Phà Cát Lái hướng từ huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) thường xuyên xảy ra ách tắc vào dịp cao điểm. Ảnh: Chí Hùng. |
UBND tỉnh Đồng Nai vừa có công văn gửi UBND TP.HCM về việc thống nhất bổ sung vào quy hoạch vị trí cầu kết nối giữa TP Thủ Đức, TP.HCM, với huyện Long Thành, Đồng Nai (cầu Đồng Nai 2), quy mô 6 làn xe, đầu tư giai đoạn 2026-2030.
Theo đó, UBND Đồng Nai đề nghị TP.HCM cập nhật kết nối vào tuyến đường ĐT.777B đã có trong quy hoạch sử dụng đất huyện Long Thành.
Đối với cầu kết nối phía nam TP.HCM với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai (cầu Phú Mỹ 2), Đồng Nai thống nhất bổ sung vào quy hoạch tuyến cầu. Vị trí thống nhất kết nối từ đường Nguyễn Hữu Thọ đi theo đường Hoàng Quốc Việt, vượt sông Đồng Nai theo hướng vuông góc sang Nhơn Trạch, cắt ngang khu dân cư Phú Hữu.
Phối cảnh cầu Cát Lái. Ảnh: Công ty CP Tư vấn Thiết kế GTVT phía Nam. |
Địa phương cũng đề xuất TP.HCM bổ sung quy hoạch cầu và đường dẫn phía bờ TP.HCM quy mô 8 làn xe đồng nhất với quy mô đường ĐT.769D (25C) đã được Đồng Nai quy hoạch để kết nối sân bay Long Thành đến khu vực phía nam quận 7 (TP.HCM)
Đồng Nai cũng thống nhất với TP HCM bổ sung cầu thay vì phà Cát Lái, quy mô 6 làn xe, đầu tư trước năm 2025.
Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn sau năm 2020, giao thông đường bộ kết nối TP.HCM - Đồng Nai sẽ có cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (cầu Long Thành - 8 làn xe), cao tốc Bến Lức - Long Thành (cầu Phước Khánh - 4 làn xe), quốc lộ 1A (cầu Đồng Nai - 8 làn xe), vành đai 3 (cầu Nhơn Trạch - 8 làn xe).
Tuy nhiên, đến nay, ngoài cầu Phước Khánh (cao tốc Bến Lức - Long Thành) và cầu Nhơn Trạch (vành đai 3 TP.HCM) đang triển khai, cầu Cát Lái nằm trong quy hoạch nhưng chưa được xây dựng.
Cầu Cát Lái được mong chờ giải quyết vấn đề tắc nghẽn giao thông tại khu vực cửa ngõ phía đông TP.HCM.
Lưu lượng xe ra vào cảng Cát Lái hiện vượt gần gấp đôi năng lực của các tuyến đường xung quanh. Khu vực này hiện có cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, nối TP.HCM với Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… Tuy nhiên, tuyến cao tốc này đang chịu áp lực giao thông rất lớn và chỉ dành cho ôtô lưu thông. Vì vậy, nhu cầu đi lại, kết nối giữa TP Thủ Đức (quận 2 cũ), TP.HCM với Đồng Nai cùng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, phụ thuộc nhiều vào phà Cát Lái.
Thế nhưng, lưu lượng xe qua phà cũng quá tải. Tình trạng trên khiến kẹt xe cục bộ thường xuyên xảy ra ở cả 2 đầu phà.
Cầu Cát Lái cũng mang nhiều kỳ vọng của tỉnh Đồng Nai. Trong bối cảnh cả khu vực phía đông của tỉnh dậm chân tại chỗ, phát triển ì ạch, dự án sân bay quốc tế Long Thành đang thi công và phải hoàn thành trong giai đoạn 5 năm tới thì khu vực phà Cát Lái không bắt kịp tốc độ phát triển.
Ngoài ra, việc xây cầu Cát Lái kết nối Đồng Nai - TP.HCM còn giúp năng lực vận tải từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến các tỉnh miền Tây tăng mạnh.
Phà Cát Lái là điểm di chuyển chủ yếu giữa TP.HCM với huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai. Đồ họa: Zing. |
Những cuốn sách hay về xã hội
Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.