Dòng iPhone 14 đã mở bán ở hầu hết các quốc gia, tuy nhiên vẫn đang bị cấm bán ở Colombia do tranh chấp giữa Apple và Ericsson. Ảnh: Phương Lâm. |
Trong thông cáo báo chí về thời điểm mở bán dòng iPhone 14, Apple tuyên bố sẽ phát hành iPhone 14 Plus tại Colombia vào 28/10.
Apple đưa ra tuyên bố này bất chấp việc iPhone 14 đã bị cấm bán ở Colombia kể từ khi ra mắt, do vụ kiện tụng liên tục của Apple với công ty viễn thông Thụy Điển, Ericsson, về mạng 5G.
Ericcson đang kiện Apple vi phạm bằng sáng chế công nghệ 5G ở nhiều quốc gia. Ericsson muốn Apple phải trả tiền để sử dụng các công nghệ 5G đã được cấp bằng sáng chế của mình, với mức giá là 5 USD cho mỗi chiếc iPhone. Apple từ chối trả mức phí này.
Cho đến nay, Colombia là quốc gia duy nhất cấm các thiết bị có sử dụng công nghệ 5G của Apple cho đến khi có phán quyết cuối cùng. Cụ thể, vào tháng 7, một thẩm phán Colombia đã cấm nhập khẩu và bán bất kỳ thiết bị 5G nào của Apple.
Trong vụ kiện Apple, Ericsson tuyên bố rằng Colombia chỉ “chiếm khoảng 0,2% doanh số bán hàng trên toàn thế giới của Apple”. Tuy nhiên với số lượng iPhone bán ra, Ericsson đánh giá số tiền thiệt hại vẫn rất lớn, theo Carlos Olarte, luật sư của Ericsson tại Colombia.
Olarte cho biết có thể Apple đã mắc lỗi khi soạn thông cáo, và nếu hãng này vẫn bán iPhone thì có nghĩa là trực tiếp vi phạm lệnh cấm của Colombia.
Apple sau đó đã xóa chú thích về ngày bán iPhone 14 tại Colombia khỏi thông cáo báo chí. Trong một tuyên bố, Apple đã nói rằng quyết định của tòa án Colombia là không công bằng và đang kháng cáo.
Hãng này thậm chí đã xin sẵn chứng nhận cho iPhone 14 từ cơ quan quản lý viễn thông Colombia, đây là quy trình mà các công ty thực hiện trước khi đưa điện thoại ra thị trường ở nước này.
Trong khi vụ kiện đang diễn ra, những người yêu thích iPhone ở Colombia không thể tìm được máy ở các cửa hàng chính thống và đang tìm đến chợ đen.
Rest of World cho biết một số thương gia đưa được iPhone vào nước qua xách tay và buôn lậu. Mức giá bán cao hơn khoảng 300 USD so với giá niêm yết của Apple. Một thương gia cho biết mức chênh này là tiền người mua iPhone phải trả cho rủi ro mà người bán phải chịu.
Ngoài mức giá cao, người dùng còn phải chấp nhận mua một thiết bị chưa chắc đã truy cập được mạng viễn thông Colombia và sẽ không có linh kiện thay thế, sửa chữa.
“Vì lệnh cấm, chúng tôi không thể nhập khẩu phụ tùng thay thế”, một kỹ thuật viên giấu tên từ một cửa hàng sửa chữa được Apple ủy quyền nói với Rest of World. Nếu cần bảo hành, người mua sẽ phải gửi máy sang Mỹ.