Với việc Campuchia, nước chủ nhà SEA Games 32, không cho phép các đội sử dụng cầu thủ trên 22 tuổi, vai trò của các cầu thủ đúng tuổi sẽ càng trở nên quan trọng. Vì thế, HLV Troussier sẽ phải chọn lọc một cách kỹ càng.
Vậy đâu là những nhân tố chủ chốt có thể tạo nên bộ khung U22 Việt Nam dự SEA Games 32?
Đội hình chính U22 Việt Nam theo dự đoán của Zing News. Hầu hết cầu thủ đã được làm việc với HLV Troussier. Đồ họa: Minh Phúc. |
Thủ môn
Ở lứa tuổi 22, Quan Văn Chuẩn là người gác đền số một. Anh có màn trình diễn cực kỳ ấn tượng tại vòng chung kết U23 châu Á 2022 sau khi Nguyễn Văn Toản dính chấn thương. Sự xuất sắc của thủ môn cao 1,81 m giúp U23 Việt Nam vượt qua vòng bảng.
Đến vòng chung kết U21 Quốc gia 2022, Văn Chuẩn bắt chính, góp công không nhỏ trong chức vô địch của U21 Hà Nội. Anh cũng được CLB Hà Nội đăng ký dự V.League 2022.
Vị trí thủ môn dự bị có thể thuộc về Cao Văn Bình (SLNA) hoặc Đoàn Huy Hoàng (CLB Viettel), hai cầu thủ chuẩn bị cùng U20 Việt Nam dự vòng chung két U20 châu Á 2022. Trong đó, Huy Hoàng được đánh giá cao ở khả năng chơi chân.
Hàng hậu vệ
Võ Minh Trọng, một trong những cầu thủ được HLV Troussier thường xuyên sử dụng ở U19 Việt Nam, chia sẻ với Zing News rằng sơ đồ ưa thích của chiến lược gia này là 3-5-2.
Nếu HLV người Pháp tiếp tục sử dụng sơ đồ này ở SEA Games 32, vị trí hậu vệ trái có thể thuộc về Phan Tuấn Tài. Đây là nhân tố đã tỏa sáng liên tục ở các giải đấu trẻ trong năm 2022 như giải vô địch U23 Đông Nam Á, SEA Games 31 và vòng chung kết U23 châu Á. Anh cũng được HLV Park Hang-seo gọi lên đội tuyển quốc gia hồi tháng 9/2022.
Các cầu thủ dự bị cho Tuấn Tài có thể là Minh Trọng và Nguyễn Bảo Long. Hiện tại, Minh Trọng khoác áo CLB Phú Thọ và đã có 18 trận thi đấu ở giải hạng Nhất. Trong khi đó, Bảo Long là sự lựa chọn số một ở vị trí hậu vệ trái ở U20 Việt Nam. Mới sinh năm 2005, Bảo Long đã được HLV Đinh Thế Nam, cựu HLV U20 Việt Nam, đánh giá rất cao.
Ở vị trí trung vệ, các nhân tố chủ chốt là Lương Duy Cương, Vũ Tiến Long, Trần Quang Thịnh, Hồ Khắc Lương, những học trò cũ của HLV Troussier. Duy Cương, Tiến Long đã có những bước tiến bộ sau hàng loạt giải đấu như giải vô địch U23 Đông Nam Á, SEA Games 31 và vòng chung kết U23 châu Á 2022. Ngoài ra, Duy Cương còn là trụ cột của CLB Đà Nẵng tại V.League, còn Khắc Lương đã có 616 phút thi đấu cho SLNA.
Trong khi đó, Quang Thịnh đã vô địch U23 Đông Nam Á nhưng sau đó anh lại dính chấn thương nặng nên không thể cùng đồng đội dự SEA Games 31 lẫn vòng chung kết U23 châu Á 2022. Tuy nhiên, anh cũng đã thể hiện được phong độ tốt ở giải hạng Nhất, giúp CLB Công An Nhân Dân (đã đổi tên thành Công An Hà Nội) giành chức vô địch và thăng hạng V.League.
Tuấn Tài chơi khá tốt trong trận ra mắt tuyển Việt Nam trước đối thủ Singapore hồi tháng 9/2022. Ảnh: Quang Thịnh. |
Những nhân tố dự bị có thể đến từ U20 Việt Nam, đó là Vũ Văn Sơn, Nguyễn Đức Anh. Hai cầu thủ này được đánh giá có tư duy chơi bóng khá tốt.
Hậu vệ phải của U22 Việt Nam sẽ là sự cạnh tranh giữa Hồ Văn Cường và Lê Văn Đô. Hai cầu thủ này sở hữu phong cách thi đấu tương đối khác biệt. Trong khi Văn Cường mạnh về những pha khoét biên để tạt bóng hoặc căng ngang thì Văn Đô thiên về khả năng kiểm soát bóng, hỗ trợ đồng đội tổ chức tấn công.
Một hậu vệ phải tiềm năng là Nguyễn Hồng Phúc, sinh năm 2003, thuộc biên chế CLB Viettel. Đây là nhân tố được HLV Đinh Thế Nam tin dùng ở U20 Việt Nam.
Tiền vệ trung tâm
HLV Troussier sẽ có một "cơn đau đầu dễ chịu" khi chọn nhân sự cho hàng tiền vệ. 4 cái tên nổi bật trong lứa U22 đang là Huỳnh Công Đến, Đinh Xuân Tiến, Nguyễn Văn Trường và Khuất Văn Khang.
Ở giữa sân, Công Đến là người duy nhất có sở trường chơi với vai trò một tiền vệ mỏ neo. Vì thế, anh nhiều khả năng chiếm một suất đá chính ở hàng tiền vệ.
Hai vị trí box-tox-box là cuộc cạnh tranh giữa Xuân Tiến, Văn Trường và Văn Khang, ba cầu thủ sinh năm 2003. Văn Trường, Văn Khang đã thể hiện được phong độ ấn tượng ở vòng chung kết U23 châu Á dưới thời HLV Gong Oh-kyun. Họ thể hiện được nguồn năng lượng dồi dào, lên công về thủ liên tục, chơi bóng tự tin dù mới có lần đầu bước ra đấu trường lớn. Họ cũng thi đấu cùng nhau rất nhiều ở các đội U19, U20 và U23 Việt Nam. Đây chính là lợi thế của Văn Trường và Văn Khang.
Trong khi đó, về mặt kinh nghiệm thi đấu, Xuân Tiến vượt trội 2 người đồng đội với hơn 1.100 phút chơi cho SLNA tại V.League 2022. Các điểm mạnh của cầu thủ này là khả năng đi bóng, kiến tạo và dứt điểm. Anh được coi là người thay thế vai trò của Phan Văn Đức ở SLNA.
Văn Khang, Văn Trường có thể phải cạnh tranh vị trí đá chính ở U22 Việt Nam. Ảnh: Nguyên Khang. |
Với những phương án dự phòng, HLV Troussier cũng có thể chọn được các cầu thủ chất lượng. Ở mùa 2022, Võ Hoàng Minh Khoa (CLB Bình Dương), Nguyễn Đức Việt (HAGL) được tạo điều kiện thi đấu khá nhiều.
Trần Nam Hải, một cầu thủ mới được SLNA gọi lên đội một cũng là cái tên đáng chú ý. Anh đã có 317 phút thi đấu ở V.League và thể hiện khá ổn, có thể chơi ở vị trí tiền vệ trụ lẫn trung vệ.
Ngoài ra, Hoàng Vĩnh Nguyên, tiền vệ mới gia nhập CLB TP.HCM đang được đánh giá cao. Điểm mạnh của anh là khả năng "chia bài", có lối đá tương tự Lương Xuân Trường và cũng là một học trò cũ của HLV Guillaume Graechen.
Tiền đạo
Cuộc cạnh tranh vị trí tiền đạo ở đội U22 Việt Nam cũng sẽ rất khốc liệt. Hai cầu thủ đang được thi đấu đều đặn nhất là Bùi Vĩ Hào và Nguyễn Thanh Nhàn. Vĩ Hào dần trở thành cầu thủ quan trọng ở CLB Bình Dương, đã có gần 1.100 phút thi đấu ở V.League. Trong khi đó, Thanh Nhàn có 10 pha lập công cho CLB Phố Hiến ở giải hạng Nhất 2022 và là trụ cột của đội bóng.
Nguyễn Văn Tùng cũng là một tiền đạo chất lượng, chơi khá ổn ở SEA Games 31 và vòng chung kết U23 châu Á 2022. Tuy nhiên, anh lại ít được thi đấu trong một tập thể nhiều ngôi sao ở CLB Hà Nội nên khó cạnh tranh với Vĩ Hào hay Thanh Nhàn.
Tương tự là trường hợp của Nguyễn Quốc Việt. Anh là trụ cột của đội U20 Việt Nam nhưng mới có mùa giải V.League đầu tiên và chưa được HLV Kiatisuk Senamuang sử dụng nhiều.
Vĩ Hào được tạo điều kiện thi đấu nhiều ở CLB Bình Dương. Ảnh: Quang Thịnh. |
Một học trò "cưng" của HLV Troussier cũng đáng được nhắc đến là Võ Nguyên Hoàng. Chiến lược gia người Pháp đánh giá rất cao tiền đạo này. Nguyên Hoàng cũng từng được HLV Park Hang-seo triệu tập để chuẩn bị cho SEA Games 30 nhưng khi đó, anh quá trẻ để có thể cạnh tranh với Nguyễn Tiến Linh và Hà Đức Chinh.
Tuy nhiên, những bước phát triển của Nguyên Hoàng bị gián đoạn do gặp chấn thương. Hiện tại, anh đã hồi phục và nỗ lực lấy lại phong độ để cạnh tranh suất dự SEA Games 32.
Về mặt kinh nghiệm thi đấu ở V.League, không cầu thủ nào trong lứa U22 Việt Nam có thể sánh với Nguyễn Phi Hoàng (2.545 phút) và Phạm Đình Duy (1.503 phút). Lực lượng tương đối mỏng của CLB Đà Nẵng giúp họ được tạo điều kiện ra sân và tiến bộ nhanh. Tuy nhiên, cũng vì yếu tố này, họ ít được CLB cho phép dự các giải đấu trẻ cùng U19, U20 hay U23 Việt Nam. Do đó, khả năng gắn kết cùng đồng đội là điểm bất lợi của cặp đôi này khi so sánh với các đối thủ cạnh tranh khác.
Phương án khác
Ngoài ra, HLV Troussier cũng từng sử dụng sơ đồ chiến thuật 4-4-2. Nếu ông áp dụng sơ đồ này, Duy Cương, Tiến Long nhiều khả năng đá chính. Cặp trung vệ này được chơi bóng nhiều hơn người đồng đội Quang Thịnh trong khoảng thời gian qua. Ở hai vị trí hậu vệ cánh, Tuấn Tài và Văn Cường vẫn là những sự lựa chọn ưu tiên.
4 tiền vệ sẽ là Văn Khang, Văn Trường, Công Đến và Thanh Nhàn. Trong đó, Thanh Nhàn và Văn Khang có thể hoán đổi vị trí trong một vài thời điểm của trận đấu bởi họ chơi tốt ở cả 2 cánh, sở hữu nguồn thể lực dồi dào để chơi bám biên. Trên hàng công, Vĩ Hào đá cặp tiền đạo cùng Văn Tùng.
Đội hình dự kiến của U22 Việt Nam theo sơ đồ 4-4-2. Đồ họa: Minh Phúc. |
Thời gian để HLV Troussier chuẩn bị cho SEA Games 32 là tương đối ngắn (khoảng 3 tháng). Tuy nhiên, ông cũng có lợi thế khi nhiều học trò cũ của chiến lược gia này có tiến bộ và trưởng thành hơn trong vòng 2 năm qua.
Tiết lộ về HLV Park Hang-seo
Mục Thể thao giới thiệu tủ sách về HLV Park Hang-seo. Ở đây, độc giả sẽ có cơ hội tìm hiểu những câu chuyện về nhà cầm quân người Hàn Quốc trong thời gian ông cùng bóng đá Việt Nam làm nên lịch sử ở những giải đấu khu vực Đông Nam Á, lẫn châu Á.