Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch vụ quảng cáo trực tuyến suy thoái

Doanh thu quảng cáo của các ông lớn trong ngành như Alphabet (công ty mẹ Google) hay Microsoft đều cho kết quả kém khả quan và giảm mạnh so với cùng kỳ.

Theo CNBC, thị trường quảng cáo trực tuyến tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề khi hai ông lớn trong ngành là Alphabet Inc. - công ty mẹ Google và Microsoft báo cáo doanh thu đáng thất vọng trong quý gần đây nhất.

Cụ thể, trong báo cáo tài chính quý III/2022 của Alphabet, doanh thu quảng cáo trên YouTube giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 7,07 tỷ USD so với ước tính của các nhà phân tích là 7,42 tỷ USD.

Đây cũng là lần đầu tiên doanh thu quảng cáo của YouTube giảm so với cùng kỳ năm trước kể từ khi công ty bắt đầu công bố kết quả kinh doanh riêng của từng mảng vào năm 2019.

Doanh thu YouTube sut giam anh 1

Lần đầu tiên doanh thu quảng cáo của YouTube giảm so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: PromiAD.

Tăng trưởng doanh thu tổng thể của Alphabet giảm mạnh từ 41% một năm trước xuống chỉ còn 6%, nhấn mạnh nỗi lo sợ về một cuộc suy thoái đang rình rập buộc các công ty phải cắt giảm nhiều chiến dịch quảng cáo và tiếp thị.

Ông lớn gặp khó khăn

Giám đốc tài chính Ruth Porat của Alphabet cũng thừa nhận sự bấp bênh của một số yếu tố kinh tế đang là thách thức lớn và “chủ yếu phản ánh sự sụt giảm trong chi tiêu của các nhà quảng cáo”.

Trong khi đó, Giám đốc kinh doanh của Google, Philipp Schindler nói rằng công ty nhận thấy các doanh nghiệp đang dần cắt giảm chi tiêu cho các quảng cáo trên công cụ tìm kiếm ở các lĩnh vực như bảo hiểm, vay nợ, tiền mã hóa…

Mới tuần trước, Snap cho dấu hiệu đầu tiên về sự suy thoái của thị trường quảng cáo trực tuyến khi công bố kết quả kinh doanh, cho thấy đây là quý tồi tệ nhất của hãng khi tăng trưởng doanh thu chậm, khiến cổ phiếu sụt giảm hơn 30% vào ngày hôm sau.

Doanh thu YouTube sut giam anh 2

Kết quả kinh doanh mới nhất cho thấy mảng quảng cáo của Google không hề miễn nhiễm trước những thách thức của thị trường. Ảnh: Getty Images.

Theo bức thư gửi các nhà đầu tư, Snap cho rằng doanh số bán hàng kém là do các công ty đang phải "cắt giảm ngân sách tiếp thị" để đối phó với nền kinh tế yếu kém.

Một ông lớn khác trong ngành là Microsoft cũng cho thấy sự chững lại trong kinh doanh quảng cáo trực tuyến với báo cáo quý mới nhất.

Theo đó, mảng kinh doanh quảng cáo tìm kiếm và tin tức, bao gồm công cụ Bing và Microsoft News cho doanh số bán hàng chỉ đặt mức tăng trưởng 16%, thấp hơn nhiều so với mức cùng kỳ năm ngoái là 40%.

Tốc độ tăng trưởng của mảng kinh doanh quảng cáo liên tiếp bị thu hẹp lại theo từng quý trong năm qua, trùng với quỹ đạo đi xuống chung của toàn bộ thị trường quảng cáo trực tuyến.

Ngoài ra, tăng trưởng doanh số hàng quý trên mạng xã hội công việc LinkedIn của Microsoft đã giảm xuống còn 17% so với mức 42% trong cùng kỳ năm 2021.

“Việc giảm chi tiêu quảng cáo của khách hàng, vốn thường suy yếu vào cuối quý, đã ảnh hưởng đến việc tìm kiếm trong các giải pháp quảng cáo và tiếp thị của LinkedIn", Giám đốc tài chính của Microsoft, Amy Hood nói với các nhà phân tích.

Meta - công ty mẹ Facebook dự kiến ​​sẽ báo cáo quý thứ hai liên tiếp về doanh số sụt giảm, nhấn mạnh tình trạng hỗn loạn hiện nay trong ngành quảng cáo trực tuyến. Theo đánh giá từ các báo cáo gần đây của nhiều gã khổng lồ công nghệ khác nhau, CNBC nhận định không có khả năng nào để Meta đưa ra dấu hiệu phục hồi.

Doanh thu YouTube sut giam anh 3

Doanh thu quảng cáo của hầu hết ông lớn công nghệ đều tăng trưởng chậm hơn so với cùng kỳ. Ảnh: Search Engine Land.

Spotify, nền tảng phát nhạc trực tuyến với Mỹ là thị trường lớn nhất cũng không tránh khỏi khủng hoảng. Công ty cho biết hôm 25/10 rằng môi trường kinh tế “đầy thách thức” đã ảnh hưởng đến doanh số quảng cáo của công ty trong quý III/2022, góp phần gây ra thiệt hại lớn mặc dù hoạt động mở rộng người dùng vẫn tăng trưởng vững chắc.

Kết quả tăng trưởng doanh thu kém cỏi là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự chậm lại của ngành quảng cáo trực tuyến nói riêng và nền kinh tế lớn nhất thế giới nói chung là khi người tiêu dùng và doanh nghiệp thắt chặt chi tiêu vào thời điểm lạm phát tăng cao.

Bóng ma lạm phát

Ngân sách tiếp thị thường là nơi đầu tiên mà các công ty nghĩ đến khi cố gắng cắt giảm chi phí. Theo phân tích của Financial Times, thước đo niềm tin của người tiêu dùng hiện đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một năm qua. Chỉ số tình hình do Conference Board công bố đã giảm xuống chỉ còn 138,9, mức yếu nhất kể từ tháng 4/2021.

Lynn Franco, Giám đốc cấp cao tại Conference Board, cho biết chỉ số giảm mạnh cho thấy tăng trưởng kinh tế đã chậm lại vào đầu quý IV/2022 và mô tả kỳ vọng của người tiêu dùng là "rất ảm đạm".

Nền kinh tế toàn cầu liên tục chao đảo trong những tháng gần đây khi các ngân hàng trung ương liên tục nâng lãi suất để chống lại tỷ lệ lạm phát cao nhất trong hơn 40 năm qua. Chiến lược này đang đe dọa đẩy nền kinh tế vào suy thoái.

Theo AP, hiện nhiều hộ gia đình đã thắt chặt ngân sách và cắt giảm những mặt hàng không cần thiết, dẫn đến việc các nhà quảng cáo chi tiêu ít hơn để tiếp thị sản phẩm và dịch vụ của họ.

Doanh thu YouTube sut giam anh 4

Tỷ lệ lạm phát cao trên toàn cầu khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, dẫn đến việc các nhà quảng cáo cũng không mặn mà chi tiền tiếp thị sản phẩm. Ảnh: Getty Images.

Cũng trong báo cáo tài chính, CEO Sundar Pichai của Google cho biết sẽ cắt giảm chi phí vận hành công ty trước sự xuống dốc của nền kinh tế, lạm phát, lãi suất tăng cao và doanh nghiệp giảm chi cho quảng cáo. Công ty sẽ giảm tuyển thêm nhân sự mới vào quý IV để điều chỉnh các nguồn chi của tập đoàn.

Bên cạnh suy thoái kinh tế khiến người dùng thắt chặt chi tiêu, nguyên nhân của sự sụt giảm trên toàn ngành có thể kể đến sự cạnh tranh cho chi phí quảng cáo đến từ các mạng xã hội khác, cùng với xu hướng ưa chuộng TikTok hơn YouTube của người dùng, Bloomberg nhận định.

Google nhận tiếp án phạt 113 triệu USD tại Ấn Độ

Chưa đầy 1 tuần, Google đã bị Ủy ban Cạnh tranh Ấn Độ phạt 2 lần. Số tiền phạt lên tới 113 triệu USD cho hành vi độc quyền và lạm dụng quảng cáo.

Anh Tuấn

Bạn có thể quan tâm