Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ Công Thương: Doanh nghiệp thua lỗ triền miên gây nên thiếu xăng dầu

Theo Bộ Công Thương, việc kinh doanh thua lỗ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cắt giảm sản lượng kinh doanh, từ đó thiếu nguồn cung cục bộ ở một số nơi.

Tính đến 11/10, TP.HCM có 137 cửa hàng hết xăng. Ảnh: Quỳnh Danh.

Chiều 12/10, Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, trọng tâm là cung cấp thông tin về vấn đề xăng dầu. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh hàng loạt cửa hàng xăng dầu tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam khan hiếm nguồn cung, buộc phải tạm ngừng kinh doanh.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu xăng dầu

Mở đầu họp báo, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước - cho biết thời gian qua có hiện tượng một số doanh nghiệp xin đóng cửa tạm ngừng kinh doanh tập trung tại khu vực phía Nam.

Nguyên nhân là từ đầu năm 2022 đến nay thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá cả biến động lớn ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Hơn nữa, trong quý II, do lo ngại nguồn cung thiếu hụt từ Nghi Sơn, doanh nghiệp đầu mối đẩy mạnh nhập khẩu giữa bối cảnh giá cả thế giới tăng cao, từ đó dẫn đến tình trạng thua lỗ.

Trong quý III, việc giá xăng dầu thế giới quay đầu giảm mạnh khiến giá bán lẻ trong nước cũng đảo chiều, đẩy doanh nghiệp thua lỗ lớn buộc phải thu hẹp hoạt động kinh doanh, nhập khẩu cầm chừng. Tình trạng một số doanh nghiệp bị tước giấy phép tạm thời hay không thực hiện được thông quan do chưa kết nối phần mềm kiểm tra điện tử cũng là yếu tố tác động đến thị trường trong nước.

khan hiem xang dau anh 1

Họp báo Bộ Công Thương chiều 12/10. Ảnh: Minh Khánh.

Việc kinh doanh thua lỗ từ tất cả các khâu từ đầu mối, phân phối cho đến đại lý buộc doanh nghiệp phải giảm chiết khấu để hạn chế hoạt động lấy hàng của đại lý bán lẻ, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thua lỗ và cắt giảm sản lượng kinh doanh.

Việc giá xăng dầu thế giới quay đầu giảm mạnh khiến giá bán lẻ trong nước cũng đảo chiều, đẩy doanh nghiệp thua lỗ lớn buộc phải thu hẹp hoạt động kinh doanh, nhập khẩu cầm chừng.

Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường Trong nước (Bộ Công Thương)

Ngoài ra, tỷ giá hối đoái giữa USD và VNĐ tăng ảnh hưởng đến giá nhập khẩu, khó tiếp cận nguồn ngoại tệ khiến đầu mối không đủ tài chính để nhập hàng với khối lượng như trước, chủ yếu duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối trực thuộc và lượng dự trữ tồn kho theo quy định.

Chi phí đưa xăng dầu về Việt Nam tăng cao trong khi chi phí này chưa tính đủ vào giá cơ sở do Nhà nước điều hành nên doanh nghiệp hạn chế nhập khẩu để giảm thua lỗ.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp đầu mối phía Nam bị tước giấy phép trong khoảng 1-1,5 tháng dẫn đến thiếu hụt nguồn cung cục bộ. Cuối cùng, việc mưa bão ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển hàng từ nhà máy sản xuất trong nước, từ đó làm chậm nguồn cung hàng.

Thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà chi phí cơ cấu tính giá. Sau ngày 11/10, Bộ đã bước đầu ra soát và điều chỉnh chi phí. Tuy nhiên hiện nay chi phí tiếp tục tăng rất mạnh, theo đó Bộ sẽ tiếp tục tính toán với Bộ Tài chính tăng chi phí cơ sở. Bộ cũng đề nghị 2 nhà máy lọc dầu giao hàng nhanh cho các doanh nghiệp đầu mối đang gặp khó khăn về nguồn cung, bán hàng tại khu vực thiếu hàng cục bộ.

Đặc biệt, Bộ chỉ đạo tăng sản lượng sản xuất xăng cho thị trường trong nước. Rà soát nhập khẩu, tổng nguồn và có phân giao phù hợp cho thương nhân đầu mối trong quý IV. Kết hợp rà soát sửa đổi trong việc điều hành giá xăng dầu như tăng quyền cho doanh nghiệp đầu mối, tăng thời gian điều hành, quyền của công ty con về vấn đề phân phối. Bộ đề nghị UBND các tỉnh tạo điều kiện thông quan, nhập khẩu hàng hóa, đồng thời cho xe chở xăng dầu được lưu thông giờ cao điểm.

Tình hình thế giới ảnh hưởng nguồn cung xăng dầu

Chia sẻ thêm, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết tình hình thế giới biến động phức tạp từ cuối 2021 đến nay ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung về năng lượng, trong đó có xăng dầu.

“Cả nước có 17.000 cơ sở kinh doanh xăng dầu, tuy nhiên, chưa có con số chính xác những đơn vị tạm ngừng kinh doanh. Dù bao nhiêu đi chăng nữa chúng tôi cũng sẽ chịu trách nhiệm cùng các bộ ngành liên quan nhìn thẳng vào trách nhiệm và có biện pháp giải quyết”, ông nói và nhấn mạnh trong 17.000 cửa hàng, miền Bắc, miền Trung không sao nhưng miền Nam chỉ có 4-5 tỉnh bị ảnh hưởng.

khan hiem xang dau anh 2

Một cây xăng ở Hà Nội báo hết hàng. Ảnh: Minh Đạt.

Ông Đỗ Thắng Hải cho biết tình hình thế giới biến động phức tạp từ cuối 2021 đến nay ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung về năng lượng, trong đó có xăng dầu. Và hiện tại, cả nước cơ bản đã đáp ứng được nguồn cung.

Tình hình thế giới biến động phức tạp từ cuối 2021 đến nay ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung về năng lượng, trong đó có xăng dầu.

Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương

Về con số doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu, ông cho biết theo Nghị định 95, không còn khái niệm xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu nữa mà tính tổng nguồn của doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Tức có thể nhập khẩu, có thể mua ngay nguồn trong nước và không phải doanh nghiệp nào cũng phải nhập khẩu. Bộ Công Thương không quy định lượng nhập khẩu theo tháng, miễn cả năm doanh nghiệp đầu mối đã giao.

“Hơn nữa, trong quý II, do nhà máy lọc dầu Nghi Sơn trục trặc giảm công suất khiến doanh nghiệp đầu mối phải tăng cường nhập khẩu để bù lượng sản xuất trong nước. Lúc mua cao, mua xong thì giá liên tục giảm dẫn đến lỗ nặng và phải cắt giảm chi phí, chiết khấu cho đại lý theo hợp đồng đã thỏa thuận giữa doanh nghiệp”, ông nói.

Bên cạnh đó, thời gian qua do ảnh hưởng của bão Noru nên cung ứng xăng dầu từ 2 nhà máy lọc dầu đến các thị trường phía Nam rất khó khăn. Thậm chí, xăng dầu từ nước ngoài đưa về cũng rất khó khăn. Ông nhấn mạnh hiện nay nguồn cung xăng dầu ở nước ngoài rất khó khăn, nên các nước nhỏ ở châu Á như Việt Nam không phải đối tượng ưu tiên.

Ngoài ra, các doanh nghiệp bị thua lỗ trong thời gian dài nên việc nhập khẩu, bán hàng cũng sẽ bị ảnh hưởng, chi phí vận chuyển tăng.

“Bắt đầu từ ngày 11/10, chi phí vận chuyển từ nhà máy mới được chi và đã được giải quyết một phần bởi chi phí ngoài nước về đang tăng rất nhanh. Do đó chưa đáp ứng đủ chi phí kinh doanh của doanh nghiệp và Bộ sẽ thống nhất điều chỉnh thêm chi phí trong thời gian sớm nhất.

Thiếu xăng dầu diện rộng

Tính đến tối 11/10, Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết có 137/550 cửa hàng tạm hết xăng dầu chủ yếu ở huyện Hóc Môn có 18 cửa hàng; huyện Củ Chi và quận Bình Tân có 16 cửa hàng; TP Thủ Đức có 15 cửa hàng; quận 12, Bình Thạnh có 10 cửa hàng...

Trong thông báo phát đi ngày 10/10, Bộ Công Thương khẳng định hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung tại TP.HCM, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk... không phải phổ biến. "Có hơn 100 cửa hàng đóng cửa trong tổng số 17.000 cửa hàng đang hoạt động", cơ quan này dẫn chứng.

Với nhu cầu tiêu dùng cả nước mỗi năm 20,5-21 triệu m3, tấn, hiện nguồn cung từ sản xuất trong nước đáp ứng 70% cầu tiêu dùng cả nước. Do đó, 30% còn lại vẫn phải nhập khẩu xăng dầu thành phẩm từ các nước.

Trong hệ thống phân phối xăng dầu, Việt Nam có 36 doanh nghiệp đầu mối có chức năng nhập khẩu, 500 đơn vị phân phối và khoảng 17.000 cửa hàng bán lẻ.

Từ 15h ngày 11/10, cơ quan điều hành quyết định tăng thêm 560 đồng trên mỗi lít xăng E5 RON 92, RON 95. Sau khi tăng, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 21.290 đồng/lít và xăng RON 95 là 22.000 đồng/lít.

Ở kỳ điều chỉnh này, liên Bộ Công Thương - Tài chính cũng tăng premium trong nước (chi phí để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước trong công thức tính giá cơ sở) với xăng RON 92 (xăng nền pha chế E5 RON 92), RON 95 tăng 350 đồng, lên 1.320-1.340 đồng/lít; dầu diesel lên 30 đồng/lít; dầu hỏa và mazut 0 đồng.

Chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về cảng với xăng RON 92 (xăng nền để phối trộn E5 RON 92) tăng 40 đồng lên 290 đồng/lít; RON 95 tăng 70 đồng lên 280 đồng; dầu diesel được tăng lên 240 đồng; dầu hỏa, dầu mazut 0 đồng.

Bộ trưởng Công Thương sẽ trực tiếp kiểm tra dự trữ xăng dầu tại TP.HCM

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng lãnh đạo Bộ, các đơn vị trực thuộc sẽ trực tiếp làm việc tại Tổng kho xăng dầu Nhà Bè - TP.HCM thuộc Công ty xăng dầu Khu vực II.

Người TP.HCM đã dễ đổ xăng hơn

Sáng 12/10, nhiều cây xăng ở TP.HCM đã mở bán bình thường với lượng khách hàng không quá đông đúc, người dân vì thế cũng không còn phải đợi chờ lâu.

Thanh Thương - Minh Khánh

Bạn có thể quan tâm