Bộ Tài chính đánh giá tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam vẫn ở mức cao. Ảnh: Chí Hùng. |
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Trong đó, đang chú ý, cơ quan này đề xuất đánh thuế với tất cả đồ uống có cồn, thực phẩm lên men từ trái cây, ngũ cốc, đồ uống pha chế từ cồn thực phẩm.
Luật thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành quy định sắc thuế này đối với rượu từ 20 độ trở lên là 65%, rượu dưới 20 độ là 35% và bia là 65%.
Theo đánh giá của cơ quan quản lý, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng thuốc lá, rượu bia còn thấp chưa đủ tác dụng để hạn chế tiêu dùng hoặc điều tiết thu nhập của người sử dụng có thu nhập cao trong xã hội.
Hạn chế sản xuất và tiêu dùng bia, rượu
Theo đó, trong dự thảo mới này, đối với rượu từ 20 độ trở lên và bia, Bộ Tài chính đề xuất phương án 2 là áp thuế 80% vào năm 2026, tăng dần qua các năm và lên 100% vào 2030. Với rượu dưới 20 độ, Bộ đề xuất chịu thuế 50% từ năm 2026 sau đó tăng lên cao nhất 70% vào năm 2023.
Với đề xuất này, Bộ cho rằng việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn (bia, rượu) sẽ làm tăng giá bán, góp phần hạn chế việc sản xuất và tiêu thụ mặt hàng này, từ đó hạn chế tác hại của việc uống rượu, bia nhiều, ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân.
Theo đó, giá bán bia, rượu năm 2026 sẽ tăng 20% so với năm 2025, và các năm tiếp theo mỗi năm giá bán sẽ tăng 2-3% so với năm trước để đảm bảo giá sản phẩm tăng tương ứng theo mức độ lạm phát và gia tăng thu nhập của các năm tiếp theo.
"Việc định hướng, hạn chế tiêu dùng các sản phẩm rượu, bia góp phần kiểm soát được yếu tố nguy cơ gây bệnh do nguyên nhân từ rượu, bia, sẽ làm giảm tỷ lệ bệnh tật, tử vong nên giảm áp lực lên hệ thống y tế, giảm quá tải bệnh viện", Bộ Tài chính lý giải.
Việc tăng thuế đối với rượu, bia sẽ góp phần giảm sử dụng rượu, bia bao gồm cả nữ giới. Ảnh: Nhật Sinh. |
Ngoài ra, cơ quan quản lý đánh giá việc tăng thuế đối với rượu, bia sẽ góp phần giảm sử dụng rượu, bia bao gồm cả nữ giới. Đồng thời cản trở tiếp cận của thiếu niên nữ bắt đầu uống bia, rượu ở tuổi vị thành niên.
"Do tăng thuế dẫn đến tăng giá sản phẩm bia, rượu cũng như tác dụng nâng cao nhận thức về tác hại của rượu bia từ việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, dẫn đến giảm bạo lực gia đình, đặc biệt là bạo lực của nam giới sau khi uống rượu bia ở mức nguy hại gây ra đối với nữ giới", Bộ dẫn chứng.
Tuy nhiên, cơ quan này đánh giá việc điều chỉnh tăng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia sẽ ảnh hưởng tới tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực rượu, bia do tác động giảm tiêu thụ.
Thuế và giá rượu, bia đang ở mức thấp
Lý giải đề xuất trên, Bộ Tài chính cho biết mặc dù mặt hàng bia và rượu đã được tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình từ năm 2016-2018. Tuy nhiên, sức mua rượu, bia của người Việt Nam vẫn tăng do thu nhập tăng nhanh trong khi giá rượu, bia tăng rất chậm.
"Do vậy, trong thời gian qua, tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam vẫn ở mức cao và có xu hướng gia tăng nhanh", cơ quan quản lý cho biết.
Theo Bộ Y tế, mức tiêu thụ rượu bia bình quân/người trưởng thành quy đổi ra cồn nguyên chất ở người trưởng thành Việt Nam đã tăng từ 2,9 lít/người năm 2005 lên 7,9 lít/người năm 2019.
Tỷ lệ nam giới uống rượu bia ở mức cao, năm 2021 có 64,2% nam và 9,8% nữ hiện uống rượu bia trong 30 ngày qua. Tỷ lệ uống rượu bia ở mức nguy hại cũng đang rất phổ biến, đặc biệt ở nam giới (28,3% năm 2021).
Thuế rượu, bia của Việt Nam mới chiếm khoảng 30% giá bán lẻ, trong khi ở nhiều nước tỷ trọng thuế rượu, bia chiếm 40-85%.
Hiện nay, thuế và giá rượu, bia ở Việt Nam còn ở mức thấp, theo tính toán của WHO thuế rượu, bia của Việt Nam mới chiếm khoảng 30% giá bán lẻ, trong khi ở nhiều nước tỷ trọng thuế rượu, bia chiếm 40-85% giá bán lẻ.
"Do vậy, lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu và bia từ năm 2016-2018 chưa đủ mạnh để tác động đến giảm tiêu dùng rượu bia. Trước mắt, cần tiếp tục tăng thuế để tăng giá bán lẻ rượu, bia lên mức ít nhất tỷ trọng thuế rượu, bia chiếm 40% giá bán lẻ", Bộ Tài chính cho hay.
Theo đó, cơ quan quản lý cho rằng cần tiếp tục điều chỉnh tăng mức thuế này theo phương pháp tính thuế tỷ lệ đối với rượu, bia để tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10% theo khuyến nghị tăng thuế của WHO và lộ trình tăng theo mức tăng thu nhập và lạm phát.
Ngoài ra, Bộ này cũng đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có hàm lượng đường trên 5 gram/100ml. Điều này nhằm kịp thời ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thừa cân, béo phì đáng báo động ở trẻ em và thanh thiếu niên... và hạn chế tiêu thụ nước giải khát có đường, mang lại lợi ích về sức khỏe cộng đồng, đặc biệt đối với giới trẻ.
Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.