Là thành viên tuyến đầu, bác sĩ nhi khoa Agnes Tri Harjaningrum xác định ai sẽ được điều trị trong các ca nghi ngờ nhiễm virus corona tại Indonesia. Đất nước chỉ có tổng cộng 132 bệnh viện được chỉ định trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, con số được cho là như muối bỏ bể.
Một trong những bệnh nhân của cô tại bệnh viện ở Jakarta là một bé trai 3 tháng tuổi, được điều trị bằng liệu pháp oxy và kháng sinh cũng như các loại thuốc khác hai lần trở lên mỗi ngày, tùy thuộc vào tình trạng của bé. Bác sĩ Harjaningrum cho biết các y tá cũng sẽ cho bé uống sữa thông qua một đường ống một khi sức khỏe bé cải thiện.
"Sẽ là tự sát" nếu không có đồ bảo hộ
Bác sĩ Harjaningrum nói bệnh viện của cô (cô từ chối nêu tên) là một cơ sở "cấp D" - cấp thấp nhất trong hệ thống bệnh viện của Indonesia, với hầu hết bệnh nhân được các bệnh xá địa phương giới thiệu đến. Một số bệnh nhân của cô nhập viện sau khi không vào được các bệnh viện chất lượng cao hơn, vốn đang bị quá tải.
Nhân viên y tế kiểm tra người có triệu chứng nhiễm virus corona tại Bandung, Tây Java, Indonesia. Ảnh: AFP. |
Bệnh viện được coi là có "cơ sở vật chất hạn chế", với số lượng phòng cách ly không đủ và không có khu chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ.
Dù bệnh viện của cô cung cấp cho nhân viên y tế thiết bị bảo vệ cá nhân, nhưng cô lo ngại rằng nguồn cung sẽ sớm cạn kiệt một khi bệnh viện trở nên quá tải.
Với giá một bộ quần áo bảo hộ (hazmat) dùng một lần khoảng 500.000 rupiah (30 USD), và nhân viên tuyến đầu sử dụng ít nhất 4 bộ hazmat y tế mỗi ngày chỉ để điều trị cho một bệnh nhân nghi ngờ nhiễm virus corona, chi phí đang ngày càng chồng chất.
"Sẽ là tự sát nếu chúng tôi phải xử lý một ca bệnh mà không dùng bất kỳ thiết bị bảo vệ cá nhân nào", bác sĩ Harjaningrum nói. Cô cho biết một số bạn bè của cô tại các bệnh viện khu vực nhỏ hơn sử dụng áo mưa hoặc duy nhất một bộ hazmat y tế khi điều trị cho bệnh nhân có khả năng nhiễm virus gây bệnh Covid-19.
Cho đến hôm 28/3, Indonesia đã báo cáo 1.155 ca nhiễm, với 102 ca tử vong, nhiều nhất tại Đông Nam Á. Số ca tử vong bao gồm 10 bác sĩ và y tá, Hiệp hội Bác sĩ Indonesia cho biết. Thống đốc Jakarta Anies Baswedan hôm 26 cho hay 50 nhân viên y tế tại 24 bệnh viện ở thủ đô đã nhiễm virus, theo CNN Indonesia.
Song dữ liệu được coi là chưa thể hiện đúng mức độ lây nhiễm thực sự, do phản ứng chậm chạp của chính phủ trong việc ngăn chặn dịch bệnh ở quốc gia đông dân thứ tư thế giới.
"Chỉ 2% ca nhiễm được báo cáo"
Một nghiên cứu của Trung tâm Mô hình Toán học về Bệnh truyền nhiễm, trụ sở tại London, công bố hôm 23/3 ước tính chỉ có 2% số ca nhiễm trong thực tế tại Indonesia đã được báo cáo cho chính quyền. Điều này có nghĩa là số ca nhiễm thực sự có thể lên tới 34.300, khiến Indonesia vượt lên trên Iran, nước có số ca nhiễm nhiều thứ sáu thế giới, và xếp sau Đức.
Các mô hình khác đang dự đoán rằng số ca nhiễm có thể tăng lên tới 5 triệu tại thủ đô Jakarta vào cuối tháng 4 theo kịch bản tồi tệ nhất, dù quan chức cấp cao của Bộ Y tế Indonesia, Achmad Yurianto, đã bác bỏ các ý kiến so sánh với dịch bệnh ở Italy và Trung Quốc, nói với phóng viên "chúng ta sẽ không như thế".
"Điều quan trọng là chúng ta tuyên truyền cho người dân... họ phải giữ khoảng cách", ông nói, cho biết thêm rằng các biện pháp hạn chế giao tiếp thích hợp sẽ giúp Indonesia không cần phải bổ sung giường bệnh hoặc nhân viên y tế.
Một bức tranh tường tuyên truyền về phòng chống dịch tại Surabaya, Đông Java, Indonesia. Ảnh: AFP. |
Trong khi đó, Indonesia chỉ có 12 giường bệnh và 4 bác sĩ trên 10.000 dân để chiến đấu với dịch bệnh này. Nếu so sánh, Hàn Quốc - nước đã báo cáo 9.478 ca nhiễm và 144 ca tử vong - có 115 giường bệnh trên 10.000 dân và gấp 6 lần số bác sĩ.
Với nhu cầu về cơ sở y tế gia tăng, chính phủ đầu tuần này đã bắt đầu sử dụng làng vận động viên Asiad 2018 ở Jakarta làm bệnh viện dã chiến, với khả năng điều trị tới 24.000 bệnh nhân.
Welas Riyanto, y tá làm việc tại một bệnh viện được chỉ định khác ở Jakarta từ năm 1993 và chịu trách nhiệm xử lý người nghi nhiễm virus đang được theo dõi, cho biết một trong những vấn đề mà các bệnh viện Indonesia phải đối mặt là thiếu phòng cách ly áp suất âm. Thiết bị này được dùng để giữ chất ô nhiễm lan truyền qua không khí ở trong phòng, từ đó có thể ngăn chặn virus lây lan sang các khu vực khác của bệnh viện.
Ông Riyanto nói rằng tại bệnh viện của anh, nơi ông cũng từ chối nêu tên, chỉ có một phòng áp lực âm để điều trị cho bệnh nhân Covid-19, ở tầng một. Trên tầng hai, bệnh viện đã lắp đặt quạt hút tạm thời ở 10 khu để đảm bảo rằng không khí bên trong các khu này có thể được lưu thông ra bên ngoài.
Ông Riyanto cho biết ông nghe các nhân viên y tế tuyến đầu tại bệnh viện mình cũng như tại các cơ sở khác nói rằng thiết bị bảo vệ cá nhân đang sắp thiếu hụt.
"Nhân viên y tế phơi nhiễm càng nhiều, càng có khả năng họ sẽ phải ngừng làm việc", ông Riyanto, người đồng thời là chủ tịch Hiệp hội Y tá Khẩn cấp và Thiên tai Indonesia, nói.
Thiếu hụt nhân sự
Harif Fadhillah, Chủ tịch Hiệp hội Y tá Quốc gia Indonesia, đồng ý rằng vấn đề chính của nhân viên y tế tuyến đầu trong cuộc chiến với virus là thiếu thiết bị bảo vệ, khi "hầu hết bệnh viện đều nói rằng đó là vấn đề số 1 của họ".
Đầu tháng này, Bộ Y tế Indonesia cho biết họ đã đặt mua 10.000 thiết bị bảo vệ từ Ấn Độ và châu Âu, nhưng không có bằng chứng nào tại các bệnh viện cho thấy bất kỳ lô hàng nào đã đến tay họ. Chính phủ hôm 27/3 cũng cho biết họ đã phân phát 151.000 thiết bị bảo vệ đến các tỉnh khác nhau ở Indonesia với sự hỗ trợ của Lực lượng Vũ trang Quốc gia.
Ông Fadhillah cho biết một mối lo ngại khác đối với nhân viên y tế là sự mệt mỏi mà họ phải đối mặt khi làm việc quá giờ, do tình trạng thiếu nhân sự được đào tạo tại các bệnh viện Indonesia. Ông cho biết một y tá có thể xử lý một đến 3 bệnh nhân Covid-19 bệnh nặng, hoặc tới 8 bệnh nhân nhẹ hơn, trong một ca làm việc kéo dài 8 tiếng.
Nhân viên Hội Chữ Thập Đỏ Indonesia di chuyển lều từ một nhà kho khẩn cấp ở Jakarta. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, với sự thiếu hụt y tá, một số nhân viên y tế đã phải làm việc từ 2 đến 3 ca để đáp ứng nhu cầu, ông nói.
Sự thiếu hụt đã được xoa dịu phần nào thông qua nỗ lực tuyển dụng trực tuyến của Hiệp hội Y tá Quốc gia Indonesia, nơi đã tiếp nhận 480 tình nguyện viên trong vòng 24 giờ, ông Fadhillah nói.
Song Indonesia cũng thiếu các chuyên gia y tế khác.
Agus Dwi Susanto, Chủ tịch Hiệp hội Hô hấp Indonesia, nói với trang tin Tempo.co rằng chỉ có 1.106 chuyên gia về phổi ở Indonesia, trong khi nên có khoảng 2.600 chuyên gia cho dân số 260 triệu người, tức một bác sĩ cho mỗi 100.000 dân.
Harjaningrum, bác sĩ nhi khoa ở Jakarta, không biết chính phủ Indonesia đã làm "quá nhiều hay quá ít" trong việc ứng phó với dịch bệnh. Hiện tại, cô nói cô đặt niềm tin vào lực lượng nào đó mà không phải là quan chức chính phủ để giải quyết vấn đề.
"Chắc chắn Thượng đế sẽ chăm sóc tôi, gia đình và bạn bè tôi, những người đã cố gắng hết sức, chuyên nghiệp và muốn cống hiến hết mình", cô nói.