Theo Guardian, các vụ nổ dường như nhắm vào máy bộ đàm (được gọi là walkie-talkie) do Hezbollah sử dụng đã giết chết ít nhất 9 người và làm bị thương ít nhất 300 người tại các thành phố trên khắp Lebanon.
Một nguồn tin trong Hezbollah xác nhận rằng các máy bộ đàm mà nhóm này sử dụng đã bị nhắm mục tiêu trong vụ tấn công. Một nguồn tin an ninh cấp cao cho biết các vụ nổ riêng lẻ có "quy mô nhỏ".
Diễn biến mới nhất này đang gây gia tăng thêm căng thẳng với Israel, một ngày sau các vụ nổ tương tự đối với hàng nghìn máy nhắn tin của Hezbollah, theo Reuters.
Ít nhất một trong những vụ nổ máy bộ đàm cầm tay xảy ra gần một đám tang do Hezbollah tổ chức cho những người đã thiệt mạng vào ngày hôm trước, khi hàng nghìn máy nhắn tin do nhóm này sử dụng phát nổ trên khắp đất nước và khiến 12 người thiệt mạng và gần 3.000 người bị thương.
Đám tang bé Fatima Abdullah, nạn nhân 9 tuổi trong vụ nổ máy nhắn tin hàng loạt ở Lebanon hôm 17/9. Ảnh: New York Times. |
Hezbollah, vốn đang gặp rối loạn nhất thời do vụ nổ hàng loạt máy nhắn tin, cho biết hôm 18/9 rằng họ đã bắn các vị trí pháo binh của Israel bằng tên lửa trong cuộc tấn công đầu tiên vào kẻ thù không đội trời chung sau diễn biến hôm 17/9.
Vụ nổ máy nhắn tin đã làm bị thương hàng nghìn thành viên của nhóm này ở Lebanon và làm dấy lên viễn cảnh về một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn ở Trung Đông.
Các máy bộ đàm cầm tay trong vụ tấn công mới nhất đã được Hezbollah mua cách đây 5 tháng, cùng thời điểm mua các máy nhắn tin, một nguồn tin an ninh cho biết.
Cơ quan tình báo Mossad của Israel, vốn có lịch sử lâu dài về các hoạt động tinh vi trên đất nước ngoài, đã cài thuốc nổ bên trong máy nhắn tin do Hezbollah nhập khẩu nhiều tháng trước vụ nổ hôm 17/9, một nguồn tin an ninh cấp cao của Lebanon và một nguồn tin khác nói với New York Times.
Bộ trưởng Y tế Lebanon Firass Abiad hôm 18/9 đã cập nhật số người chết đã tăng lên 12, bao gồm hai trẻ em. Vụ tấn công hôm 17/9 khiến gần 3.000 người bị thương, bao gồm nhiều chiến binh của Hezbollah và phái viên của Iran tại Beirut.
Một nhà sản xuất máy nhắn tin ở đảo Đài Loan hôm 18/9 đã phủ nhận việc sản xuất các thiết bị máy nhắn tin phát nổ trong một cuộc tấn công táo bạo làm dấy lên viễn cảnh về một cuộc chiến tranh toàn diện giữa Hezbollah và Israel. Gold Apollo cho biết các thiết bị này được sản xuất theo giấy phép của một công ty có tên là BAC, có trụ sở tại thủ đô Budapest của Hungary.
Hiện chưa có thông tin về thời điểm Hezbollah tiến hành cuộc tấn công bằng tên lửa mới nhất, nhưng thông thường nhóm này sẽ thông báo về các cuộc tấn công như vậy ngay sau khi thực hiện, tức họ đã bắn vào các vị trí pháo binh của Israel hôm 18/9.
Hezbollah đã tuyên bố sẽ trả đũa Israel. Hai bên vốn giao tranh xuyên biên giới kể từ khi xung đột ở Gaza nổ ra vào tháng 10 năm ngoái, làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột rộng lớn hơn ở Trung Đông có thể kéo theo Mỹ và Iran.
Bộ trưởng Ngoại giao Jordan Ayman Safadi cáo buộc Israel đẩy Trung Đông đến bờ vực của một cuộc chiến tranh khu vực bằng cách tạo đà cho một cuộc leo thang nguy hiểm trên nhiều mặt trận.
"Hezbollah muốn tránh một cuộc chiến tranh toàn diện. Họ vẫn muốn tránh một cuộc chiến tranh. Nhưng xét đến quy mô, tác động đến các gia đình, dân thường, sẽ có áp lực đòi hỏi phải có phản ứng mạnh mẽ hơn", chuyên gia Mohanad Hage Ali của Trung tâm Trung Đông Carnegie cho biết.
Hezbollah, lực lượng ủy nhiệm mạnh nhất của Iran tại Trung Đông, tuyên bố sẽ tiếp tục hỗ trợ Hamas ở Gaza và Israel nên chờ phản ứng đối với "vụ tấn công thảm khốc" máy nhắn tin khiến các chiến binh và nhiều người khác bị thương, phải nhập viện hoặc tử vong. Một quan chức Hezbollah cho biết vụ nổ máy nhắn tin là "vụ vi phạm an ninh lớn nhất" trong lịch sử của nhóm này.
Các cảnh quay từ bệnh viện cho thấy những người đàn ông bị nhiều vết thương khác nhau, một số ở mặt, một số bị mất ngón tay và vết thương hở ở hông nơi họ có thể đeo máy nhắn tin.
Một số nguồn tin nói rằng âm mưu này dường như đã được lên kế hoạch trong nhiều tháng. Âm mưu này diễn ra sau một loạt vụ ám sát các chỉ huy và nhà lãnh đạo của Hezbollah và Hamas được cho là do Israel gây ra kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Gaza.
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này,...