Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới. Ảnh: NLĐ. |
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Trong đó đáng chú ý, cơ quan này đề xuất bổ sung mức thuế tuyệt đối với mặt hàng thuốc lá bên cạnh thuế tiêu thụ đặc biệt.
Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành quy định "thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm" áp dụng mức thuế suất 75% từ năm 2019 đến nay.
Bộ Tài chính đánh giá thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng thuốc lá còn thấp, chưa đủ tác dụng để hạn chế tiêu dùng. Trong thời gian qua, tỷ lệ hút thuốc lá ở Việt Nam vẫn ở mức cao, có xu hướng gia tăng.
"Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và mức giảm vẫn chưa đạt được mục tiêu giảm sử dụng thuốc lá trong nam giới xuống còn 39%", Bộ đánh giá.
Theo đó, cơ quan này cho rằng việc sử dụng thuốc lá cần được tiếp tục kiểm soát hơn nữa. Vì vậy trong dự thảo này, Bộ đề xuất giữ nguyên mức thuế suất 75% đối với thuốc lá và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình với 2 phương án.
Trong đó, Bộ Tài chính lựa chọn phương án áp thuế tuyệt đối là 5.000 đồng/bao với thuốc lá điếu từ năm 2026 và tăng dần lên qua từng năm. Đến năm 2030, áp thuế 10.000 đồng/bao.
Với xì gà, cơ quan quản lý đề xuất mức thuế tuyệt đối áp dụng với mặt hàng này sẽ tăng liên tiếp từ 2026 là 50.000 đồng/điếu đến năm 2030 sẽ là 100.000 đồng/điếu.
Đánh giá tác động của đề xuất này, Bộ Tài chính cho rằng tỷ lệ hút thuốc ở nam giới sẽ giảm từ 42,7% năm 2022 xuống còn 38,6% vào năm 2030.
Trong khi đó, tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ có thể tăng từ 36% năm 2022 lên 59,4% vào năm 2030. Số thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá tăng từ 17.600 tỷ đồng năm 2022 lên 30.000 tỷ năm 2026 và 39.200 tỷ năm 2030.
Bộ Tài chính lý giải trên thế giới ngày càng có nhiều quốc gia áp dụng thuế hỗn hợp (kết hợp thuế tỷ lệ và thuế tuyệt đối) đối với thuốc lá để giảm thiểu tác hại của thuốc lá giá rẻ, thấp cấp đối với sức khỏe cộng đồng. Số lượng các nước áp dụng hệ thống thuế hỗn hợp đối với thuốc lá tăng từ 48 nước năm 2008 lên 65 nước năm 2021.
"Việc áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp đối với thuốc lá sẽ đảm bảo chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt hiệu quả đối với mục tiêu tăng giá, góp phần định hướng giảm tiêu dùng sản phẩm thuốc lá giá rẻ, chất lượng thấp", Bộ này đánh giá.
Đồng thời, cơ quan quản lý cho rằng việc áp thuế hỗn hợp sẽ hạn chế sự tiếp cận của giới trẻ, đối tượng mới hút thuốc thường tiếp cận thuốc lá bắt đầu từ thuốc lá giá thấp, bị nghiện sớm, khó cai/bỏ thuốc cũng như đối tượng thu nhập thấp, người nghèo hút thuốc, nghiện thuốc lá.
Với những đối tượng trên, khả năng chi cho chăm sóc sức khỏe hạn chế hơn nên gánh nặng bệnh tật và kinh tế sẽ nghiêm trọng hơn.
Ngoài ra, lấy dẫn chứng đánh giá của WHO, WB, IMF và các đối tác phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ Tài chính cho rằng giá bán thuốc lá của Việt Nam vẫn còn thấp do tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ chỉ chiếm khoảng 39% năm 2020 khi áp dụng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt 75%.
Trong khi đó, tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ các nước trong khu vực là Thái Lan 70%, Singapore 69%, Malaysia 57%, Indonesia 51%, Myanmar 50% và các nước phát triển Australia 62%, Đức 75%, Pháp 80%...
Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.