Ông Achmad Yurianto, quan chức Bộ Y tế Indonesia, cũng cho biết nước này có thêm 7 ca tử vong, nâng tổng số người chết vì virus tại đảo quốc lên đến 55, bên cạnh 30 người bình phục, theo Reuters.
Đông Nam Á đang chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng số ca nhiễm trong những ngày qua, làm dấy lên lo ngại về làn sóng lây nhiễm thứ hai tại khu vực. Đến nay, toàn bộ các trong khu vực đều đã có ca nhiễm, sau khi Myanmar và Lào công bố các trường hợp dương tính đầu tiên.
Indonesia, nước từng bị chỉ trích vì phản ứng chậm trước đại dịch, đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở hai khu vực bao gồm thủ đô Jakarta và Đông Java. Chính phủ đảo quốc 260 triệu dân vẫn chưa áp dụng các biện pháp cứng rắn như phong tỏa như một số nước láng giềng đã làm.
Hành khách tại một trạm xe buýt ở thủ đô Jakarta hôm 24/3. Ảnh: Reuters. |
Thủ đô Jakarta đã đóng cửa rạp chiếu phim và các cơ sở giải trí công cộng khác hôm 23/3, ngày đầu tiên của giai đoạn khẩn cấp kéo dài hai tuần trong nỗ lực làm chậm sự lây lan của virus corona tại thành phố lớn nhất Đông Nam Á.
Các biện pháp kiểm dịch mới bao gồm kêu gọi mọi người làm việc tại nhà, hạn chế giao thông công cộng. Cảnh sát quốc gia cũng cho biết 465.000 cảnh sát trên khắp Indonesia sẽ giải tán bất kỳ cuộc tụ họp nào ở nơi công cộng vì sự an toàn của động đồng.
Tuy nhiên, nhiều hình ảnh tàu điện đông đúc trên mạng xã hội cho thấy các biện pháp này chưa được áp dụng nghiêm ngặt. Trong khi đó, Tổng thống Widodo vẫn không có động thái đáp lại lời kêu gọi phong tỏa, do lo ngại tác động đối với các doanh nghiệp và người nghèo, bao gồm nhiều người làm nghề bán hàng rong.
Giới chức cũng cải tạo Làng Vận động viên ở Jakarta, vốn được xây dựng để phục vụ Đại hội Thể thao châu Á (Asiad) 2018, thành bệnh viện dã chiến có khả năng cứu chữa cho 4.000 người.