khoảng 1 tuần nữa sẽ kết thúc chương trình này và 2 tuần nữa là kết thúc mùa vải. Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục chọn lọc những sản phẩm mang tính mùa vụ khác để bán trực tuyến", ông Đỗ Quốc Huy cho biết.
Người tiêu dùng ủng hộ chương trình bán nông sản trực tuyến của Saigon Co.op. Ảnh: T.T. |
Ông đánh giá hoạt động mua bán thực phẩm trực tuyến mang đến sự tiện lợi cho cả người tiêu dùng và nhà phân phối. Khách hàng không cần đến siêu thị, chỉ ở nhà đặt hàng và có thể thanh toán không tiền mặt. Nhà phân phối biết được sản lượng đặt trước và cung cấp sản phẩm tươi ngon hơn, thay vì trưng bày trên quầy, kệ có thể làm giảm chất lượng của một số sản phẩm.
Dựa trên những sự tiện lợi này, Shopee cũng ghi nhận lượng giao dịch tăng trưởng cao đối với ngành hàng thực phẩm, và các nhà cung cấp chủ động hơn trong việc tiếp cận khách hàng trên môi trường thương mại điện tử (TMĐT).
Một tháng qua, số lượt người dùng thường xuyên đặt mua thực phẩm trên Shopee tăng 3,5 lần. Hoạt động mua sắm được đánh giá luôn ở mức cao trong suốt tuần, đỉnh điểm vào thứ 3, 5, 7.
Trước đó, trong giai đoạn giãn cách xã hội, ngành hàng bánh kẹo và thực phẩm nấu ăn tại nhà tăng gấp 3 lần lượng giao dịch, còn nhu cầu sử dụng các sản phẩm làm từ sữa trong tháng 4 tăng 7 lần.
"Người dùng mua sắm tất cả mặt hàng thực phẩm qua kênh bán hàng trực tuyến, bao gồm các mặt hàng trước đây thường được mua sắm tại cửa hàng. Chúng tôi thấy rằng đây là bước dịch chuyển dài hạn và Shopee sẽ tiếp tục dẫn đầu xu hướng này trong những năm tiếp theo”, ông Trần Tuấn Anh - Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam khẳng định.
Trên sàn TMĐT này, các sản phẩm thực phẩm được ưa chuộng nhất là dầu ăn, hải sản đóng gói, hạt ngũ cốc, các loại thực phẩm sấy khô ăn liền từ gà hoặc trái cây.
Vị đại diện Shopee cũng nhận thấy các nhà bán hàng và thương hiệu đang thích nghi nhanh chóng với xu hướng mua sắm này, thông qua việc cung cấp đa dạng danh mục sản phẩm thực phẩm và sử dụng tính năng phát trực tiếp (livestream) để gây ấn tượng tốt hơn với người tiêu dùng.
Như vậy, ngoài việc mua thực phẩm từ những người bán cá nhân trên Facebook, sau giai đoạn dịch Covid-19 vừa qua, người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn mới từ các sàn TMĐT, ví điện tử và siêu ứng dụng như Lazada, Tiki, Shopee, VinID, MoMo, Grab...
Đại diện Tiki cho biết, việc phân phối thực phẩm trên sàn TMĐT này, thông qua dự án TikiNGON, là dự án kinh doanh dài hạn. Từ đầu tháng 5 đến nay, doanh nghiệp vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm tại TP.HCM trước khi ra mắt hàng loạt đến người tiêu dùng toàn quốc. "Chúng tôi sẽ đầu tư nhiều nguồn lực hơn để hoàn thiện và mở rộng quy mô của hình thức dịch vụ này", vị này chia sẻ.
Theo ông Lê Hoàng Long - Quản lý bộ phận tư vấn chuỗi bán lẻ của Nielsen Việt Nam, xu hướng mua hàng trực tuyến chắc chắn sẽ tăng hậu Covid-19. Trả lời khảo sát của Nielsen, 64% người tiêu dùng cho biết sẽ tiếp tục sử dụng dịch vụ giao thức ăn thường xuyên hơn và 63% sẽ tiếp tục mua sắm trực tuyến thường xuyên hơn sau đại dịch.
Tuy nhiên, kênh trực tuyến sẽ tồn tại song song chứ khó thay thế hoàn toàn các điểm bán trực tiếp. Do đó, đại diện Nielsen Việt Nam dự báo sẽ có nhiều "cú bắt tay" hơn nữa giữa những nhà bán lẻ trực tuyến và trực tiếp để tạo ra hệ sinh thái đa kênh, như trường hợp các siêu thị và nhà cung cấp kết hợp với nền tảng phân phối trực tuyến như hiện nay.