Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Con tim không già thì tại sao chúng ta lại già

Tác giả cuốn hồi ký “Gánh gánh… gồng gồng…” chia sẻ câu chuyện về tuổi trẻ nhiều biến động và quan niệm sống của bà khi bước sang tuổi 94.

Hoi ky Xuan Phuong anh 1

Tác giả Xuân Phượng (bên phải) và TS Bùi Trân Phượng (bên trái) trong buổi trò chuyện "Lưu giữ tuổi thanh xuân" ngày 17/12. Ảnh: Thanh Trần.

Đã qua tuổi nghỉ hưu từ lâu, nhưng hơn 30 năm nay đạo diễn - nhà văn Xuân Phượng vẫn luôn tất bật với các công việc ở phòng tranh, đồng thời cho ra mắt hai cuốn hồi ký Áo dàiGánh gánh… gồng gồng…

Trong buổi trò chuyện về chủ đề “Lưu giữ tuổi thanh xuân”, bà chia sẻ về một khía cạnh khác của tuổi trẻ bên cạnh hình tượng người phụ nữ mạnh mẽ như thường thấy.

"Tôi không phải anh hùng"

Thường được nhắc đến với hình ảnh người phụ nữ chế thuốc nổ, nữ phóng viên chiến trường gan dạ hay "người đàn bà thép" của hội họa Việt, bà Xuân Phượng cho rằng bản thân thực chất cũng như rất nhiều phụ nữ bình thường. “Tôi cũng sợ hãi, tôi cũng lo lắng như mọi người chứ không phải mình đồng da sắt”, bà nói.

Từ con gái của một gia đình trung lưu tại Đà Lạt, bà quyết định đi theo kháng chiến khi mới 16 tuổi. Kể từ đó, cuộc đời bà trải qua nhiều bước ngoặt và những thăng trầm đáng nhớ.

Nhớ về lần đầu sinh con ở tuổi 20, một kỉ niệm “khá bi thảm của đời tôi” theo cách gọi của bà, dù đã qua hơn 70 năm, bà vẫn không kìm được mà đưa tay lau nước mắt.

Lần đầu trải qua cơn đau trở dạ, bà mất 7 tiếng băng rừng trong đêm để đến được bến đò. Đến bây giờ bà vẫn “kinh sợ” mỗi khi nhìn thấy đom đóm bởi trong nó gợi nhớ về đêm hôm ấy khi bà “mở mắt ra thấy đom đóm đầy trời”. Đến khi nằm một mình trên chiếc đò ngang lúc 4-5 giờ sáng, bà thậm chí đã suýt tự tử nếu không có cái động bất ngờ của bào thai. Nghĩ đến con, bà quyết định ở lại.

“Tôi không phải anh hùng, tôi cũng đau đớn quằn quại như các bạn. Trong những lúc gay cấn nhất, lương tri là thứ đã giúp tôi vượt qua”, bà tâm sự. Với bà, niềm tin rằng con người chỉ có một cuộc sống và phải làm sao sống được theo ý muốn của mình chính là động lực giúp bà vượt qua nhiều cuộc chiến.

Hoi ky Xuan Phuong anh 2

Gánh gánh... gồng gồng... là cuốn hồi ký ghi lại nhiều thăng trầm trong cuộc đời đạo diễn Xuân Phượng. Ảnh: NXB Tổng hợp TP.HCM.

Năm 37 tuổi, khi đang làm tại một phòng khám thuộc Bộ Ngoại giao với mức lương khá và điều kiện vật chất đầy đủ, bà lại có một quyết định làm đảo lộn cuộc đời mình đó là bỏ nghề bác sĩ để trở thành phóng viên chiến trường. “Biết là phần sống thì ít phần chết thì nhiều nhưng tôi tuyệt đối không hối hận, bởi khi đó cuộc chiến đang cần mình”, bà nói.

Là thành viên của nhóm chế tạo thuốc nổ đầu tiên trong cách mạng, bà cũng từng đối mặt với câu hỏi như tại sao phụ nữ lại làm thuốc nổ. “Nếu một người đang sống trong gia đình bình thường, mà có người bắn phá gia đình mình, thì dù là phụ nữ, là ai đi nữa thì bạn cũng sẽ làm như vậy thôi”, bà trả lời.

"Số phận của tôi là đi làm, ở nhà rất chán"

Trong thời hòa bình, đạo diễn Xuân Phượng vẫn miệt mài làm việc không ngừng nghỉ, thậm chí nhiều đến mức “không nhớ nổi”. Bà từng có một thời gian thất nghiệp và loay hoay tìm kiếm công việc yêu thích. “Dường như số phận của tôi là đi làm vì khi nghỉ ở nhà cảm thấy rất chán”, bà nói.

Sau 2 năm làm việc tại Pháp, năm 1991 bà mở một phòng tranh tại Việt Nam và gắn bó với công việc này cho đến nay. Lotus Gallery là nơi để bà giới thiệu các tác phẩm hội họa Việt Nam đến với quốc tế. Mỗi năm bà đều cố gắng tổ chức từ 3-4 triển lãm ở những nước khác nhau.

Bà cho biết bản thân không có ý định sẽ dừng lại nghỉ ngơi. “Tôi nghĩ chết trong buổi triển lãm thì vui hơn, ấm cúng hơn là chết trên một giường bệnh”, bà nói.

Trước dịp sinh nhật 94 tuổi của mình, bà vẫn ấp ủ dự định thực hiện một triển lãm để trưng bày các tác phẩm ký họa trong chiến tranh của cố họa sĩ Phạm Thanh Tâm - người đồng đội cũ đã mất từ năm 2019. Với bà, việc đưa những tác phẩm của người đồng đội xưa không chỉ khẳng định giá trị của những tác phẩm, mà còn góp phần giúp người trẻ hiểu về chiến tranh. Đây cũng là mong muốn của bà khi viết hai cuốn hồi ký Áo dàiGánh gánh… gồng gồng…

Hoi ky Xuan Phuong anh 3

Đạo diễn Xuân Phượng nhận quà chúc sinh nhật ngày 17/12 (2 ngày sau khi bà bước sang tuổi 94). Ảnh: Thanh Trần.

Khi được hỏi làm sao để sống đúng với độ tuổi của mình, bà cho rằng con người chỉ già ở cái da cái tóc, còn trái tim thì “không bao giờ chịu già”. Vì thế, bà chọn sống theo con tim, theo cảm xúc của chính mình. “Con tim không già thì tại sao chúng ta lại già. Trái tim tôi bây giờ cũng thổn thức với mùa thu, say mê với âm nhạc… mà tôi thì không thể từ chối trái tim của mình”, bà nói.

Đúc kết lại kinh nghiệm sống của mình, bà cho rằng trước hết cần phải vượt qua nỗi sợ của bản thân và sau đó cố gắng hết sức mình để hoàn thành công việc. “Tôi cảm nhận thấy rằng mỗi việc trong đời đều có cái rất đẹp của nó. Trước mắt tôi không bao giờ là một bức tường, mà luôn là một thế giới rộng mở”, bà nói thêm.

Tham gia cách mạng từ năm 1945, tác giả Nguyễn Thị Xuân Phượng từng làm nhiều nghề như chế tạo thuốc nổ, y tá, phóng viên, biên dịch, thông dịch viên, bác sĩ, đạo diễn phim tư liệu chiến trường, chủ phòng tranh...

Năm 2011, bà được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương “Bắc đẩu bội tinh” vì những đóng góp cho sự hiểu biết sâu sắc hơn giữa Việt Nam và Pháp cả trong thời chiến và thời bình. Năm 2020, hồi ký Gánh gánh... gồng gồng... của bà nhận được giải thưởng từ Hội Nhà văn Việt Nam.

‘Gánh gánh… gồng gồng…’ nhận giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM

Sau giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam vào tháng 11/2020, hồi ký "Gánh gánh... gồng gồng..." của đạo diễn Xuân Phượng tiếp tục nhận giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM.

Trải nghiệm đáng nhớ của đạo diễn Xuân Phượng

“Gánh gánh... gồng gồng...” dẫn dắt người đọc vào cuộc đời của đạo diễn Xuân Phượng qua từng giai đoạn của lịch sử.

Thanh Trần

Bạn có thể quan tâm