Bộ trưởng nhấn mạnh chưa cấp phép cho doanh nghiệp nào kinh doanh thuốc lá điện tử. Ảnh: Quochoi. |
Chất vấn Bộ trưởng Công Thương chiều 4/6, Đại biểu Trần Thị Thanh Lam (Bến Tre) đặt vấn đề về trách nhiệm của Bộ này trước tình trạng thuốc lá điện tử tràn lan trên thị trường.
Cụ thể, đại biểu Lam cho biết thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng chưa được thừa nhận ở Việt Nam nhưng lại được bán tràn lan trên thị trường, nhất là qua không gian mạng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe đến người dân, đặc biệt là giới trẻ.
"Có thể khẳng định, các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên thị trường hiện nay là hàng nhập lậu, chưa rõ nguồn gốc, xuất xứ. Bộ trưởng cho biết trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương trong quản lý thị trường và cam kết của Bộ trưởng về vấn đề này?", đại biểu đề nghị.
Chưa cấp phép kinh doanh thuốc lá điện tử
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Công Thương cho biết kinh doanh thuốc lá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và được điều chỉnh bởi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá. Sản phẩm thuốc lá thế hệ mới bao gồm cả thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng chưa được định nghĩa cụ thể trong luật hiện hành.
"Do vậy, thời gian vừa qua đang tồn tại khoảng trống pháp lý trong công tác quản lý Nhà nước đối với sản phẩm này", Bộ trưởng thừa nhận.
Bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh cơ quan này chưa cấp phép kinh doanh thuốc lá điện tử cho doanh nghiệp nào và thời gian qua Bộ đã chỉ đạo cơ quan quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát như ở Hà Nam đã phát hiện và thu giữ 18.000 sản phẩm, hay Hà Nội thu giữ hơn 11.000 sản phẩm.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ quyết liệt cùng các bộ ngành, do Bộ Y tế chủ trì, để ban hành chính sách rõ ràng hơn trong quản lý thuốc lá điện tử. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát để quản lý tốt tình trạng thuốc lá điện tử bán tràn lan trên thị trường.
Đại biểu cho biết thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng chưa được thừa nhận ở Việt Nam nhưng lại được bán tràn lan trên thị trường. Ảnh: SCMP. |
"Việc ngăn chặn thuốc lá điện tử phải ngay từ biên giới, bởi khi vào thị trường việc ngăn chặn sẽ rất khó khăn", Bộ trưởng nhìn nhận.
Cùng với đó, ông Diên cho rằng cần phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác thông tin, truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử, đặc biệt đối với đối tượng yếu thế, trẻ em, học sinh.
"Xem xét đưa vào chương trình giảng dạy tại nhà trường về tác hại của thuốc lá điện tử, những quy định cấm của pháp luật, các chế tài xử lý; đặc biệt cần huy động được sự tham gia của các lực lượng xã hội trong việc tuyên truyền giáo dục về tác hại của thuốc lá và quản lý con em mình...", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thu 50.000 tỷ đồng thuế từ TMĐT đầu năm
Giải trình một số vấn đề đại biểu quan tâm về việc thu thuế trong môi trường thương mại điện tử tại phiên chất vấn chiều 4/6, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết thời gian qua Bộ Tài chính đã rất quyết liệt trong việc thực hiện thu thuế của sàn thương mại điện tử.
"Bộ Tài chính đã mở cổng thông tin điện tử về sàn xuyên biên giới hướng dẫn các tổ chức, cá nhân nộp thuế. Đồng thời phối hợp các bộ ngành để kết nối dữ liệu điện tử", ông Phớc nói.
Kết quả, năm 2022 đã thu được 83.000 tỷ đồng, năm 2023 thu được 97.000 tỷ đồng và 5 tháng đầu năm nay đã thu được 50.000 tỷ đồng. Đã có 96 nhà cung cấp nước ngoài như Facebook, Google, Microsoft, TikTok... đăng ký và nộp thuế ở cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính về sàn thương mại điện tử xuyên biên giới. Hiện, các tập đoàn lớn này đã nộp được 15.600 tỷ đồng về thuế thương mại điện tử.
Sắp tới, Bộ Tài chính sẽ thực hiện đồng bộ việc thu thuế các sàn thương mại điện tử và tiếp tục chỉ đạo các tỉnh, thành giao cơ quan thuế thu thuế qua sàn giao dịch thương mại điện tử, tập chung chính ở Hà Nội và TP.HCM.
Về vấn đề xuất nhập khẩu, Bộ trưởng cho hay đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan triển khai "hải quan thông minh" và trở thành thành viên của hải quan thế giới.
Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh thời gian qua đã rất quyết liệt trong việc thực hiện thu thuế của sàn thương mại điện tử. Ảnh: Quochoi. |
"Bộ Tài chính cũng triển khai thanh toán điện tử 100%, kết nối 19 ngân hàng thương mại và nộp thuế điện tử để chống buôn lậu và thông quan một cách thuận lợi nhất. Hơn nữa, thời gian tới Bộ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hải quan để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp", ông nói.
Đối với giải pháp chống thất thu thuế, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết theo thống kê, nộp thuế trong lĩnh vực này của năm 2003 tăng trên 16% so với năm 2022. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận còn thất thu thuế trong lĩnh vực này.
"Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với ngành thuế và Bộ Tài chính chia sẻ dữ liệu của hơn 900 website và gần 300 ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử để thực hiện rà soát và tăng cường quản lý thuế trong thương mại điện tử", ông nói.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung về thương mại điện tử chia sẻ liên thông với các bộ ngành liên quan để phục vụ công tác quản lý thuế và hải quan. Đồng thời khẩn trương hoàn thành kết nối hệ thống giữa cơ quan chức năng của Bộ Công Thương và Tổng cục thuế để trao đổi dữ liệu các website ứng dụng thương mại điện tử bán hàng trong tháng 6...
Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.