Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch vụ đi chợ hộ lên ngôi thời dịch

Sau Covid-19, 63% người dân tăng cường mua sắm online, theo khảo sát mới nhất từ Nielsen. Dịch vụ đi chợ hộ cũng từ đó bùng nổ, với mức tăng trưởng 2 chữ số.

7h20, chị Ngân (nhân viên văn phòng ở quận 2, TP.HCM) tranh thủ dạo một vòng “chợ online” trước giờ làm việc, để mua nguyên liệu nấu ăn cho cả ngày. Thói quen này hình thành vài tháng sau đợt dịch đầu tiên, khi chị ngại đến nơi đông người.

“Thấy nhiều đồng nghiệp dùng dịch vụ đi chợ hộ, không phải trực tiếp đến siêu thị lựa chọn, tôi cũng mon men thử và sử dụng đến bây giờ. Nhờ vậy mà mấy tháng nay, tôi vừa tiết kiệm thời gian, vừa đảm bảo hạn chế ra ngoài”, chị Ngân nói.

Bùng nổ từ Covid-19

Thực tế, dịch vụ đi chợ hộ đã xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2015 với sự tham gia của khá nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, thời điểm đó, người tiêu dùng còn tỏ ra ngại ngần bởi mức phí giao hàng khá cao và độ phủ sóng chưa lớn. “Sự tiện lợi khi ấy chưa quá cần thiết”, chị Ngân nhớ lại.

Tuy nhiên, Covid-19 đã thay đổi câu chuyện này. Nếu trước đây, các doanh nghiệp ngành bán lẻ coi việc mở rộng chuỗi, tạo sự hiện diện rộng khắp ở những vị trí đắc địa là tiêu chí phát triển tiên quyết, thì giờ đây, họ buộc phải có mặt trên các nền tảng mua sắm online, giao hàng tận nơi.

Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu ở nhà thời dịch, mà còn bảo đảm vấn đề sức khỏe và vệ sinh an toàn thực phẩm, khi các doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ kết hợp với những đơn vị uy tín để triển khai giao hàng đến cho người tiêu dùng.

di cho ho anh 1

Dịch vụ đi chợ hộ phổ biến hơn tại Việt Nam khi dịch bệnh bùng phát.

Nắm bắt thời điểm “chín muồi” trong tâm lý người dân, hàng loạt tên tuổi lớn nhảy vào mảng kinh doanh này. Các chuỗi siêu thị nhân cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn mạng lưới giao hàng mua hộ, bao gồm nền tảng riêng và các trang thương mại điện tử. Đặc biệt, các hãng xe công nghệ trước nay cung cấp dịch vụ giao thức ăn, nay mở rộng dịch vụ đi chợ hộ dựa trên cơ sở hạ tầng có sẵn.

Chia sẻ với Zing, đại diện Grab cho biết dịch vụ GrabMart đang duy trì tốc độ tăng trưởng theo tuần ở mức 2 chữ số nhờ mạng lưới đối tác kinh doanh liên tục được mở rộng và lực lượng đối tác tài xế đông đảo. So sánh thời điểm cuối tháng 7 và cuối tháng 4, lượng đơn hàng bình quân hàng ngày đã tăng gấp 10 lần.

Anh Đại Hưng - một tài xế công nghệ lâu năm tại TP.HCM cho biết, vào một số ngày cao điểm, anh có thể mua hộ gần 10 đơn hàng cho khách, với giá trị mỗi đơn dao động 200.000-500.000 đồng.

Điểm đặc biệt hơn cả là mặt hàng bán chạy nhất trên các dịch vụ đi chợ hộ không chỉ gói gọn trong những sản phẩm khô như trước đây. Từ ngày 24/7 đến nay, GrabMart ghi nhận các mặt hàng tươi sống như rau củ quả, thịt, cá tươi được nhờ mua hộ nhiều nhất. Thức ăn nấu sẵn cũng được thống kê trong top 10 sản phẩm bán chạy nhất trên nền tảng này.

Điều đó chứng tỏ dịch vụ đi chợ hộ đã thực sự đi vào cuộc sống hàng ngày của người dân, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cơ bản hàng ngày cho giới nội trợ.

Tiếp tục tăng trưởng sau đại dịch

Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, xu hướng mua sắm online, đặc biệt là dịch vụ đi chợ hộ, không phải là xu hướng “sớm nở tối tàn”, mà vẫn còn nhiều dư địa để phát triển trong tương lai.

Bà Demi Yu - Giám đốc khu vực của GrabFood tại Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Philippines - khẳng định: "Chính Covid-19 đã đẩy nhanh việc áp dụng dịch vụ giao hàng theo yêu cầu trên khắp Đông Nam Á. Trong điều kiện hậu dịch, khi người dân đã quen dần với hình thức này, nhu cầu dịch vụ vẫn tăng".

Thực tế, trả lời khảo sát mới đây của Nielsen, 64% người tiêu dùng cho biết sẽ tiếp tục sử dụng dịch vụ giao thức ăn thường xuyên hơn. Đồng thời, 63% đáp viên khẳng định sẽ tiếp tục mua sắm trực tuyến thường xuyên hơn sau đại dịch.

Đặc biệt, phần lớn người tiêu dùng còn cho rằng sẽ ăn tại nhà nhiều hơn. Nielsen nhìn nhận, điều này đồng nghĩa với việc người dân càng tăng cường mua sắm online và tận dụng sự tiện lợi của các dịch vụ giao hàng, đi chợ hộ.

di cho ho anh 2

Dịch vụ đi chợ hộ còn nhiều dư địa phát triển cả khi dịch kết thúc.

“Xu hướng mua hàng trực tuyến chắc chắn sẽ tăng hậu Covid-19. Tuy nhiên, kênh trực tuyến sẽ tồn tại song song chứ khó có thể thay thế hoàn toàn các điểm bán trực tiếp. Dự báo sẽ có nhiều ‘cú bắt tay’ hơn nữa giữa những nhà bán lẻ trực tuyến và trực tiếp để tạo ra hệ sinh thái đa kênh, như trường hợp các siêu thị và nhà cung cấp kết hợp với nền tảng phân phối trực tuyến như hiện nay”, ông Lê Hoàng Long - Quản lý bộ phận Tư vấn chuỗi bán lẻ của Nielsen Việt Nam nói với Zing.

Đơn cử, đại diện Grab cho biết, tính đến đầu tháng 8, GrabMart gia tăng hơn 10 lần đối tác kinh doanh so với trước đó 3 tháng. Đến nay, dịch vụ này đã hợp tác với hầu hết chuỗi siêu thị, cửa hàng lớn và hàng loạt siêu thị tiện lợi, cửa hàng vừa và nhỏ khác.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp cùng cạnh tranh, đại diện Nielsen cho rằng tốc độ giao hàng và chất lượng sản phẩm sẽ là yếu tố then chốt để thúc đẩy sự phát triển, giúp các đơn vị chiếm cảm tình từ khách hàng. Đặc biệt, vấn đề chất lượng thực phẩm, trong đó có yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm, càng đóng vai trò quan trọng, khi 44% người Việt coi sức khỏe là mối quan tâm hàng đầu trong quý II/2020.

Hiểu rõ điều này, các đơn vị triển khai dịch vụ đang nỗ lực hoàn thiện giao diện, gia tăng số lượng đối tác và độ phủ, cũng như đẩy nhanh tốc độ giao hàng. Mới nhất, GrabMart triển khai chương trình “100% tươi ngon, đổi miễn phí”, qua đó hỗ trợ đổi miễn phí nếu thực phẩm gặp vấn đề liên quan đến chất lượng tươi sống, bên cạnh cam kết giao hàng nhanh trong vòng một tiếng.

Lan Anh - Giang Di Linh

Bình luận

Bạn có thể quan tâm