Nếu tình cờ đi qua nhà ga số 1 ở sân bay quốc tế Charles de Gaulle, Paris, trong khoảng thời gian từ tháng 8/1988 đến tháng 7/2006, các du khách có thể đã gặp ông Mehran Karimi Nasseri - nguồn cảm hứng cho nhân vật Viktor Navorski trong bộ phim “The Terminal” (2004) do Steven Spielberg đạo diễn.
Trong phiên bản điện ảnh, Viktor Navorski (do diễn viên Tom Hanks thủ vai) là một người Đông Âu mắc kẹt tại sân bay New York vì cuộc đảo chính tại quê nhà. Anh nhanh chóng tìm được những người bạn có thể tin tưởng, một công việc và đem lòng yêu một tiếp viên hàng không.
Tuy nhiên, câu chuyện đời thực của Nasseri không kết thúc có hậu như vậy. Người đàn ông tị nạn từ Iran mắc kẹt tại sân bay Paris suốt 18 năm. Đến ngày 12/11, ông đã qua đời khi trở lại sân bay này sau nhiều năm bị lãng quên ở Paris, theo Vox.
Cuốn nhật ký hơn 1.000 trang
Khởi đầu câu chuyện của Mehran Karimi Nasseri rất khó xác định. Ông sinh ra tại Masjed Soleiman (Iran) vào năm 1943, với cha là người Iran và mẹ là người Anh. Ông du học tại Đại học Bradford, Vương quốc Anh, vào năm 1973.
Khi còn là sinh viên, ông Nasseri đã tham gia một trong các cuộc biểu tình phản đối Vua (shah) Reza Pahlavi. Do đó, khi trở lại Iran vào năm 1977, ông bị bắt giữ và bỏ tù vì các hoạt động chống đối. Ông Nasseri sau đó xin tị nạn chính trị để rời khỏi Iran.
Sau 4 năm bị các thủ đô trên khắp châu Âu phớt lờ, ông Nasseri nhận được giấy chứng nhận tị nạn từ Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) tại Bỉ, vào năm 1981. Giấy chứng nhận này cho phép ông xin nhập tịch ở một quốc gia châu Âu.
Merhan Karimi Nasseri ngồi tại nhà ga số 1 của sân bay Charles De Gaulle, phía bắc Paris, vào ngày 11/8/2004. Ảnh: AP. |
Cơn khủng hoảng di cư bắt đầu khi ông quyết định rời Bỉ và đến London định cư qua chặng dừng ở Paris vào năm 1988.
Ông Nasseri cho biết các giấy tờ tị nạn đã bị đánh cắp trên một chuyến tàu ở Paris. Vì vậy, khi ông đến sân bay London Heathrow, nhân viên kiểm soát đã yêu cầu ông trở lại Pháp. Ban đầu, ông bị cảnh sát Paris bắt giữ nhưng sớm được thả sau đó.
Song ông không thể rời khỏi sân bay Charles de Gaulle.
Ông Nasseri kiên nhẫn chờ đợi trong khi giới chức Anh, Pháp và Bỉ giải quyết trường hợp của mình. Các nhà chức trách Bỉ nói rằng họ có bằng chứng về giấy tờ tị nạn của ông Nasseri, nhưng khăng khăng yêu cầu ông đến nhận chúng tận nơi dù từ chối cho ông nhập cảnh. Ông từng bị bắt giữ nhiều lần và có thể bị trục xuất khỏi sân bay bất cứ lúc nào.
Không có giấy tờ và quốc tịch, ông Mehran Karimi Nasseri trải qua những ngày dài tại nhà ga số 1 của sân bay quốc tế Charles de Gaulle. Ông dành thời gian đọc sách, nghiên cứu kinh tế học, và kể lại trải nghiệm của mình trong cuốn nhật ký hơn 1.000 trang.
Ông thường xuyên đến ăn ở McDonald's và mua thuốc lá ở Pall Mall. Nhân viên sân bay thường mang báo, đồ ăn đến chia sẻ với ông. Ông Nasseri cũng thường tắm trong phòng tắm của nhân viên và đem quần áo đến phòng giặt tại sân bay.
Những người bán hàng ở sân bay dường như không bận tâm đến những ồn ào về người “hàng xóm” nổi tiếng của họ. Nhân viên dọn vệ sinh chia sẻ rằng ông Nasseri sẽ tính phí vài euro nếu người khác muốn chụp ảnh. Nếu không, "ông ấy không bao giờ hỏi bất cứ điều gì về ai", theo CSmonitor.
Trong khoảng thời gian này, điều kỳ lạ là không một người thân, họ hàng, hay bạn bè nào đến thăm ông Nasseri. Trong khi đó, tình cảnh của người đàn ông này ngày càng được biết đến rộng rãi khi các nhà báo quốc tế đến sân bay phỏng vấn ông. Ông cũng nhận được những lá thư ủng hộ từ khắp nơi trên thế giới.
Người đàn ông có số phận trớ trêu này cũng thu hút sự chú ý của luật sư người Pháp Christian Bourguet. Ông Bourguet sau này đã tiếp nhận trường hợp của ông Nasseri.
Vị luật sư cho biết giải pháp rất rõ ràng: Chỉ cần Bỉ phát hành giấy chứng nhận mới, ông Nasseri có thể lấy lại quốc tịch và danh tính, nhưng mấu chốt vẫn là ông không thể nhập cảnh để trực tiếp nhận giấy tờ. Bên cạnh đó, luật pháp Bỉ cũng quy định một người tị nạn rời khỏi đất nước sau khi được chấp thuận sẽ không thể trở lại.
Cuối cùng, vào năm 1999, chính phủ Bỉ đồng ý gửi giấy tờ cho ông Nasseri qua đường bưu điện và chính quyền Pháp đã cấp giấy phép cư trú cho ông. Song một bất ngờ khác lại xảy ra.
Quyết định kỳ lạ
Vào năm 1981, khi được công nhận là người tị nạn chính trị, ông Nasseri được cấp giấy chứng nhận với tên Sir Alfred Mehran và mang quốc tịch Anh. Tuy nhiên, tài liệu được gửi đến năm 1999 lại dùng tên khai sinh Mehran Karimi Nasseri và quốc tịch Iran.
Do đó, ông Nasseri kiên quyết từ chối ký xác nhận.
Luật sư Bourguet rất sốc trước hành động của ông Nasseri vì sau 11 năm, cuối cùng ông cũng có cơ hội giành lại cuộc sống, chỉ cần ký vào các giấy tờ và sau đó đổi tên hợp pháp là đủ. Nhưng rõ ràng việc sống nhiều năm trong sân bay có thể dẫn đến những hậu quả kỳ lạ về tâm lý.
Một cảnh trong phim "The Terminal". Ảnh: Dreamworks SKG. |
Trong một cuộc phỏng vấn với GQ vào năm 2003, luật sư Bourguet nói: "Dù sao thì ông ấy cũng gần như phát điên rồi".
Ông Bourguet nói thêm rằng vị khách hàng của mình "khá tỉnh táo khi kể câu chuyện cá nhân, nhưng theo thời gian, ông ấy đã trở nên 'phi logic' và câu chuyện liên tục thay đổi".
Ông Nasser từng nói bản thân là người Thụy Điển, và khi ông Bourguet hỏi ông đã đi từ Thụy Điển đến Iran bằng cách nào, ông Nasseri trả lời: "Bằng một chiếc tàu ngầm".
Những người quen biết trong sân bay cho biết năm tháng sống tại đây đã ảnh hưởng không nhỏ đến trạng thái tinh thần của ông Nasseri. Bác sĩ tại sân bay từng mô tả ông như "đã hóa thạch ở đây". Một người bán vé cũng so sánh ông với một tù nhân, theo AP.
Ông Mossaoid Ben, người quản lý Coccimarket ở gần nhà ga số 1, lý giải ông Nasseri lựa chọn ở lại Charles de Gaulle vì "sẽ phải trả tiền thuê nhà nếu ở nơi khác”.
Trong khi đó, Alexis Kouros, một nhà làm phim tài liệu và bác sĩ người Iran, từng chia sẻ vào năm 2000: “Theo tôi, ông (Nasseri) cần sự hỗ trợ chuyên nghiệp để thích nghi với thế giới bên ngoài. Ông ấy từng là một người bình thường. Trải qua 15 năm, ông ấy đã trở thành một phần ở nơi đây và không thể sống độc lập".
Khi biết đến câu chuyện này, hãng phim Dreamworks đã trả "vài trăm nghìn USD" cho ông Nasseri để sản xuất bộ phim "The Terminal".
Năm 2006, Mehran Karimi Nasseri phải nhập viện vì vấn đề sức khỏe, kết thúc thời gian dài sinh sống tại sân bay quốc tế Charles de Gaulle. Ông được cho là đã xuất viện vào năm 2007 và được chuyển đến một khách sạn gần sân bay.
Ông Nasseri được trao quyền tự do đi lại ở Pháp nhưng chưa bao giờ bay đến London - điểm đến mà ông lựa chọn gần 20 năm trước.
Kể từ đó, các hãng truyền thông không còn đăng tải nhiều thông tin về ông Nasseri, chỉ có một số người từng nhìn thấy ông vào năm 2008 cho biết ông sống trong một trung tâm tị nạn ở ngoại ô Paris.
Ông Nasseri dường như bị lãng quên cho đến những tuần cuối đời, khi ông trở lại sân bay và qua đời vì một cơn đau tim vào ngày 12/11.
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách “Thể chế chính trị các nước châu Âu” gồm 2 phần. Phần một giới thiệu khái quát về tổ chức, hoạt động của Nhà nước và thể chế chính trị các nước châu Âu.
Phần hai giới thiệu chi tiết thể chế chính trị của từng quốc gia châu Âu. Bên cạnh đó, cuốn sách cũng miêu tả việc phân bổ quyền lực và chức năng của các cơ quan trong các thể chế chính trị được cơ cấu theo từng quốc gia.