“Với tất cả doanh nghiệp, Covid-19 có lẽ là biến cố lớn chưa từng có. Để tồn tại khi môi trường, điều kiện kinh doanh thay đổi đột ngột, con đường duy nhất là phải thích nghi cực kỳ nhanh. Với Grab, đổi mới sáng tạo đã nằm trong DNA doanh nghiệp. Covid-19 là một bài kiểm tra để đánh giá tốc độ thay đổi của chúng tôi có đủ nhanh hay không”, CEO Grab Việt Nam Nguyễn Thái Hải Vân chia sẻ.
Tận dụng thế mạnh công nghệ, liên tục đáp ứng những nhu cầu mới
Theo bà Vân, trọng tâm của Grab từ ngày thành lập đến nay luôn xoay quanh việc cung cấp những dịch vụ thiết yếu nhất cho cuộc sống hàng ngày của khách hàng. Khi dịch bệnh xuất hiện, câu hỏi với công ty là để tiếp tục phục vụ những nhu cầu thiết yếu đó trong điều kiện sinh hoạt mới, doanh nghiệp phải thay đổi ra sao.
“Chúng tôi tập trung vào hai câu chuyện. Thứ nhất, hoạt động vận hành phải an toàn hơn với chỉ đạo hạn chế tiếp xúc, giãn cách xã hội của Chính phủ. Thứ hai, công ty phải phát triển những dịch vụ đáp ứng nhu cầu mới của khách hàng. Đây là hướng đi giúp Grab tiếp tục duy trì hoạt động, phục vụ khách hàng và đảm bảo cơ hội thu nhập cho đối tác”, bà Vân cho biết.
Theo người đứng đầu Grab tại Việt Nam, trong thời gian cách ly xã hội, công ty vẫn làm việc chặt chẽ với đối tác tài xế để thay đổi thói quen chạy xe, sử dụng phương tiện di chuyển phù hợp nhằm tuân theo các chỉ đạo của Chính phủ.
Nhằm đảm bảo an toàn cho cả bác tài lẫn khách hàng trên những hành trình di chuyển trong mùa dịch, Grab đã triển khai các biện pháp như phát khẩu trang miễn phí, yêu cầu các đối tác tài xế khai báo thân nhiệt hàng ngày, đeo khẩu trang đúng cách trong suốt quá trình hoạt động, lắp màn ngăn bảo vệ trong xe, phun khử khuẩn phương tiện…
“Hai dịch vụ mới GrabMart và GrabAssistant được triển khai đến khách hàng trong thời gian ngắn nhất nhờ vào thế mạnh công nghệ và nền tảng siêu ứng dụng của Grab”, bà Hải Vân chia sẻ. |
Trước nhu cầu mua sắm trực tuyến thay vì đến trực tiếp cửa hàng, Grab đã ra mắt dịch vụ GrabMart và GrabAssistant.
“Việc chuyển đổi các hoạt động từ kênh offline sang online là xu hướng tất yếu và dịch bệnh lần này đã thúc đẩy người tiêu dùng thay đổi thói quen nhanh hơn. Hai dịch vụ mới GrabMart và GrabAssistant được triển khai đến với khách hàng trong thời gian ngắn nhất nhờ vào thế mạnh công nghệ và nền tảng siêu ứng dụng của Grab. Chiến lược này cho phép chúng tôi linh hoạt phát triển hệ sinh thái trong khi vẫn đảm bảo yếu tố đa dạng dịch vụ để thích ứng với những thay đổi của thị trường. Chúng tôi có thể tập trung mở rộng quy mô vài mảng dịch vụ, trong khi vẫn vận hành hiệu quả mạng lưới đối tác tài xế, đảm bảo họ có thể tăng thêm thu nhập”, bà Vân khẳng định.
CEO Grab Việt Nam cho hay song song với những nỗ lực công nghệ, công ty cũng tập trung đào tạo đối tác tài xế để họ kịp thời phục vụ dịch vụ mới. Các tài xế cũng nhiệt tình đón nhận khi những đơn hàng mua hộ này tạo thêm cơ hội thu nhập trong bối cảnh số lượng cuốc xe chở khách sụt giảm.
Trước đó, Grab cũng ra mắt tính năng giao hàng gián tiếp để nâng cao mức độ an toàn cho các dịch vụ giao nhận trong mùa dịch. Với phương phức này, đối tác tài xế sẽ đặt thức ăn tại vị trí đã được khách hàng chỉ định, thông báo đơn hàng đã đến qua cuộc gọi hoặc GrabChat, và đứng chờ khách ở khoảng cách 2-3 m.
Với hoạt động vận hành nội bộ, bà Vân cho biết công ty đã triển khai biện pháp an toàn từ rất sớm. “Đến nay, nền tảng Grab hoạt động thông suốt, ổn định 24/7 dù công ty làm việc từ xa. Hoạt động vận hành chưa bị ảnh hưởng, gián đoạn một ngày nào nhờ vào sự sáng tạo, linh động của toàn thể nhân viên”, nữ CEO nói.
Dành 70 tỷ hỗ trợ cộng đồng và đối tác chống dịch
Từ cuối tháng 3, Grab đã công bố dành ngân sách khoảng 70 tỷ đồng nhằm hỗ trợ Chính phủ và hỗ trợ tài chính trực tiếp cho một số đối tác nhà hàng, đối tác tài xế đang hoạt động, cũng như chung tay cùng cộng đồng phòng chống dịch Covid-19.
“Bằng sự hỗ trợ về lương thực, Grab mong có thể tiếp sức cho các đối tác tài xế bằng những bữa cơm no ấm, qua đó phần nào giúp họ cất bớt những gánh nặng, âu lo trong thời gian khó khăn này. Đây cũng là một trong những hoạt động nhằm thực hiện sứ mệnh “Grab vì cộng đồng” mà chúng tôi đã cam kết tại Việt Nam”, bà Vân chia sẻ.
Trong đó, Grab đã đóng góp 2 tỷ đồng vào Quỹ phòng chống Covid-19 của Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam TP.HCM.
Với gói hỗ trợ tài chính, đối tác tài xế hoạt động trên nền tảng của Grab sẽ nhận 100.000 đồng/ngày trong thời gian tối đa 14 ngày nếu phải cách ly theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Tùy vào tình hình dịch bệnh, Grab có chính sách đảm bảo duy trì thu nhập bình quân tương đương trung bình những tháng trước dịch cho các đối tác tài xế có hiệu suất hoạt động cao và đã hoạt động trên nền tảng Grab trong một thời gian dài.
Bà Nguyễn Thái Hải Vân soạn và xếp gọn các túi gạo, thùng mì ăn liền, chuẩn bị trao tận tay các đối tác tài xế. |
Mới đây, để hỗ trợ thêm nhu yếu phẩm cho tài xế, Grab đã đồng hành cùng Co.op Food trao tặng gần 80 tấn gạo và 8.000 thùng mì gói cho các tài xế Grab. Ngoài ra, Đường sạch Cô Ba - một sản phẩm của TTC Sugar (Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hoà) đồng hành cùng Grab trao hàng nghìn phần quà gồm gạo và đường tặng tài xế công nghệ không phân biệt hãng, có hoàn cảnh khó khăn trên nhiều tỉnh, thành khắp cả nước.
Với đối tác nhà hàng, Grab hỗ trợ chi phí cho một số chuỗi thức ăn nhanh (QSR) và khoảng 500 nhà hàng dạng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMB) tại Hà Nội và TP.HCM thực hiện quảng cáo, khuyến mãi, tăng nhận diện truyền thông để thu hút thêm khách hàng, từ đó có thể tăng doanh thu. Riêng với các đối tác SMB đủ điều kiện, Grab cũng sẽ hỗ trợ một phần chi phí thuê mặt bằng, giúp đối tác duy trì hoạt động, phục vụ người dùng trong mùa dịch.
“Chúng tôi làm việc rất cởi mở, minh bạch với các đối tác nhà hàng để hiểu những khó khăn tài chính họ gặp phải. Có những đối tác sắp đến ngưỡng phải đóng cửa, Grab sẽ hỗ trợ một phần chi phí để họ có thể vượt qua 1, 2 tháng trong giai đoạn khó khăn này”, bà Vân chia sẻ.