- Năm 2015 chứng kiến hàng loạt sự kiện kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ. Ông ấn tượng nhất với những sự kiện nào?
- Đối với tôi, năm vừa qua có hai sự kiện rất quan trọng trong mối quan hệ hai nước. Đầu tiên là chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thủ đô Washington, D.C. vào tháng 7/2015. Chuyến đi thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau giữa hai chính quyền, mỗi bên cũng tôn trọng sự khác biệt về hệ thống chính trị của hai nước. Ngoài ra, việc này cũng thể hiện sự cam kết giữa hai bên trong việc phát triển hơn nữa quan hệ song phương theo đúng tiềm năng.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius phát biểu tại hội thảo khép lại kỷ niệm 20 năm quan hệ Việt - Mỹ diễn ra ngày 14/1. Ảnh: BTC |
Sự kiện quan trọng thứ hai, theo tôi, là việc đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã kết thúc. Điều này đặt ra nền tảng lâu dài cho mối quan hệ trong tương lai. Một số ý kiến đã đề cập đến khái niệm “đồng minh kinh tế”. Một trong những lĩnh vực hợp tác lâu dài giữa hai nước là đầu tư thương mại.
Ngoài ra, bên cạnh những thoả thuận kinh tế còn là quan điểm chiến lược của Việt Nam trong quá trình đẩy mạnh hội nhập toàn diện với thế giới, và Mỹ ủng hộ quá trình này. Chúng tôi ủng hộ sự thành công của Việt Nam. Tôi cho rằng cả hai sự kiện trên, gồm chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và việc kết thúc đàm phán TPP, đều góp phần vào sự thành công của Việt Nam.
- Theo ông, mối quan hệ Việt - Mỹ sẽ tiếp tục phát triển trong giai đoạn tới như thế nào?
- Có rất nhiều cơ hội, đặc biệt qua các mối quan hệ nhân dân, giữa con người với nhau, cụ thể về hợp tác về giáo dục và thương mại. Chúng tôi sẽ tận dụng những cơ hội này. Cả hai nước đều nhận thấy đây là lợi ích chung trong việc tận dụng các cơ hội để phát triển quan hệ vươn xa hơn nữa. Quá trình này còn là một chặng đường dài phía trước.
- Vai trò của Việt Nam trong chính sách của Mỹ ở châu Á là gì?
- Việt Nam là quốc gia trung tâm ở Đông Nam Á. Chính sách “Tái cân bằng” của Mỹ tại châu Á còn là tái cân bằng từ Đông Bắc Á sang Đông Nam Á. Việt Nam chính là nước nằm ở trung tâm khu vực này, với hơn 3.000 km bờ biển dọc Biển Đông. Bên cạnh đó, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong ASEAN, tỷ lệ tăng trưởng thuộc nhóm nước nhanh nhất ở khu vực với khoảng 7%.
Việt Nam cũng là đối tác có chung nhiều mối quan tâm với Mỹ. Do vậy, mối quan hệ đối tác vững mạnh là điều tích cực với cả Mỹ lẫn Việt Nam. Việc phát triển mối quan hệ này đến tầm mới và tương xứng với tiềm năng sẽ mang lại lợi ích cho cả hai nước.
Quan hệ chính trị bình thường và đầy đủ
Về chính sách quan hệ với Mỹ của Việt Nam, ông Bùi Thế Giang, Vụ trưởng Vụ Tây Âu - Bắc Mỹ, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, nói: "Chính sách đối ngoại của Việt Nam nêu rất rõ, một trong những ưu tiên hàng đầu là quan hệ với các nước lớn. Mỹ không chỉ là một nước lớn, mà đây chính là siêu cường duy nhất. Do đó, Mỹ là 'ưu tiên trong ưu tiên'.
Sau 20 năm bình thường hoá quan hệ, Việt Nam và Mỹ đã có quan hệ trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều tầng lớp phát triển, nhưng quan trọng nhất là về mặt chính trị.
Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi tháng 7/2015 đánh dấu lần đầu tiên một Tổng Bí thư của Việt Nam sang Mỹ. Ở nước ta, Tổng Bí thư không chỉ là Tổng Bí thư của Đảng mà còn là người cao nhất trong hệ thống chính trị.
Như vậy, năm 2015 vừa qua chính là dấu mốc ý nghĩa đánh dấu quan hệ chính trị giữa hai nước đã bình thường một cách đầy đủ.
Rõ ràng, khi quan hệ chính trị giữa hai bên đã bình thường và đầy đủ sẽ tạo nền tảng, cơ sở để chúng ta phát triển, mở rộng trên những lĩnh vực khác, ở tầm mức khác. Khi đó, quan hệ đối tác toàn diện mới thực sự được triển khai một cách đầy đủ. Tôi cho rằng, quan hệ Việt - Mỹ trong thời gian tới đã đủ cơ sở để có hành động tích cực".
Ngày 14/1, Hội nghị quốc tế “20 năm quan hệ Việt - Mỹ: Triển vọng hợp tác kinh tế giáo dục và tiếp theo Hiệp định TPP” được tổ chức tại TP HCM, quy tụ nhiều quan chức và chuyên gia của hai nước. Sự kiện do Trung Tâm nghiên cứu Chiến lược quốc tế (CSIS, Mỹ) và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế (CSSD, Việt Nam) tổ chức. Đây là sự kiện để khép lại kỷ niệm 20 năm quan hệ Việt - Mỹ và thảo luận, trao đổi, bàn về tầm nhìn đối với quan hệ hợp tác chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư và giáo dục Việt Mỹ trong tương lai.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận vấn đề quan trọng nhất vẫn là bàn về chương mới của quan hệ giữa hai nước, về câu chuyện Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ mở ra cơ hội phát triển cho Việt Nam mạnh mẽ như thế nào trong đầu tư và thương mại giữa Việt Nam và Mỹ.