Gần một tuần sau vụ hỏa hoạn làm 32 người chết tại quán karaoke An Phú (Bình Dương), đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ - C07 (Bộ Công an) trao đổi những tình tiết liên quan sự cố này.
Đồng thời, vị chỉ huy cục nghiệp vụ của Bộ Công an đưa ra khuyến cáo đối với người dân, chủ cơ sở kinh doanh, tránh để xảy ra thảm họa tương tự.
Lực lượng tại chỗ xử lý chưa hiệu quả
- Sau khi xảy ra sự việc, Cục Cảnh sát PCCC & CNCH đã trực tiếp cử lực lượng tới hiện trường để phối hợp, chỉ đạo xử lý vụ cháy, xin ông cho biết quá trình cứu hộ cứu nạn đã được thực hiện như thế nào?
- Trước thời điểm lực lượng cảnh sát PCCC đến, đã có một số người nhảy từ trên cao xuống. Đến nay, còn một người bị chấn thương sọ não, một nạn nhân gãy chân và một người bị thương nhẹ được điều trị tại bệnh viện.
Ngay khi nhận tin về sự việc, lực lượng cảnh sát PCCC đã nhanh chóng tiếp cận hiện trường bằng nhiều hướng. Các xe thang được huy động và cứu được 12 người trên sân thượng đồng thời hướng dẫn khoảng 20 người tự thoát nạn an toàn.
Những người còn lại không thể thoát ra ngoài nên đã trú ẩn trong phòng hát và trong nhà vệ sinh.
Cảnh sát PCCC cũng đã tích cực triển khai các lăng phun nước làm mát, khống chế ngọn lửa để tiếp cận phía trong công trình, tìm kiếm người bị nạn mắc kẹt.
Lực lượng chức năng tiếp cận hiện trường vụ cháy. Ảnh: Quỳnh Danh - Duy Hiệu. |
- Công an tỉnh Bình Dương cho biết lực lượng cứu hỏa đã có mặt chỉ sau 5 phút nhận thông tin, vậy điều gì khiến cảnh sát gặp khó khăn khi tiếp cận phía trong - nơi có 32 người đã thiệt mạng? Liệu có sự lúng túng hay không?
- Khi mới phát sinh cháy, lực lượng tại chỗ đã không xử lý hiệu quả nên dẫn đến đám cháy lan nhanh, lan rộng.
Một số nhân viên của quán đã gõ cửa cảnh báo các phòng có người đang hát. Tuy nhiên do chủ quan, không tỉnh táo khiến họ không nhanh chóng chạy thoát ngay. Khi đám cháy bùng phát mạnh, bịt kín các lối thoát thì không thể thoát ra ngoài được nữa.
Một yếu tố nữa cần đề cập đến là do âm thanh lớn, ánh sáng thiếu dẫn đến người hát karaoke không nhận ra được chuông cảnh báo và không nghe rõ lời cảnh báo của nhân viên.
Thông thường, những người còn lưu lại trong khu vực đám cháy, khi bị tác động của khói và khí độc thì chỉ sau một vài phút là khả năng sống sót gần không còn.
Lực lượng cảnh sát trong giai đoạn đầu đã triển khai hiệu quả, cứu được nhiều người trên sân thượng và ở các công trình lân cận. Giai đoạn sau, khó khăn do các yếu tố nguy hiểm từ đám cháy như phía trong bị bít kín, nguồn nhiệt lớn bị om dẫn đến hạn chế khả năng tiếp cận... Việc tìm kiếm và đưa người bị nạn ra ngoài vì thế mất một thời gian dài.
Điều tra toàn diện quá trình quản lý quán karaoke khi còn hoạt động
- Quán karaoke xảy ra hỏa hoạn ở Bình Dương được cho là “đủ điều kiện hoạt động” qua 3 lần kiểm tra về PCCC, tuy nhiên thiệt hại trong sự cố vừa qua rất lớn về nhân mạng. Vậy quá trình kiểm tra có vấn đề hay chúng ta cần thêm tiêu chuẩn khắt khe hơn với loại hình kinh doanh này?
- Cơ quan chức năng đang điều tra và thẩm định việc thực hiện thẩm duyệt. Khi các yếu tố liên quan được kết luận đầy đủ, cơ quan điều tra sẽ xem xét trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có trách nhiệm và xử lý nghiêm nếu có sai phạm.
Ngoài ra, một vấn đề cần xem xét là sau khi lực lượng chức năng kiểm tra, việc duy trì và khắc phục thiết sót về điều kiện an toàn PCCC & CNCH tại cơ sở có đảm bảo hay không.
Đồng thời, trong đợt tổng kiểm tra, rà soát các cơ sở karaoke trên cả nước theo chỉ đạo của Thủ tướng, dự kiến vào cuối tháng 9, Cục C07 sẽ đánh giá, thẩm định và nếu phát hiện địa phương nào buông lỏng quản lý đối với công tác này sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ xử lý nghiêm.
Bên cạnh việc nâng cao ý thức người dân và xử nghiêm vi phạm theo quy định hiện hành, tôi cho rằng cần hoàn thiện pháp luật về PCCC. Trong đó cần bổ sung chế tài tạo sức răn đe đủ lớn đối với các vi phạm nguy cơ cao dẫn đến cháy nổ, từ đó khiến người ta không dám vi phạm.
Đồng thời, chúng ta cần chú trọng công tác nâng cao năng lực của các lực lượng thực hiện nhiệm vụ PCCC & CNCH, đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình phong trào toàn dân PCCC & CNCH…
Các cửa sổ bên hông của quán karaoke An Phú, nơi xảy ra vụ cháy chết 33 người, bị bịt bằng tường gạch. Tầng thượng có dấu hiệu cơi nới, lợp kín bằng hàng trăm mét vuông tôn. Ảnh: Quỳnh Danh. |
- Từ vụ cháy đặc biệt này, cơ quan chức năng có khuyến cáo gì cho người dân nếu gặp sự cố tương tự?
- Đối với người đứng đầu cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh: Cần chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật về PCCC, đảm bảo khi đưa cơ sở vào hoạt động phải có đầy đủ điều kiện an toàn.
Tự kiểm tra và duy trì đầy đủ điều kiện an toàn đã được thiết lập và phê duyệt trước đó, đồng thời phổ biến kỹ năng cho thành viên trong gia đình, nhân viên để biết cách phòng ngừa hiệu quả và thoát nạn khi có sự cố.
Đối với nhân viên, người làm việc trong cơ sở kinh doanh: Cần trang bị kỹ năng để sẵn sàng xử lý sự cố. Khi xảy ra cháy, nổ, họ cần biết cách hướng dẫn thoát nạn, cứu nạn cho người khác.
Đối với người dân khi đến địa điểm kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar: Cần lưu ý chấp hành các quy định về an toàn PCCC và lưu ý đến các lối thoát nạn. Đặc biệt, khi có cảnh báo cháy cần bình tĩnh xác định lối thoát nạn và sau đó nhanh chóng di chuyển để thoát ra nơi an toàn.
Trong quá trình di chuyển người dân cũng cần cảnh báo cho người xung quanh biết; có thể sử dụng khăn ướt bảo vệ cơ quan hô hấp để tránh hít phải khói, khí độc, di chuyển men theo tường, hạ thấp người để hạn chế bị tác động của khói, nhiệt độ cao…
Một vấn đề cần nhấn mạnh là người mắc kẹt tuyệt đối không nên trú ẩn trong khu vực khuất kín, nhà vệ sinh khi có cháy, sự cố.
Sau vụ hỏa hoạn khiến 32 người chết tại quán karaoke ở Bình Dương, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an TP.HCM (PC07) đã kiểm tra gần 300 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar trên toàn địa bàn thành phố. Kết quả có hơn 90 cơ sở chưa đảm bảo an toàn về cháy, nổ và thoát nạn.
TP Hà Nội cũng cho kiểm tra khoảng 1.400 cơ sở karaoke, trong đó 58% không đạt yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, 326 cơ sở bị đình chỉ hoạt động.
Còn tại Bình Dương, đêm 9/9, công an đã kiểm tra trên 40 cơ sở kinh doanh, phát hiện xử lý 24 trường hợp vi phạm các quy định về an toàn PCCC và CNCH. Trong đó, 21 cơ sở bị phạt hành chính với số tiền trên 250 triệu đồng, tạm đình chỉ 3 cơ sở.
Nguyên nhân các vụ cháy chủ yếu là sự cố hệ thống, thiết bị điện; do sơ suất, bất cẩn khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; do sự cố kỹ thuật và vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy đã để xảy ra hậu quả đáng tiếc.
Cháy quán karaoke ở Bình Dương
4 người bị thương nặng trong vụ cháy karaoke An Phú đã xuất viện
Sau thời gian điều trị, 4 người bị nặng do cháy quán karaoke An Phú (TP Thuận An, Bình Dương) đã khỏi bệnh, xuất viện.
Hơn 270 quán karaoke, bar ở Bình Dương bị xử phạt
Trong hơn 10 ngày kiểm tra, lực lượng chức năng tỉnh Bình Dương phát hiện 271 quán karaoke, bar, vũ trường… vi phạm. Tổng số tiền xử phạt các cơ sở này là hơn 4 tỷ đồng.
Khoảnh khắc khói đen bao trùm quán karaoke An Phú
Khoảnh khắc lửa bùng lên từ căn phòng tại tầng 2 quán karaoke An Phú, TP Thuận An (Bình Dương), khách trong các phòng vẫn mở nhạc inh ỏi.
Camera ghi cảnh lúc lửa bùng lên trong quán karaoke An Phú
Qua trích xuất camera, Công an tỉnh Bình Dương xác định lửa bùng lên từ căn phòng ở tầng 2 của quán karaoke An Phú. Lúc này, trong các phòng vẫn đang mở nhạc inh ỏi.
Chủ quán karaoke ở Bình Dương nói nguyên nhân xây bít cửa sổ
"Quán của tôi như thế nào, sai phạm ra sao thì có cơ quan chức năng điều tra, và sẽ đưa về đúng sự thật. Trách nhiệm của tôi đến đâu, tôi sẽ chịu đến đó", ông Lê Anh Xuân nói.