Thủ đô Jakarta của Indonesia đóng cửa rạp chiếu phim và các cơ sở giải trí công cộng khác hôm 23/3, ngày đầu tiên của giai đoạn khẩn cấp kéo dài hai tuần trong nỗ lực làm chậm sự lây lan của virus corona tại thành phố lớn nhất Đông Nam Á.
Các biện pháp mới, bao gồm kêu gọi mọi người làm việc tại nhà, vẫn nhẹ tay hơn rất nhiều so với việc phong tỏa được thực thi ở các nước láng giềng, theo Reuters. Một số chuyên gia lo ngại đảo quốc 260 triệu dân vẫn chưa tích cực chống dịch.
Tổng thống Joko Widodo hôm 23/3 đã gửi lời chia buồn sau khi một hiệp hội y tế cho biết sáu bác sĩ và y tá đã tử vong vì nhiễm virus.
"Tôi muốn cảm ơn họ vì đã làm việc chăm chỉ, vì sự cống hiến của họ trong việc ứng phó với Covid-19", ông Widodo nói trong lễ khánh thành một bệnh viện khẩn cấp tại Làng Vận động viên từng phục vụ Đại hội thể thao châu Á (Asiad) 2018 ở Jakarta.
Ông Widodo cho biết các bác sĩ và nhân viên y tế khác sẽ nhận được tiền thưởng từ 5 triệu rupiah đến 15 triệu rupiah (300-900 USD)/tháng tại các khu vực đã ban bố tình trạng khẩn cấp. Ngoài Jakarta, khu vực Đông Java cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp.
Tổng thống Joko Widodo đi thăm một bệnh viện khẩn cấp ở Jakarta hôm 23/3. Ảnh: Reuters. |
Indonesia đã ghi nhận 514 ca nhiễm virus, với 48 người đã tử vong, chủ yếu tập trung ở Jakarta, nơi thống đốc hôm 20/3 thừa nhận nhân viên y tế đang bị quá tải.
Cho đến nay, ông Widodo đã vẫn phản đối biện pháp phong tỏa mạnh tay do lo ngại về tác động đối với các doanh nghiệp và người nghèo, mà nhiều người trong đó làm nghề bán hàng rong.
Phát ngôn viên cảnh sát quốc gia Muhammad Iqbal cho biết 465.000 cảnh sát trên khắp Indonesia sẽ giải tán bất kỳ cuộc tụ họp nào ở nơi công cộng vì sự an toàn của động đồng, dù mạng xã hội ở nước này đã nhanh chóng lan truyền bức hình chụp một chuyến tàu ken đặc người ở Jakarta.
Các tuyến đường vốn thường xuyên tắc nghẽn ở thành phố 10 triệu dân đã trở nên yên tĩnh hơn nhiều so với bình thường hôm 23/3. Tại một ngã tư, sinh viên tình nguyện đứng giơ biển báo kêu gọi mọi người ở nhà, tránh tụ tập.