Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại sứ Mỹ: TPP tăng cường quan hệ kinh tế Mỹ - Việt

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius khẳng định, TPP thể hiện một bước tiến quan trọng nhằm tăng cường quan hệ kinh tế giữa hai nước Việt Nam và Mỹ.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius. Ảnh: Hồng Duy

"Tôi rất vui mừng về việc kết thúc thành công các cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Xin chúc mừng các đoàn đàm phán của chúng ta đã làm việc vất vả trong thời gian dài để đạt được điều này", thông cáo báo chí của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội dẫn lời ông Osius cho biết.

Theo ngài Đại sứ, với thành tích ấn tượng này, Mỹ và Việt Nam sẵn sàng trở thành đối tác trong một khối thương mại đại diện cho gần 40% GDP toàn cầu.

"TPP là một hiệp định thương mại cân bằng, đầy tham vọng, toàn diện, và tiêu chuẩn cao. Hiệp định thể hiện một bước tiến quan trọng nhằm tăng cường quan hệ kinh tế giữa hai nước cũng như thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ song phương trong năm kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ", ông Osius chia sẻ.

Vị đại sứ khẳng định, Mỹ mong muốn được hợp tác với các đối tác ở Việt Nam và các nước thành viên TPP khác để thực thi hiệp định lịch sử này. Hiệp định có sức mạnh hỗ trợ việc làm, tạo ra những cơ hội mới, thúc đẩy một hệ thống kinh tế toàn cầu công bằng, và thay đổi cuộc sống của hàng trăm triệu người để đảm bảo tiếp tục có hòa bình và ổn định trong một thế giới thay đổi nhanh chóng.

Trước đó, tại cuộc họp báo ở tư dinh cuối tháng 6 vừa qua, Đại sứ Osius khẳng định Việt Nam được hưởng lợi rất lớn từ TPP.

"TPP mang lại rất nhiều lợi ích cho Việt Nam, trong đó rõ ràng nhất là GDP hàng năm có thể tăng 30%. Việc tham gia vào hiệp định này sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu hội nhập quốc tế toàn diện", ông nói.

Nigel Cory, Trưởng bộ phận Nghiên cứu về Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho rằng ngành may mặc là ví dụ điển hình cho tác động của TPP tới Việt Nam. Hiệp định sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu may mặc và giày dép của Việt Nam đạt 165 tỷ USD tới trước năm 2025. Nếu không có TPP, con số này chỉ dừng ở mức 113 tỷ USD.

Khi TPP có hiệu lực, mức thuế suất hàng dệt may từ Việt Nam sang Mỹ có thể giảm xuống gần bằng 0%, thay vì 17% như hiện nay. Trước đó, Mỹ và Việt Nam cũng cơ bản hoàn tất các đàm phán xung quanh tiến trình giảm thuế đối với mặt hàng xuất khẩu được coi là thế mạnh của Việt Nam.

Hoàn tất đàm phán hiệp định thế kỷ TPP

Bộ trưởng của 12 nước thành viên TPP chính thức tuyên bố kết thúc đàm phán và đạt được thoả thuận cuối cùng cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương.

'Việt Nam và Mỹ hưởng lợi nhiều nhất từ TPP'

Một học giả trao đổi với Zing.vn, Mỹ hưởng lợi lớn nhất từ TPP về giá trị tuyệt đối thêm cho nền kinh tế trong khi Việt Nam có lợi nhiều nhất nếu tính trên tỷ lệ % GDP tăng thêm.

Hồng Duy

Bạn có thể quan tâm