Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tác chiến điện tử trong chiến dịch Phòng không đánh B-52

Dự kiến và đề phòng địch đánh phá lại miền Bắc, Bộ Tư lệnh Quân chủng chỉ thị cho đội trinh sát nhiễu tìm hiểu thêm về nhiễu của địch, nhất là nhiễu của B-52.

Dien Bien Phu tren khong anh 1

Máy bay B-52 bị bắn rơi đêm 26/12/1972 trên bầu trời Hà Nội. Ảnh: TTXVN.

Đội trinh sát nhiễu được thành lập trên cơ sở những trang thiết bị trinh sát điện tử mà Liên Xô đưa sang để tìm hiểu nhiễu của Mỹ một thời gian, sau đó giao lại cho ta sử dụng.

Năm 1967, tôi từ là trợ lý Phòng Huấn luyện Bộ Tham mưu, được điều sang làm đội trưởng đội trinh sát nhiễu, đồng chí Nguyễn Xuân Đại và đồng chí Lê Trọng Kiên làm đội phó (Đồng chí Kiên về được một tháng thì được cử đi học nghiên cứu sinh ở Liên Xô).

Lúc ban đầu, Đội có 34 người, được điều từ nhiều đơn vị của Quân chủng về. Đội trinh sát nhiễu được giao cho Phòng Khoa học quân sự Bộ Tham mưu Quân chủng quản lý, tôi được bổ nhiệm làm phó phòng. Nhiệm vụ của đội trinh sát nhiễu là tìm hiểu, nghiên cứu nhiễu của Mỹ và chống nhiễu.

Trang thiết bị của đội trinh sát nhiễu là các máy thu trinh sát điện tử, thuộc các dải tần số sóng mét, sóng dm, cm; các máy phân tích phổ tần số; máy ghi âm; máy quay phim, máy chụp ảnh... Năm 1967, đội trinh sát nhiễu bố trí tại Hà Nội để huấn luyện sử dụng máy trong khi Mỹ vào đánh phá kho xăng Đức Giang.

Đội trinh sát nhiễu mở máy thu cũng đã bắt được nhiều tín hiệu nhiễu của địch, trong đó có tần số nhiễu rãnh đạn, phù hợp với những gì mà Phòng Khoa học quân sự đã phân tích được qua tham số kỹ thuật của máy thu ALQ-71.

Cuối năm 1968, Mỹ phải xuống thang chiến tranh phá hoại, rút dần giới hạn đánh phá, chỉ còn từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam. Dự kiến và đề phòng địch đánh phá lại miền Bắc, Bộ Tư lệnh Quân chủng chỉ thị cho đội trinh sát nhiễu tìm hiểu thêm về nhiễu của địch, nhất là nhiễu của B-52.

Khi B-52 đánh phá đường vận chuyển chiến lược 559 dọc đường Trường Sơn, Bộ Tư lệnh đưa một đội trinh sát nhiễu gọn nhẹ vào Quân khu 4 để trinh sát nhiễu của Mỹ. […]

Vào giữa năm 1968, Phòng Khoa học quân sự Quân chủng đã soạn thảo một tài liệu phân tích bản chất các dạng nhiễu của địch trên màn hiện sóng của radar đài điều khiển tên lửa SAM-2, cho in gửi đến tất cả tiểu đoàn tên lửa.

Tập ảnh nhiễu đầu tiên của Quân chủng Phòng không - Không quân, in các hình ảnh xuất hiện trên màn hiện sóng các loại radar, cũng được xây dựng từ kết quả nghiên cứu của Phòng Khoa học quân sự và đội trinh sát nhiễu và được sử dụng làm tài liệu huấn luyện trắc thủ trong toàn Quân chủng.

Khi mùa mưa đổ xuống tuyến đường 559, việc vận chuyển tiếp tế bằng cơ giới phải ngừng lại, thì hoạt động đánh phá tuyến đường cũng giảm. Đội trinh sát nhiễu được rút về Hà Tĩnh để củng cố và chuẩn bị cho mùa khô năm sau. Từ đó cho đến khi kết thúc chiến tranh, mùa khô nào cũng có mặt đội trinh sát nhiễu trên đỉnh Cà Ròn, vừa làm công tác nghiên cứu nhiễu của địch, vừa phục vụ chiến đấu, phục vụ vận chuyển trên tuyến đường huyết mạch Bắc-Nam này.

Đầu năm 1970, do thực tế và thực lực được bổ sung và do yêu cầu nhiệm vụ, Bộ Tư lệnh Quân chủng quyết định thành lập tiểu đoàn trinh sát nhiễu, lấy phiên hiệu là tiểu đoàn 8.

Ngày 16/01/1970, khi đó, tôi là phó phòng Quân báo nhận được quyết định của Quân chủng giao nhiệm vụ phó phòng Quân báo kiêm tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn trinh sát nhiễu. Tiểu đoàn trinh sát nhiễu được hình thành trên cơ sở một tiểu đoàn bộ và ba đại đội trinh sát nhiễu.

Tiểu đoàn bộ được bố trí ở Hà Nội và ba đại đội trinh sát nhiễu đóng quân và làm nhiệm vụ ở các địa điểm sau:

- Đại đội 52, bố trí tại Phù Liễn, Kiến An, Hải Phòng.

- Đại đội 27, bố trí tại huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.

- Đại đội 3, bố trí tại km54 đường 20, Quảng Bình.

Đại đội 3 là đại đội trọng yếu của tiểu đoàn nên cán bộ tiểu đoàn thường xuyên thay phiên nhau trực tiếp theo dõi, chỉ đạo, và đại đội cũng luôn luôn được tăng cường cán bộ đại đội. Uy tín của đại đội 3 trinh sát nhiễu trong việc báo động B-52 vào đánh phá tuyến đường khiến Bộ Tư lệnh 559 đã yêu cầu Quân chủng biệt phái một bộ phận của đội trinh sát nhiễu sang đặt dưới sự quản lý và phối thuộc với Cục Phòng không của Bộ Tư lệnh 559 để phục vụ báo động B-52 cho tuyến đường.

Bộ Tư lệnh Quân chủng cũng quyết định phối thuộc các đại đội trinh sát nhiễu vào các trung đoàn radar của Quân chủng để hỗ trợ việc theo dõi máy bay địch của các trung đoàn radar (đại đội 52 phối thuộc vào trung đoàn 291; đại đội 3 và đại đội 27 phối thuộc vào trung đoàn 290).

Đại đội 3 trinh sát nhiễu, qua nhiều năm tìm hiểu nhiễu B-52, đã phát hiện ra B-52 không gây nhiễu radar mặt đất làm việc ở dải sóng 3 cm, tạo điều kiện cho Phòng Nghiên cứu kỹ thuật Quân chủng triển khai đề tài cải tiến, lắp ghép phần tử B-52 từ đài radar không bị nhiễu đó vào đài điều khiển SAM-2 để chống nhiễu B-52. […]

Cuối năm 1972, B-52 của Mỹ tập kích 12 ngày đêm vào Hà Nội, Hải Phòng.

Trước đó 2 ngày, đại đội 3 đã thông báo về khả năng đánh lớn miền Bắc của địch và cũng thông báo sớm 20 phút triệu chứng trực tiếp khi B-52 vào thông qua những thông tin thu được về các hoạt động nhiễu của địch.

Ngay trong đợt đầu đánh B-52 của Quân chủng, cùng các đơn vị radar, tên lửa, đại đội 3 đã được tặng thưởng huân chương chiến công hạng nhất (lúc đó công bố trên báo chí là đại đội 3 radar chứ không phải trinh sát nhiễu).

Ngày 16/12/2014, đại đội 3 trinh sát nhiễu được Nhà nước ta tuyên dương danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, một vinh dự to lớn cho đại đội 3 nói riêng và cho đội ngũ trinh sát nhiễu nói chung.

Do hiện nay, đại đội 3 trinh sát nhiễu không còn nữa nên đơn vị tiếp nhận và kế thừa thành tích anh hùng của đại đội 3 là cụm trinh sát kỹ thuật 127, nay là Trung tâm Trinh sát kỹ thuật, trực thuộc Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không - Không quân.

Phan Thu / NXB Trẻ

SÁCH HAY