Làm việc ở TP.HCM hơn 10 năm, hai vợ chồng chị Lê Thị Tuyết (36 tuổi, công nhân), mới tích góp đủ tiền mua căn nhà nhỏ sát xã Phú Đông, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai.
Từ ngày thoát khỏi cảnh ở nhà thuê chật hẹp trong thành phố, nữ công nhân cảm thấy dễ thở hơn. Song do đường di chuyển từ nhà đến nơi làm việc ở TP Thủ Đức không thuận tiện, chị Tuyết hàng ngày vẫn phải vạ vật chờ phà, di chuyển tới chỗ làm.
“Ngày nào tôi phải dậy sớm đi làm để tránh kẹt phà. Chỗ làm cách không xa nhưng từ đây qua đến TP.HCM còn bất tiện lắm”, chị Tuyết mong mỏi cầu Cát Lái sớm hoàn thành để chấm dứt cảnh chờ phà đi làm.
4 hướng kết nối mới
Việc đi lại khó khăn không chỉ với riêng vợ chồng chị Tuyết, vì với các khu vực khác của Đồng Nai hiện nay, người dân chỉ có thể đến TP.HCM trực tiếp bằng cầu Long Thành tại cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Hai hướng đi khác có thể cân nhắc là quốc lộ 51 và xa lộ Hà Nội, nhưng lộ trình này sẽ vòng vèo hơn rất nhiều.
TP.HCM và Đồng Nai bị chia cắt bởi các sông Đồng Nai, Lòng Tàu, Đồng Tranh và Thị Vải. Hiện nay, hướng kết nối giao thông đường bộ giữa TP.HCM và Đồng Nai hiện gián tiếp thông qua 3 tuyến nối Bình Dương là quốc lộ 1 qua cầu Đồng Nai; quốc lộ 1K qua Bình Dương kết nối với TP.HCM qua cầu Hóa An và đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Thực tế, các tuyến này đều đang quá tải.
Theo quy hoạch, giữa Đồng Nai và TP.HCM có thêm 3 cầu đường bộ đã và sẽ được đầu tư xây dựng kết nối liên địa phương, gồm: Cầu Phước Khánh thuộc dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, cầu Nhơn Trạch thuộc dự án đường vành đai 3 TP.HCM và cầu Cát Lái.
Trong đó, cầu Phước Khánh thuộc dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đang được xây dựng, kết nối trực tiếp TP.HCM và Đồng Nai.
Cầu Phước Khánh có thiết kế dây văng cao nhất nước, rộng 22 m với quy mô 4 làn xe, vận tốc 80-100 km/h. Hạng mục này thuộc gói thầu J3 - một trong 11 gói thầu xây lắp thuộc dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành. Tuyến cao tốc này đi qua Long An, TP.HCM và Đồng Nai, dài hơn 57 km với tổng đầu tư hơn 31.300 tỷ đồng.
Vị trí cầu Phước Khánh nối Đồng Nai - TP.HCM. Đồ họa: Nhân Lê. |
Cầu Nhơn Trạch bắc qua sông Đồng Nai dài 2,6 km với kinh phí 1.800 tỷ đồng, vừa được khởi công hôm 24/9. Đây là một trong 2 hạng mục chính thuộc dự án thành phần 1A vành đai 3 (đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch). Dự án 1A dài 8,7 km, tổng vốn đầu tư 6.900 tỷ đồng; trong đó có 6,3 km thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai, phần còn lại thuộc TP.HCM.
Cách cầu Nhơn Trạch hơn 5 km trên sông Đồng Nai, dự án cầu Cát Lái dự kiến kết nối TP Thủ Đức (TP.HCM) với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai). Dự án này có vốn đầu tư khoảng 7.200 tỷ đồng, đã được quy hoạch hàng chục năm nhưng đến nay vẫn nằm trên giấy, chưa thể chốt phương án hướng tuyến cuối cùng để khởi công xây dựng.
Trước đó, Sở GTVT tỉnh Đồng Nai đưa ra 5 phương án thay thế phà Cát Lái, và đề xuất đầu tư cầu Cát Lái cắt đường Nguyễn Lương Bằng, Huỳnh Tấn Phát, quận 7, vượt sông để nối tỉnh Đồng Nai, được đánh giá khả thi nhất.
Ngoài ra, hồi tháng 8, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đề nghị TP.HCM nghiên cứu xây thêm cầu nhằm tăng nối kết giao thông, kinh tế giữa hai địa phương. Nơi xây cầu được đề xuất trong phạm vi đoạn sông dài 15 km, từ cầu Đồng Nai trên quốc lộ 1 đến cầu Long Thành thuộc cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Đầu cầu phía Đồng Nai nối vào đường ĐT.777B (xã Tam An, huyện Long Thành).
Tăng kết nối, giảm ùn tắc
Đồng Nai và TP.HCM cùng nằm ở trung tâm của vùng Đông Nam Bộ, tuy nhiên, kết nối trực tiếp giữa hai địa phương này hiện chỉ có cầu Long Thành, thuộc dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Trong bối cảnh cầu Phước Khánh chưa hoàn thành, cầu Cát Lái vẫn chưa chốt phương án xây dựng, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn nhìn nhận việc khởi công dự án 1A vành đai 3 (bao gồm cầu Nhơn Trạch) là một bước tiến có ý nghĩa rất quan trọng.
Vị trí và phối cảnh cầu Cát Lái. Ảnh: Công ty CP Tư vấn Thiết kế GTVT phía Nam. |
Dự án này đóng vai trò kết nối Nhơn Trạch (Đồng Nai) - TP Thủ Đức (TP.HCM), giúp giảm thời gian vận tải giữa các địa phương. Khi hoàn thành, dự án góp phần phân luồng từ xa và giảm ách tắc cho các tuyến đường nội đô TP.HCM.
Về lâu dài, dự án này cũng là tuyến đường kết nối với sân bay Long Thành, giúp giảm tải đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; tăng cường tính kết nối các đô thị vệ tinh, mở rộng không gian phát triển quỹ đất, dịch vụ, thương mại, công nghiệp, logistics... cho các tỉnh, thành trong khu vực.
TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, nêu thực tế hiện nay, từ Biên Hòa vào nội thành TP.HCM và ngược lại có thể mất gần 2 giờ do lưu lượng xe tải, xe container quá lớn. Trong khi đó, cả vùng công nghiệp phía Bắc từ Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai đều cần thiết nối với các khu vực cảng.
Hướng tuyến vành đai 3 TP.HCM. Đồ họa: Minh Trí. |
“Việc di chuyển chủ yếu của dòng xe hiện nay là qua xa lộ Hà Nội để đến cảng Cát Lái hoặc đi theo quốc lộ 51 để đến Thị Vải, Cái Mép. Nếu có vành đai 3 sẽ giảm lưu lượng qua các trục đường này, kết nối các vùng công nghiệp với các cảng biển, đồng thời, giải tỏa trực tiếp cho xa lộ Hà Nội, tiết kiệm thời gian lưu thông”, theo TS Võ Kim Cương.
Ông đánh giá việc khởi động dự án vành đai 3 là tín hiệu rất tốt, phát triển trục giao thông này còn tạo điều kiện để phát triển quỹ đất 2 bên đường tại khu vực dự án đi qua.
Cùng với tín hiệu khả quan này, những người lao động như chị Tuyết, hay những công nhân khác ở Đồng Nai nhưng làm việc ở TP.HCM hoặc ngược lại, sẽ có thêm hy vọng về một cây cầu mới giúp con đường mưu sinh hàng ngày của họ bớt phần khó khăn, vất vả.