Vài tuần sau khi ông Mehran Karimi Nasseri - người từng sống 18 năm ở sân bay Pháp và là nguồn cảm hứng cho bộ phim “The Terminal” - qua đời, Andrew Donkin đã kể lại trải nghiệm của mình trên Guardian.
Zing dịch lại bài viết này được đăng ngày 23/11.
Vào một buổi sáng cách đây 18 năm, tôi nhận được một yêu cầu bất ngờ: Hãy bắt chuyến tàu đến Paris và tới sân bay Charles de Gaulle “trước 15h, nếu có thể”.
Tại sân bay, tôi sẽ gặp ngài Alfred Mehran - một người tị nạn chính trị không quốc tịch, đã sống trên băng ghế tại phòng chờ của Nhà ga số 1 trong suốt 16 năm (tính đến năm 2004).
Nếu hợp nhau, chúng tôi sẽ cùng viết cuốn tự truyện cho ông ấy với nhan đề “The Terminal Man” (người đàn ông ở sân bay).
Ngài Alfred tên đầy đủ là Mehran Karimi Nasseri. Ông ấy mắc kẹt tại sân bay vì không có giấy tờ tùy thân. Sân bay không thuộc về riêng ai. Đó là một khoảng trống vô tận mà ông ấy không bao giờ có thể rời khỏi.
Ngài Alfred
Tôi đã gặp ngài Alfred - người vừa mất hồi đầu tháng 11 - qua lời giới thiệu của biên tập viên người Đức Barbara Laugwitz. Đạo diễn Steven Spielberg đã mua bản quyền để biến câu chuyện của ngài Alfred thành bộ phim “The Terminal” nổi tiếng, nhưng ông ấy muốn tự kể câu chuyện thật của mình bằng phương tiện ưa thích nhất: Báo in.
Tôi đã trò chuyện với ngài Alfred hàng giờ. Khi ấy, ngài Alfred đã bước qua tuổi 50, dáng người cao, gầy, với mái tóc đen thưa và đôi mắt sáng. Xung quanh băng ghế nơi ông ấy thường ngồi chất đầy xe đẩy hành lý và những hộp đựng đồ.
Trong số đó, tài sản đáng quý nhất là những chiếc hộp đựng giấy A4 ghi lại cuộc đời của ngài Alfred. Ông ấy nói với tôi rằng trong hơn một thập kỷ, ông đã viết nhật ký mỗi ngày trên những tờ giấy được các bác sĩ tốt bụng ở sân bay gửi tặng.
Merhan Karimi Nasseri ngồi tại nhà ga số 1 của sân bay Charles De Gaulle, phía bắc Paris, vào ngày 11/8/2004. Ảnh: AP. |
Tôi nhanh chóng nhẩm tính và đánh bạo nói: “Phải có 10.000 trang ở đây”. Ông ấy đáp lại: “Hẳn phải nhiều hơn thế đấy, vì tôi viết cả hai mặt để tiết kiệm giấy”.
Vì sao ngài Alfred được gọi một cách trang trọng như vậy?
Ông ấy giải thích với tôi rằng ông từng viết thư cho Đại sứ quán Anh ở Brussels để xin giúp đỡ. Trong lá thư phản hồi, họ viết: “Thưa ngài, Alfred…”. Và đó cũng là cách tôi thường gọi ông ấy. Tôi luôn thấy danh xưng này thật phù hợp.
Điểm đáng chú ý nhất của các cuốn tự truyện là chúng nói lên sự thật. Với trường hợp của ngài Alfred, nhiều lời đồn đại đã gắn liền với câu chuyện phi thường của ông trong nhiều năm. Họ nói rằng ông ấy bị trục xuất khỏi Iran, bị tra tấn hay tự đánh mất giấy tờ. Tuy nhiên, tôi lại thích một cách tiếp cận khác.
“Thay vì chỉ nêu ra các sự kiện trong cuốn sách, tại sao chúng ta không khám phá câu chuyện về ngài Alfred như một câu đố ẩn dưới những bí ẩn trên băng ghế đỏ trong nhà ga sân bay?”, tôi nói với Laugwitz.
Laugwitz coi đây là cách khác thường, nhưng cô ấy tin tưởng tôi. Và tôi đã ở lại cùng ngài Alfred trong 3 tuần để tìm hiểu câu chuyện về cuộc đời ông ấy.
Filet-O-Fish
Bị mắc kẹt trong nhà ga sân bay đồng nghĩa cuộc sống của ngài Alfred không có bất kỳ lịch trình nào, song ông ấy đã tự tạo ra những thói quen.
Mỗi buổi sáng, trước khi sân bay tấp nập người qua lại, ông ấy sẽ rời băng ghế vào phòng tắm, cạo râu và tắm rửa để “đảm bảo bản thân ở trạng thái tốt nhất”. Ngài Alfred luôn rất trang nghiêm.
Tiếp theo, ông ấy sẽ mua bữa sáng tại McDonald’s, trước khi đến quầy bán báo trong nhà ga để mua (hoặc được tặng) 1-3 tờ báo. Sau đó, ông ấy sẽ trở lại băng ghế và ăn sáng.
Cuốn sách "The Terminal Man". Ảnh: Andrew Donkin. |
Ngài Alfred sẽ viết nhật ký - hoạt động chiếm phần lớn thời gian trong ngày của ông. Có lần tôi rời đi để mua đồ ăn, khi quay lại, tôi thấy ông ấy vội vã viết lại cuộc trò chuyện vừa rồi giữa chúng tôi, càng nhiều càng tốt.
Có thể nói, ngài Alfred là ngôi sao truyền hình thực tế đầu tiên. Cuộc sống của ông ấy vừa có một phần thực, vừa có một phần diễn.
Sau khi viết nhật ký, ngài Alfred sẽ đọc báo. Ông ấy thích đọc và thảo luận về chính trị thế giới. Trong thời gian ở sân bay, ông đã tự học tiếng Pháp và tiếng Đức. Ông ấy không thích lãng phí thời gian.
Bữa trưa gần như luôn luôn là Filet-O-Fish của McDonald’s. Vào khoảng thời gian còn lại trong ngày, ngài Alfred thường đọc tin tức, viết nhật ký, trò chuyện với một phóng viên, hoặc người nào đó tình cờ đi ngang qua. Ngài Alfred không có điện thoại di động nên không thể hẹn trước. Đó là một kiểu cô lập gần như không thể tưởng tượng được ngày nay.
Bữa tối tiếp tục là Filet-O-Fish. Khi ở cùng ngài Alfred, tôi đã cố gắng “dụ” ông ấy thử những món ăn khác. Ông ấy sẽ vờ như đang nghiền ngẫm lời đề nghị này, rồi trả lời: "Chúng ta có thể, nhưng tôi nghĩ hôm nay tôi sẽ ăn (Filet-O-Fish)".
Đến nửa đêm, sân bay trở nên yên tĩnh hơn. Trong thời gian viết cuốn sách, tôi thường ngủ lại một khách sạn gần sân bay, nhưng để hiểu rõ hơn về ngài Alfred, tôi đã quyết định dành một vài đêm trên băng ghế dài bên cạnh ông. Đèn sáng suốt đêm và tiếng loa thông báo chỉ dừng khoảng vài giờ. Những chiếc ghế hẹp và không thoải mái. Đó thực sự là một trải nghiệm khó khăn.
Một quả bom
Một ngày nọ, tôi nghe thấy thông báo khác lạ bằng tiếng Pháp và hành khách rời nhà ga rất nhanh.
“Họ nói có một quả bom”, ngài Alfred thản nhiên giải thích. Tôi ngoảnh lại và trông thấy trên lối đi vắng vẻ có một chiếc vali đơn độc, cách đó khoảng 50 m là đám đông cảnh sát. Nhưng ngài Alfred không hề có ý định rời đi.
“Thực ra nó chưa bao giờ là một quả bom”, ông tự tin nói. “(Điều này) xảy ra rất nhiều. Chỉ là một du khách để quên vali của họ”, ông ấy nhún vai.
Ông Alfred thường đọc báo mỗi ngày. Ảnh: Youtube. |
Rõ ràng tôi phải đưa ra quyết định. Tôi không muốn sự nghiệp viết tiểu sử cho ngài Alfred kết thúc trước cả khi bắt đầu, nhưng cũng không muốn bỏ chạy và phá vỡ mối quan hệ đang ngày càng gắn bó giữa chúng tôi.
Vì vậy, tôi bắt đầu hỏi ngài Alfred về khoảng thời gian ông ấy ở Tây Berlin vào mùa đông năm 1977. Qua vai ông, tôi có thể thấy một con robot bắt đầu cắt chiếc vali. Dưới bàn, khuất khỏi tầm mắt của ngài Alfred, tôi siết chặt tay. Câu chuyện của ngài Alfred kết thúc cũng là lúc một bộ đồ ngủ rơi khỏi chiếc vali.
"Điều này có thường xuyên xảy ra không?", tôi hỏi.
“Có thể mỗi tuần một lần”, ông ấy đáp lại.
Ngài Alfred tham gia nhiều cuộc phỏng vấn và tôi rất thích thú với cách ông trả lời. Trong một cuộc phỏng vấn, một nhà báo nói rằng anh ấy ghen tị với sự tự do của ngài Alfred: “Tôi ước gì tôi được sống tự do như ông, không phải lo lắng gì”.
Ngài Alfred chỉ vào khoảng không xung quanh và nói: "Có rất nhiều băng ghế".
Nhiều tháng sau, tôi quay lại để đưa cuốn sách của chúng tôi “The Terminal Man” cho ngài Alfred. Khi tôi đến gần, ông ấy nhìn tôi, nở nụ cười rạng rỡ và nói: "Đó là một chiến thắng!".
Hai năm sau khi cuốn sách ra mắt, vì vấn đề sức khỏe, ông ấy phải rời sân bay và sống trong một trung tâm hỗ trợ người vô gia cư ở ngoại ô Paris.
Tôi tự hỏi không biết ngài Alfred đã cảm thấy thế nào. Ông ấy đã sống với danh tính người đàn ông ở sân bay, nhưng giờ điều đó chỉ là quá khứ. Song nếu nhìn vào cuộc đời mất phương hướng mà ngài Alfred đã đi qua, ông ấy thực sự là một người đáng kinh ngạc.
Ông ấy đã trở lại sân bay trong những tuần cuối đời. Tôi hy vọng ông ấy cảm thấy thoải mái khi được trở lại, ngồi trên băng ghế cũ, sẵn sàng cho chuyến đi cuối cùng.
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách “Thể chế chính trị các nước châu Âu” gồm 2 phần. Phần một giới thiệu khái quát về tổ chức, hoạt động của Nhà nước và thể chế chính trị các nước châu Âu.
Phần hai giới thiệu chi tiết thể chế chính trị của từng quốc gia châu Âu. Bên cạnh đó, cuốn sách cũng miêu tả việc phân bổ quyền lực và chức năng của các cơ quan trong các thể chế chính trị được cơ cấu theo từng quốc gia.