Lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 được Bộ LĐ-TB&XH đề xuất bao gồm 9 ngày nghỉ liên tiếp (từ 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến hết mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ, tức từ thứ Bảy ngày 25/1 đến hết Chủ nhật ngày 2/2/2025).
Nhiều người lao động đồng tình với đề xuất nghỉ Tết âm lịch 2025 liên tiếp 9 ngày. Ảnh minh hoạ: Nam Khánh. |
Đề xuất lịch nghỉ Tết âm lịch 2025 đã được gửi lấy ý kiến các bộ, ngành trước khi trình Chính phủ thông qua. Trong đó, Bộ Nội vụ và nhiều người lao động đã bày tỏ đồng thuận với đề xuất này.
Chị Lê Thị Hà (40 tuổi, công nhân may ở TP.HCM) có quê ở Thái Bình, còn chồng chị quê Thanh Hóa. Kể từ khi hai vợ chồng kết hôn rồi lập nghiệp tại TP.HCM đến nay đã hơn 20 năm. Theo kế hoạch định kỳ, cứ 2-3 năm gia đình chị Hà lại về quê ngoài Bắc để đón Tết.
Chị Hà chia sẻ, Tết âm lịch năm 2024 là năm thứ hai gia đình chị chưa thể về quê đón Tết do thời gian nghỉ chỉ được 7 ngày, trong khi việc đi lại đã mất hai ngày.
Năm nay, sau khi có thông tin đề xuất nghỉ Tết âm lịch 9 ngày, vợ chồng chị Hà đã lên kế hoạch mua vé máy bay sớm để về quê đón Tết.
“Nếu được nghỉ Tết 9 ngày thì việc đi lại về quê của gia đình tôi cũng đỡ vội vàng, giá vé máy bay cũng có nhiều lựa chọn hơn. Quan trọng hơn cả là chúng tôi có đủ thời gian để vui vẻ bên gia đình hai bên nội, ngoại", chị Hà chia sẻ.
Trường hợp khác là vợ chồng anh Lê Văn Quang (46 tuổi, quê Nghệ An) làm công nhân tại Bắc Ninh. Anh Quang nhận định, dịp Tết đến, việc đi lại, mua sắm mất nhiều thời gian, do vậy nghỉ Tết âm lịch kéo dài 9 ngày là phù hợp, góp phần giảm áp lực cho người lao động.
Theo anh Quang, mặc dù từ Bắc Ninh về Nghệ An chỉ hơn 300km, nhưng Tết Nguyên đán năm 2024 do nghỉ sát ngày nên việc đi lại của gia đình anh rất áp lực, phải mất gần 1 ngày mới về tới quê nhà.
"Năm nay nếu được nghỉ 9 ngày, gia đình tôi sẽ có thêm 2 ngày nghỉ trước Tết và 3 ngày nghỉ sau Tết. Thời gian nghỉ giãn ra nên sẽ giảm áp lực cho việc đi lại, mua sắm cũng như nghỉ ngơi", anh Quang nói.
Doanh nghiệp không lo trì trệ sản xuất, kinh doanh
Việc nghỉ Tết âm lịch năm 2025 dài ngày là dấy lên lo ngại trì trệ sản xuất. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nếu nghỉ dài ngày thì doanh nghiệp sẽ chủ động có kế hoạch làm bù để không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, sản xuất.
Ông Lê Xuân Thương, giám đốc một doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng ở Hà Nội cho biết, đề xuất lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 chính thức 5 ngày cộng thêm 4 ngày đã được làm bù cuối tuần nên kế hoạch sản xuất kinh doanh của đơn vị không bị ảnh hưởng gì nhiều.
Trái lại, việc bố trí nghỉ 9 ngày Tết liên tiếp sẽ giúp người lao động có thêm thời gian đi lại, mua sắm Tết, giúp họ tái tạo sức lao động để bước vào năm mới làm việc hiệu quả hơn.
Nếu nghỉ Tết Nguyên đán 2025 liên tiếp 9 ngày, doanh nghiệp sẽ bố trí thời gian làm bù để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh. Ảnh minh hoạ: Hoàng Hà. |
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, việc Bộ LĐ-TB&XH đề xuất bố trí nghỉ bù để nghỉ Tết âm lịch năm 2025 liên tiếp 9 ngày là phù hợp.
Theo đó, người lao động có thêm thời gian đi lại, nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, còn doanh nghiệp cũng không ảnh hưởng gì khi 4 ngày nghỉ thêm được tổ chức làm bù.
Ngoài ra, việc nghỉ dài ngày sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng, tạo thêm công ăn việc làm cho doanh nghiệp và người lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong và sau Tết.
Một chuyên gia giao thông cho rằng, nghỉ Tết 9 ngày còn giúp giảm tải cho hạ tầng giao thông, tránh tình trạng quá tải gây ùn tắc trong ngày trước và sau Tết.
"Việc kéo dài kỳ nghỉ tạo điều kiện để người lao động có thời gian đủ để di chuyển về quê mà không phải vội vàng vào những ngày cận Tết, giảm ùn tắc trầm trọng tại các bến xe, nhà ga, các cửa ngõ thành phố lớn.
Chi phí đi lại của người dân cũng giảm khi các hãng bay và tàu, xe có thêm thời gian bố trí phương tiện phục vụ người dân tốt hơn", vị chuyên gia giao thông cho biết.
Sách hay về xã hội
Văn minh Việt Nam - nhà dân tộc học Georges Condominas từng nhận xét tác phẩm này là “Cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”.
Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.