Apple có lẽ đã tính toán sai khi xác định phân khúc thị trường của dòng iPhone 14. Ảnh: Cnet. |
Ngày càng có nhiều thông tin cho thấy doanh số bán ra iPhone 14 và iPhone 14 Plus thấp hơn dự kiến. Đặc biệt, model màn hình lớn, giá rẻ của Apple bán chậm hơn cả iPhone SE 3 và iPhone 13 mini. Trong khi chính iPhone 13 mini bị hãng khai tử để nhường chỗ cho iPhone 14 Plus, hi vọng tạo ra cú hích mới trên thị trường.
Tính toán sai lầm
Đã xuất hiện báo cáo về việc Apple phải thay đổi cơ cấu sản xuất của dòng iPhone 14. Theo Digitimes, chuỗi cung ứng được yêu cầu giảm 40% sản lượng iPhone 14 Plus.
Thậm chí nguồn tin của The Information cho rằng Táo khuyết tạm ngưng sản xuất model này trong khi chờ đánh giá lại nhu cầu thị trường. 2 nhà cung cấp giấu tên cho biết sản lượng bị cắt giảm lần lượt là 70% và 90%.
Trên blog cá nhân, chuyên gia phân tích Ming-Chi Kuo, người nổi tiếng với các dự đoán về sản phẩm và chiến lược kinh doanh của Apple, cho rằng doanh số của iPhone 14/iPhone 14 Plus ở mức rất tệ. "Chiến lược định vị phân khúc sản phẩm của Apple đối với các mẫu tiêu chuẩn đã thất bại trong năm nay", ông nhận định.
iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max bán chạy hơn nhưng chưa chắc là tin vui. Ảnh: Apple. |
Tin vui với Apple là iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max thành công ngoài dự kiến. Bloomberg mô tả doanh số của bộ đôi này đang ở mức "mạnh mẽ", trong khi Kuo cho biết gã khổng lồ xứ Cupertino đã chuyển dây chuyền sản xuất iPhone 14 sang các mẫu iPhone 14 Pro. Điều này sẽ giúp cải thiện chỉ số giá bán trung bình của iPhone trong quý IV/2022.
Tuy nhiên, diễn biến ngoài kế hoạch này không mang lại lợi ích bền vững. "Mặc dù có ít nhất một nhà cung cấp được yêu cầu tăng cường sản xuất linh kiện dành cho iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max, điều đó không đáng kể so với số lượng cắt giảm tương ứng trên iPhone 14 Plus", The Information cho biết.
Trong ngắn hạn, mọi thứ khó có thể cải thiện, đặc biệt là sau khi Apple tăng giá bán tại hầu hết khu vực, ngoại trừ Mỹ và Trung Quốc.
Đánh mất vị thế
Liên tiếp nhiều năm, dòng iPhone cơ bản của Apple chiếm giữ vị trí smarphone bán chạy nhất toàn cầu trong vòng 1 năm sau thời điểm phát hành.
Gần đây, theo dữ liệu của hãng nghiên cứu Counterpoint Research, iPhone 13 chiếm 5,5% tổng lượng smartphone bán ra trong tháng 4. Từ khi ra mắt thời điểm đó, iPhone 13 luôn là smartphone bán chạy nhất thế giới qua từng tháng, doanh số cao hơn các mẫu Pro tại nhiều thị trường lớn.
iPhone 14 đứng trước nguy cơ không giữ được vị trí smartphone bán chạy nhất toàn cầu như phiên bản tiền nhiệm. Ảnh: Engadget. |
Tuy nhiên, những phản ứng ban đầu của thị trường cho thấy iPhone 14 có khả năng đánh mất vị thế này.
Cùng với giá bán tăng cao, giá trị của iPhone 14 giảm nhanh gấp đôi so với iPhone 13. Theo SellCell, nhà bán lẻ điện thoại đã qua sử dụng, iPhone 14 mất 40% giá trị trong vòng 10 ngày, con số này trên iPhone 13 là 18%. Điều đó khiến cho lòng tin vào giá trị sản phẩm của Apple, hay còn được gọi là “thuế Apple” bị suy giảm.
Cùng với các tác động khách quan như lạm phát tăng cao trên quy mô toàn cầu, giá năng lượng leo thang, khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở một số thị trường lớn… việc dựa vào thành công hiện tại của dòng Pro là một canh bạc đối với Apple.
Tuy nhiên, gã khổng lồ xứ Cupertino vẫn có nhiều lợi thế. Apple là công ty kinh doanh smartphone duy nhất có mức tăng trưởng tích cực, ít nhất là ở thời điểm hiện tại. Theo số liệu từ Canalys, trong khi toàn bộ thị trường di động giảm 9% vào quý III/2022 thì Apple mở rộng thị phần từ 15% lên 18% sau một năm.
Không chỉ riêng iPhone, các dòng sản phẩm nổi tiếng khác của Apple cũng bị thị trường hoài nghi về giá bán cũng như cách sắp xếp phân khúc, bao gồm MacBook Air và toàn bộ dòng iPad.
Từ trước đến nay, người dùng Apple có tiếng “trung thành”, liên tục nâng cấp sản phẩm và ngày càng dính chặt với hệ sinh thái của Táo khuyết. Tuy nhiên, đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy lòng tin đang bị thử thách.