Một số doanh nghiệp xin đóng cửa tạm ngừng kinh doanh tập trung tại khu vực phía Nam. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Mới đây, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp khẩn với 31 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn và bảo đảm nguồn cung cho thị trường.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ hiện nay, vấn đề quan trọng nhất là nguồn cung. "Nguồn trong nước đang chiếm 70-80%, tức vẫn phải nhập khẩu 20-30% nhưng hiện nay nguồn cung từ nước ngoài về Việt Nam lại gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã thua lỗ trong thời gian dài nên ảnh hưởng lớn đến hoạt động nhập khẩu", ông nhận định.
Vì vậy, phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong đó phải tính đúng, đủ chi phí thực tế của doanh nghiệp, có chính sách hỗ trợ về hạn mức tín dụng, lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ...
Tạm giữ giấy phép gây thiệt hại lớn
Về phía doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, bà Phạm Thị Băng Trang - Tổng giám đốc Tổng công ty thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ - chia sẻ thời gian qua, các doanh nghiệp đầu mối đều gặp khó khăn. Tại Bình Dương, các cây xăng đóng cửa có nhiều nguyên nhân, trong đó không phải chỉ có nguyên nhân do thiếu hụt xăng dầu mà còn do một số cây xăng đã đóng cửa từ trước hoặc không đủ điều kiện kinh doanh.
"Mấy ngày nay, xảy ra tình trạng khan hiếm nên người dân đổ dồn vào những cây xăng trên trục đường chính. Còn cây xăng trên trục đường nhỏ không xảy ra tình trạng ùn ứ, khan hàng", bà Trang chia sẻ.
Tương tự, bà Trần Thị Tuyết Mai, đại diện Công ty TNHH Vận tải Thủy bộ Hải Hà, khẳng định nguồn cung xăng dầu không thiếu mà do doanh nghiệp đang lỗ lớn do chi phí thực tăng cao nên không thể nhập khẩu về được.
"Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng, liên Bộ Tài chính - Công Thương xem xét, cân đối lại, chấp nhận các chi phí thực tế mà doanh nghiệp bỏ ra. Bởi công thức tính giá đã được quy định từ năm 2014 và đang biến động rất lớn", bà nói.
Các doanh nghiệp nhập khẩu đã chỉ ra những bất cập khiến thị trường gặp tình trạng thiếu xăng dầu. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Bà cho biết hiện nay, phí nhập khẩu đang tăng cao. Đơn cử, quý I chi phí là 306 đồng/lít, quý II là 450 đồng/lít, quý III là 967 đồng/lít, tức bình quân, doanh nghiệp đang lỗ 667 đồng/lít. Sang quý IV, doanh nghiệp lỗ 1.100 đồng/lít.
Do đó, lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối này đề nghị các cơ quan chức năng nên điều chỉnh 6 tháng/lần chi phí thực tế của doanh nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trong quá trình kiểm tra, nếu có sơ suất thì tạo điều kiện cho doanh nghiệp khắc phục.
Đề nghị cơ quan chức năng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trong quá trình kiểm tra, nếu có sơ suất thì tạo điều kiện cho doanh nghiệp khắc phục.
Bà Trần Thị Tuyết Mai - Công ty TNHH Vận tải Thủy bộ Hải Hà.
Là một trong 7 doanh nghiệp bị tạm giữ giấy phép trong 45 ngày, ông Nguyễn Văn Thắng - Phó giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil - chia sẻ sau 45 ngày tạm giữ giấy phép, việc đứt gãy nguồn cung cục bộ sẽ xảy ra.
Năm ngoái, Xuyên Việt Oil là doanh nghiệp đứng thứ 2 về mức đóng thuế ở TP.HCM. Do đó, việc tạm giữ giấy phép gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp mất hết uy tín.
"Công ty đã có giải trình rất kỹ với lực lượng quản lý thị trường về những khó khăn của việc tước giấy phép sẽ xảy ra đối với doanh nghiệp, kể cả trong việc vay vốn và ký kết các hợp đồng nước ngoài", ông nhấn mạnh.
Kiến nghị điều chỉnh chi phí hàng tháng
Để tháo gỡ khó khăn, cũng như đảm bảo nguồn cung xăng dầu thị trường, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đều cho rằng cần phải rà soát lại chi phí.
Ông Nguyễn Văn Tuấn Quỳnh - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Long Hưng kiến nghị Bộ Tài chính cần nghiên cứu định mức chi phí. Đối với định mức premium nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài về, nên điều chỉnh hàng tháng để sát tình hình thị trường.
"Chi phí định mức trong nước đề nghị điều chỉnh 6 tháng, mặc dù đã điều chỉnh nhưng chưa đúng với thực tế vì đây là nền tảng cho việc tạo nguồn", ông đề xuất.
Cũng liên quan đến chi phí, ông Trần Ngọc Năm - Phó tổng giám đốc Petrolimex - cho hay chi phí vận chuyển của các thương nhân đầu mối năm nay rất cao gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp mong muốn liên Bộ Công Thương - Tài chính chia sẻ với khó khăn này của doanh nghiệp để có phương án tháo gỡ.
"Bên cạnh đó, các bộ cần tăng cường quản lý hệ thống, quản trị ứng dụng công nghệ thông tin để nắm được vùng thị trường hàng hóa, có căn cứ điều hành. Đồng thời, cần có định hướng truyền thông tốt để tránh việc nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng không tốt đến thị trường", ông nói.
Chia sẻ những khó khăn với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, ông Nguyễn Văn Truyền - Phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng trong cơ cấu giá cơ sở, giá thế giới chiếm 60%, giá này phụ thuộc hoàn toàn giá thế giới.
Người dân TP.HCM ùn ùn đi đổ xăng sáng 10/10. Ảnh: Quỳnh Danh. |
"Về chi phí, theo quy định, tại mỗi kỳ điều hành, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương điều hành giá phù hợp nhất, cân đối lợi ích doanh nghiệp, người tiêu dùng. Về mặt trách nhiệm, theo pháp luật, Bộ Tài chính thực hiện tương đối đầy đủ, như hướng dẫn cơ cấu giá, phân tích trích lập quỹ bình ổn giá và thông báo các chi phí định mức", ông nói.
Đối với chi phí định mức đưa xăng dầu từ nước ngoài về, ông cho biết định kỳ hàng năm, Bộ Tài chính thông báo 2 lần vào ngày 10/1 và ngày 10/7. Từ khi Nghị định 95 ra đời, Bộ Tài chính có thông báo, điều chỉnh đúng thực tế.
Tuy nhiên, từ ngày 10/7 đến nay, thị trường xăng dầu diễn biến quá bất thường, dẫn đến chi phí thay đổi, không đáp ứng được thực tế, ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Còn chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về cảng và premium trong nước vừa được điều chỉnh ngày 11/10.
"Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cùng Vụ Thị trường trong nước nghiên cứu những đề xuất và thời hạn điều chỉnh để có biện pháp tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp", ông Truyền nhấn mạnh.