Chia sẻ với Znews, các dịch giả cho biết đã trải nghiệm và sử dụng đa dạng các công cụ dịch thuật AI như Google Translate, DeepL, ChatGPT,... để hỗ trợ công việc dịch thuật.
Đa dạng các công cụ AI được dịch giả sử dụng
Một số dịch giả đã trải nghiệm sử dụng AI cho các công đoạn khác nhau của dịch thuật đánh giá đây là công cụ thuận tiện khi cần thực hiện những tác vụ chuyển ngữ đơn giản hay tra cứu, tham khảo, đối chiếu nhanh các phần ngữ nghĩa.
Chị Hải Âu với hơn 10 năm kinh nghiệm làm công việc sáng tạo và quản lý nội dung, hiện là chuyên viên R&D mảng tư vấn phát triển nhận thức và là dịch giả tự do, chia sẻ về trải nghiệm sử dụng Google Translate trong cả đời sống hàng ngày và công việc. Theo chị, đây là công cụ tiện lợi và đắc lực cho những tác vụ dịch thuật đơn giản và khi chỉ cần hiểu nhanh và khái quát ý nghĩa của một đoạn văn bản.
Dịch giả Hải Âu chia sẻ mình không xem AI là đối thủ, mà là trợ thủ và cũng là lời nhắc nhở bản thân trau dồi, học hỏi. Ảnh: NVCC. |
Trong những trường hợp cần đọc hiểu tài liệu chuyên ngành với độ chính xác cao, đặc biệt là các tài liệu được viết bằng ngôn ngữ ngoài tiếng Anh (ví dụ Pháp hay Đức), chị thường ưu tiên sử dụng DeepL. Với chị Hải Âu, GPT dùng để trao đổi thêm về ngữ nghĩa, khái niệm, so sánh - đối chiếu văn bản… vì GPT là một chatbot.
Tuy nhiên, chị Hải Âu cho rằng việc sử dụng AI hay không tùy thuộc vào quan điểm và sở thích của mỗi dịch giả, và chị tôn trọng điều này.
Chị Tùng Lam - dịch giả tự do với một số tựa sách xuất bản trong các năm qua - chia sẻ mình sử dụng ChatGPT phiên bản 3.5 để hỗ trợ quá trình dịch sách từ tiếng Anh sang tiếng Việt, cụ thể với các tham chiếu và những cụm từ/thành ngữ khó trong tiếng Anh. Theo chị, ChatGPT có thể là trợ thủ đắc lực cho người dịch trong những công đoạn tra cứu như thế này, vì nó có thể đưa ra câu trả lời cần tìm một cách nhanh chóng và trực diện.
AI vẫn yếu kém ở những văn bản phức tạp, đa nghĩa
Nếu có một vốn ngoại ngữ nhất định và có trải nghiệm sử dụng các công cụ dịch thuật AI, đơn cử là Google Translate (công cụ dịch thuật AI phổ biến nhất ngoài thị trường Trung Quốc), độc giả hoàn toàn có thể tự mình nhận thấy những tiến bộ bền bỉ, thậm chí có thể nói là vượt bậc qua các năm. Đặc biệt với cặp ngôn ngữ Anh - Việt, kết quả từ công cụ này không chỉ có tính chính xác tăng cao, mà cả độ mượt mà của ngôn ngữ đích cũng ngày một rõ nét. Tuy nhiên, các dịch giả vẫn chỉ ra được những điểm "làm khó" các công cụ dịch thuật AI.
Bàn về khả năng dịch thuật của các công cụ AI, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng, Hải Âu và Tùng Lam đều nhận định dù có nhiều tiến bộ trong các năm qua, vẫn tỏ ra thiếu sót với các văn bản nhiều tính văn chương, hay các văn bản có tính phức tạp và trừu tượng cao nói chung. Nguyên do là vì những văn bản này thường xuất hiện dày đặc tiếng lóng, thành ngữ, hàm chứa ẩn dụ, ẩn ý, chơi chữ.
Chị Tùng Lam chia sẻ khi dùng ChatGPT để tra cứu, phải xác minh lại những thông tin đáng nghi ngại trên Google vì ChatGPT thường đưa ra đáp án và lời giải thích "rất mạch lạc và đáng tin, dù đáp án đó có thể sai lè". Và theo chị, hiện tại và có thể trong tương lai xa ChatGPT vẫn chưa thể nào thay thế những người dịch tài hoa với khả năng sử dụng tiếng Việt đẹp, tinh tế.
Về độ “tự nhiên" trong cách hành văn, chị Hải Âu quan niệm bản dịch hay không chỉ đòi hỏi chính xác về ngữ pháp và ngữ nghĩa mà còn truyền đạt được cảm giác tự nhiên như ngôn ngữ mẹ đẻ: "Để tạo được cảm giác ấy cho độc giả, người dịch cần linh hoạt trong việc lựa chọn từ vựng, diễn đạt, cấu trúc câu… và phải có hiểu biết về văn hóa, tâm lý của tác giả" để từ đó "tái tạo tinh thần và cảm xúc của văn bản gốc".
Bộ kỹ năng phức tạp và đậm tính “người" cần có với những nội dung có ý nghĩa “xuyên văn bản", lướt qua nghĩa đen để hiểu được nghĩa bóng này hiện nay vẫn là thách thức cho các hệ thống huấn luyện AI.
AI vừa là thách thức, vừa là cơ hội của dịch giả
Dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng nhận định AI “vừa là thách thức, vừa là cơ hội” cho người dịch. Theo ông, đây là “bộ lọc” rất tốt để “đào thải” các dịch giả yếu kém và/hoặc lười nhác, thiếu trách nhiệm và chỉ dịch giả thực sự giỏi mới trụ được lâu dài. Chỉ bằng cách trở nên "tinh ròng" hơn trong lĩnh vực riêng của mình, dịch giả mới bổ khuyết được cho những lỗ hổng trong kho dữ liệu của AI.
Theo dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng, các dịch giả "có thể và cần phải tận dụng và đồng thời làm chủ được AI". Ảnh: NVCC. |
Dịch giả Hải Âu và Tùng Lam đều chia sẻ mình không coi AI là đối thủ mà là trợ thủ. Chị Tùng Lam so sánh với việc các nhà thơ và tiểu thuyết gia từng tìm đến các buổi gọi hồn, bảng cầu cơ và viết không ý thức (automatic writing) để lấy cảm hứng, nay với AI họ có thể “triệu hồi” chatbot đến máy tính của mình.
Để nâng cao năng suất và tiết kiệm thời gian làm việc, chị Hải Âu thường dùng AI để dịch thô văn bản nhằm mục đích nắm nội dung khái quát hoặc trao đổi về phương pháp dịch, nhưng vẫn phải tự mình thực hiện phần công việc chính. Theo chị, lợi thế được huấn luyện bằng lượng dữ liệu khổng lồ của AI là lời nhắc nhở rằng các dịch giả cần không ngừng học hỏi, mở rộng thêm kiến thức, kỹ năng mềm phụ trợ ngoài chuyên môn.
Dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng cho rằng dịch giả "có thể và cần phải tận dụng và đồng thời làm chủ được AI", nhưng nhấn mạnh rằng để có thể sử dụng AI như công cụ dịch thô rồi biên tập, hiệu đính, “đương nhiên là dịch giả phải giỏi hơn máy”. Theo ông, các công cụ dịch AI sẽ càng ngày càng giỏi hơn nhưng chúng sẽ không bao giờ giỏi bằng và giỏi hơn những con người giỏi. "Điều quan trọng là ta có vươn lên được hàng những con người giỏi hay không".
Dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng đã quen thuộc với độc giả Việt Nam với nhiều tựa sách dịch trong hàng chục năm qua, tiêu biểu có thể kể đến Biên niên ký chim vặn dây cót (Haruki Murakami), Súng, vi trùng và thép (Jared Diamond), Xứ cát (Frank Herbert), Thế giới như tôi thấy (Albert Einstein), Mãi đừng xa tôi (Kazuo Ishiguro),...
Dịch giả Hải Âu có một số tựa sách dịch nổi bật như Siêu nhân loại (Deepak Chopra), Phỏng vấn ma cà rồng (Anne Rice),...
Dịch giả Tùng Lam được biết đến với các tựa sách dịch hư cấu và phi hư cấu như Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm (Lê Thị Diễm Thúy), Thật thà mà yêu (David Yoon), Phù thủy content (Melanie Deziel),...
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.