Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ về tầm nhìn người Việt sử dụng dịch vụ điện toán đám mây của Việt Nam. Ảnh: VT. |
Các chuyên gia công nghệ thông tin từ lâu đã ví dữ liệu như dầu mỏ thế hệ mới, trở thành nhiên liệu để vận hành các loại máy móc số.
Chia sẻ tại một sự kiện vào chiều 14/10, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng ví dữ liệu như đất đai trên không gian mạng. Tuy nhiên, khác với các loại tài nguyên như đất đai chỉ ngày càng ít hơn, dữ liệu là loại tài nguyên ngày càng nhiều, gần như vô hạn.
"Khai thác, canh tác, xử lý dữ liệu sinh ra giá trị mới. Dữ liệu trở thành yếu tố đầu vào của sản xuất, giống như đất đai. Dữ liệu chính là đất đai trên không gian mạng. Trong thế giới thực thì đất đai là hữu hạn, nhưng trong thế giới số thì đất đai là vô hạn", Bộ trưởng TT&TT chia sẻ.
Từ tầm quan trọng của dữ liệu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh tầm quan trọng của hạ tầng điện toán đám mây của Việt Nam. Hiện tại, tới 80% thị phần điện toán đám mây Việt Nam thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam dùng hạ tầng điện toán đám mây Việt Nam. Bộ TT&TT khuyến nghị các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam thay vì tự đầu tư, vận hành hệ thống công nghệ thì chuyển lên sử dụng hệ thống điện toán đám mây, để tiết kiệm chi phí, an toàn và linh hoạt hơn.
"Bộ TT&TT kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam hãy trở về nhà mình, dùng hạ tầng điện toán đám mây Việt Nam. Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Bộ trưởng TT&TT chia sẻ.
"Việt Nam chọn hướng phát triển công nghệ số là công nghệ mở, mã nguồn mở. Mở là con đường đi mới của nhân loại", Bộ trưởng TT&TT giải thích về tầm quan trọng của công nghệ mở. Từ đó, người Việt không chỉ tiêu xài công nghệ mà còn sáng tạo công nghệ, đóng góp cho sự phát triển của nhân loại.
Tại buổi ra mắt hệ sinh thái Viettel Cloud, đại diện công ty này cho biết hệ sinh thái gồm 70 sản phẩm dịch vụ, trải từ mức hạ tầng vật lý tới các nền tảng dịch vụ AI, IoT.
Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel, cho biết đơn vị này đặt mục tiêu phổ cập điện toán đám mây giống như từng phổ cập điện thoại trong quá khứ, để mỗi tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam có kho dữ liệu trên nền tảng đặt tại Việt Nam, do kỹ sư Việt Nam nghiên cứu, triển khai, vận hành và đảm bảo an toàn thông tin.