GS Peter Petri, ĐH Brandeis (Mỹ): Cú hích cho thương mại toàn cầu
Đây là một ngày tốt lành cho hệ thống thương mại thế giới.
GS Peter Petri, ĐH Brandeis (Mỹ). Ảnh: Iie.com |
TPP là hiệp định thương mại lớn đầu tiên kể từ năm 1994 khi vòng đàm phán Uruguay kết thúc (dẫn tới hình thành WTO). Hiệp định giải quyết một loạt vấn đề lớn tích lũy kể từ đó đến nay từ các lĩnh vực công nghệ, dịch vụ, đầu tư, điều hành và một loạt lĩnh vực khác. TPP đến vào thời điểm quan trọng – khi tăng trưởng thương mại thế giới đang chậm lại và kinh tế thế giới cần một cú hích.
Thoả thuận đạt được mới chỉ là khởi đầu. Nó sẽ còn cần được 12 nước phê duyệt. TPP sẽ có tác động từ từ - trong một số lĩnh vực sẽ cần tới cả thập kỷ. Nhưng nó sẽ đẩy nhanh các thoả thuận thương mại khác ở châu Âu, châu Á và các nơi khác.
Như vậy hệ thống thương mại toàn cầu có thể cải thiện một lần nữa và mọi người sẽ có lợi từ nó. Trong TPP, nghiên cứu của chúng tôi đánh giá các nước đang phát triển như Việt Nam, Malaysia và Peru sẽ có lợi nhất nếu tính theo tỷ lệ tăng trưởng – mỗi năm có thể tăng thêm 1% tăng trưởng trong thập kỷ tới. Họ cũng sẽ phải đối mặt với những vấn đề khó khăn (như vấn đề lao động ở Việt Nam). Nhưng có vẻ họ đã sẵn sàng làm vậy để hiện đại hoá nền kinh tế của mình.
Ở Việt Nam, sản phẩm nông nghiệp ngày càng chịu nhiều sức ép cạnh tranh hơn, nhưng các lợi ích – ví dụ từ ngành dệt may, sản xuất đồ điện tử - sẽ lớn hơn phần tổn thất. Đương nhiên, việc chính phủ phải giúp đỡ những người bị ảnh hưởng là điều rất quan trọng.
Việt Nam sẽ phải nghiên cứu thoả thuận này rất kỹ để giúp các doanh nghiệp của họ có lợi từ TPP. Các doanh nghiệp đối tác ở Mỹ, Nhật cũng mong muốn điều này và sẽ muốn giúp các doanh nghiệp Việt.
Fred Burke, Giám đốc điều hành hãng luật Baker McKenzie tại Việt Nam
Ông Fred Burke. Ảnh: Cafe.vn |
Các nhà đàm phán TPP đã làm việc rất tích cực trong suốt hơn 5 năm qua để đạt được một thoả thuận khung mới cho thương mại quốc tế mà vượt xa nền tảng của hệ thống WTO hiện nay. TPP không những sẽ tạo ra hàng triệu việc làm mới cho công nhân 12 nước mà sẽ còn khuyến khích việc quan tâm tới các vấn đề về môi trường cũng như lao động, điều giúp cho thoả thuận khung này mang tính lâu dài cho nhiều thế hệ tương lai.
Giữa Mỹ và Việt Nam, TPP là thoả thuận mà cả hai bên đều có lợi. Mỹ sẽ là nước giành được lợi nhiều nhất về giá trị tuyệt đối thêm cho nền kinh tế trong khi Việt Nam là nước đạt lợi nhiều nhất nếu tính trên tỷ lệ % GDP tăng thêm.
Quá trình đàm phán khéo léo và chủ động của Việt Nam với TPP và các hiệp ước đa phương khác có thể giúp Việt Nam trở thành trung tâm mới khi chuỗi cung cấp vùng tái cấu trúc trong thập kỷ tới.
Về những khó khăn hơn đối với thị trường, như thị trường nông sản, người tiêu dùng Việt sẽ có thêm lựa chọn, trong khi với nguồn cung cấp thì sẽ có thêm cạnh tranh.
Các trang trại gia đình ở Việt Nam sẽ phải tìm cách mới để thuyết phục khách hàng của mình mua sản phẩm chứ không thể chỉ dựa vào giá được nữa. Dựa vào kinh nghiệm của châu Âu, các sản phẩm nông sản truyền thống có thể cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài dựa vào chất lượng an toàn thực phẩm.
Tóm lại, nếu các nhà sản xuất Việt có thể giành được niềm tin của người tiêu dung, họ sẽ luôn tồn tại. Hơn thế, Việt Nam có lợi thế tự nhiên khi có rất nhiều loại thực phẩm mà họ có thể sử dụng và trong nhiều thập kỷ tới, về tổng thể Việt Nam vẫn có lợi. Việt Nam đã là nhà sản xuất tầm cỡ toàn cầu với xuất khẩu gạo, café, hạt điều, tiêu… Hãy tưởng tượng cơ hội sẽ lớn thế nào khi Nhật sẽ buộc phải gỡ các hàng rào thuế quan tới 700% của thị trường gạo nước họ.