Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ tại VIDW 2022. Ảnh: Minh Sơn. |
Tại buổi khai mạc Tuần lễ Số Quốc tế Việt Nam 2022 (VIDW 2022) sáng 11/10, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ về "cuộc di chuyển vĩ đại nhất, cũng là thách thức nhất trong lịch sử nhân loại", đó là chuyển từ thế giới thực vào thế giới số.
Nhận định rằng trong thế giới số, các quốc gia có thể gần nhau và ảnh hưởng lẫn nhau nhiều hơn, Bộ trưởng TT&TT cho rằng điều này đặt ra nhu cầu học hỏi để các quốc gia có thể sống cùng nhau, bởi mọi thứ, từ không gian, môi trường tới nguyên tắc, luật lệ đều mới.
"Cái mới không có ai đi trước để dạy bảo, mà chỉ còn cách là trao đổi và học hỏi lẫn nhau", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.
Chủ đề của Tuần lễ số Quốc tế đầu tiên tại Việt Nam cũng được lựa chọn là "Đối tác toàn cầu vì một tương lai số bền vững". Tại đây, đại diện của các quốc gia, khu vực sẽ chia sẻ những kinh nghiệm về chuyển đổi số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số...
Bộ trưởng TT&TT cũng chia sẻ thêm về công nghệ 5G, một trong những chủ đề chính tại VIDW 2022. Ông cho rằng 5G là một cú huých lớn để nhân loại chuyển lên môi trường số. Tại hội nghị, chủ đề được bàn luận là phương hướng thúc đẩy triển khai 5G, các khuyến nghị về lộ trình thực hiện 5G cho ASEAN trong giai đoạn từ nay đến 2025.
"Công nghệ số muốn phát huy cần hạ tầng số, đó là 5G, là điện toán đám mây. Các nước ASEAN từ 2019 đã tổ chức hội nghị thường niên về 5G. ASEAN cam kết đi cùng nhịp với thế giới về công nghệ mới. Không có lý do gì chúng ta lại đi sau. Cái mới luôn là cơ hội cho những nước đi sau vượt lên phía trước", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Tại phiên toàn thể diễn ra ngay sau đó, đại diện từ EU, Vương quốc Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam đã chia sẻ những kinh nghiệm về nền kinh tế số, nhân lực, chính sách số.
Trước đó, vào Ngày chuyển đổi số 10/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chia sẻ các thông điệp của Chính phủ về chuyển đổi số. Thủ tướng cũng đánh giá Việt Nam đạt được nhiều kết quả tích cực trong chuyển đổi số.
Tuy nhiên, để thực hiện chuyển đổi số một cách hiệu quả, thực chất vẫn cần chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự thay đổi phương thức quản lý, vận hành, quản trị xã hội.