Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bill Clinton: 'Việt - Mỹ hãy nắm lấy tay nhau'

20 năm sau tuyên bố bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, ngày 2/7, cựu tổng thống Bill Clinton đã đến Hà Nội với thông điệp "hãy tiếp cận nhau bằng vòng tay mở rộng".

Lễ kỷ niệm Quốc khánh Mỹ và 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao tại Hà Nội tối 2/7 có sự hiện diện của vị khách đặc biệt - ông Bill Clinton. Tham dự buổi lễ còn có Phó thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh, Đại sứ Mỹ Ted Osius và hơn 1.000 quan khách.

20 năm trước (11/7/1995), Tổng thống Bill Clinton và Thủ tướng Võ Văn Kiệt chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao, mở ra chương mới trong lịch sử hai quốc gia. Theo Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, trong lịch sử bang giao của hai dân tộc, 20 năm là khoảng thời gian ngắn, nhưng quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã đạt được những bước tiến ấn tượng. 

Nhấn mạnh vai trò của cựu tổng thống Bill Clinton, ông Phạm Bình Minh bày tỏ: "Xin cảm ơn ngài đã vượt vạn dặm xa xôi để đến tham dự sự kiện quan trọng này".


Đại sứ Mỹ Ted Osius, Cựu tổng thống Bill Clinton và Phó thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh dự sự kiện mừng Quốc khánh Mỹ và 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Ảnh: Minh Hoàng

Ông Bill Clinton bước lên bục trong tràng pháo tay kéo dài và bài phát biểu của ông sau đó nhiều lần ngắt quãng bởi sự tán thưởng của cử tọa. Theo ông Clinton, có nhiều lý do khi quyết định bình thường hóa quan hệ với Việt Nam năm 1995, bao gồm lý do cá nhân, chính trị và địa chính trị. Tuy nhiên, ký quyết định bình thường hóa quan hệ với Việt Nam là một trong những thành tựu quan trọng nhất của ông.

"20 năm trước đây, khi nói đến bình thường hóa quan hệ giữa hai quốc gia, mọi thứ đều rất khó khăn. Chúng tôi gần như ai cũng biết một người nào đấy bị thương ở chiến trường Việt Nam. Ai cũng nghĩ đó là điều điên rồ. Tuy nhiên, khi những người bạn Việt Nam chấp nhận chúng tôi, và chúng tôi chấp nhận những người bạn Việt Nam thì thực sự chúng ta đã giải phóng được chính mình", ông Clinton nói.

Cựu tổng thống Mỹ hồi tưởng về lần đầu tiên đến Việt Nam - năm 2000. Khi đó, ông và phu nhân xuống một khu vực tìm kiếm hài cốt của phi công Mỹ tử nạn trong chiến tranh, cùng đoàn có con của viên phi công này.

Nhìn thấy những người Việt Nam lăn lộn trong bùn để tìm những mảnh xương còn sót lại của một quân nhân Mỹ, nhiều người không thể cầm được nước mắt. “Hillary, đứng cạnh tôi lúc đó, nói rằng trong đời chưa từng nhìn thấy cảnh tượng nào như thế”, ông Clinton nhớ lại.

20 năm trước, thương mại Việt - Mỹ chỉ là 500 triệu USD nhưng nay đã tăng lên 35 tỷ USD. Việt Nam đã vượt Thái Lan trong số các nước Đông Nam Á xuất khẩu lớn nhất vào thị trường Mỹ. 17.000 sinh viên Việt Nam hiện theo học tại các trường đại học Mỹ, lớn hơn số lượng sinh viên đến từ hai nước láng giềng Canada, Mexico. Cựu tổng thống hy vọng, trong chuyến thăm tới đây, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ hài lòng với những gì ông nhìn thấy ở nước Mỹ.

“Tổng thống Obama đang mong muốn thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ này thông qua Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tôi cũng rất hy vọng hiệp định này nhận được sự ủng hộ của cả 2 đảng trong Quốc hội Mỹ giống như kế hoạch bình thường hóa quan hệ mà tôi thực hiện cách đây 20 năm. Nếu vượt qua được những rào cản một cách minh bạch thì tôi rất hy vọng chúng ta sẽ đạt được một thỏa thuận mà người dân Mỹ chào đón”, ông Clinton nói.

Trong phần cuối bài phát biểu, cựu tổng thống Mỹ chia sẻ về thượng nghị sĩ Fulbright - người hết lòng ủng hộ cho Việt Nam và Đông Nam Á. Tới đây, chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright sẽ trở thành Đại học Fulbright, trường đại học tư nhân, phi lợi nhuận đầu tiên ở Việt Nam.

“Tôi xin được trích dẫn câu nói của người thầy từ nửa thế kỷ trước để tóm gọn lại những gì mà Mỹ và Việt Nam đang cố gắng đạt được. Chúng ta phải làm sao để xã hội trở thành hình mẫu của sự hạnh phúc, thay vì trả đũa hãy nắm lấy tay nhau, tiếp cận với nhau không phải bằng nắm đấm mà là những vòng tay mở rộng", ông Clinton kết thúc, trong tràng pháo tay vang dội.

Bill Clinton: "Việt - Mỹ hãy nắm lấy tay nhau". Ảnh: Minh Hoàng

Ngay sau khi trở thành tổng thống thứ 42 của nước Mỹ, ông Clinton đã rất quan tâm tới vấn đề cải thiện quan hệ với Việt Nam. Tháng 2/1992, lực lượng hỗn hợp tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh (JTF-FA) được thành lập với mục tiêu hoàn tất thống kê về số người Mỹ mất tích trong Chiến tranh Việt Nam.

Một năm sau, chính quyền Clinton mở đường cho Việt Nam nối lại các khoản vay từ Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Ngày 3/3/1994, Clinton dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại với Việt Nam và tuyên bố bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ năm 1995.

Năm 2000, Bill Clinton trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam sau năm 1975. Sau khi rời Nhà Trắng, ông tiếp tục trở lại Việt Nam trong các cương vị khác nhau lần lượt vào năm 2006, 2010, 2014 và 2015.

Bill Clinton: Việt Nam có vị trí đặc biệt trong trái tim tôi

Ông Bill Clinton nói một trong những khoảnh khắc tự hào trong nhiệm kỳ tổng thống là việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, đất nước luôn có vị trí đặc biệt trong trái tim ông.

 

Những chuyến thăm Việt Nam ý nghĩa của Bill Clinton

Trên vai trò nguyên thủ hay với tư cách cá nhân, tổng thống thứ 42 của Mỹ đều góp phần quan trọng trong tiến trình tăng cường quan hệ song phương Việt - Mỹ.

Hồng Duy

Bạn có thể quan tâm